Trục tung - kinh tế, trục hoành - sức khỏe cộng đồng. Nhóm: Xanh - hạn chế nhẹ, vàng - hạn chế vừa, đỏ - hạn chế nghiêm trọng.
Biểu đồ hiệu suất của 30 quốc gia hàng đầu được Politico lập ra bằng cách xem xét một loạt các chỉ số, bao gồm số ca nhiễm, số ca tử vong, GDP, tỷ lệ thất nghiệp, cũng như cách các số liệu này được định hình bằng các can thiệp cụ thể của chính phủ.
Từ đó, các nước được phân thành 3 nhóm - chịu hạn chế nhẹ, vừa và nghiêm trọng - trong thương mại và đời sống xã hội vì dịch Covid-19. Kết quả nhìn chung, Việt Nam là quốc gia có thành tích tốt nhất nhóm chịu hạn chế nhẹ, với sức khỏe của cộng đồng và của nền kinh tế quốc gia đều đang được bảo vệ tốt hơn cả, tránh được các thiệt hại đáng kể.
Nằm trong nhóm chịu hạn chế vừa, chẳng hạn Đức được cho đã có những chính sách đa dạng nhưng kết quả chưa thực sự tốt. Nền kinh tế của nước này đang có dấu hiệu đi xuống cùng tốc độ với các nước láng giềng, dù tỷ lệ tử vong do Covid-19 được giữ ở mức thấp hơn đáng kể nhờ khả năng xét nghiệm diện rộng và hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt.
Cũng có một tỷ lệ tử vong thấp, Singapore lại bị xếp vào nhóm chịu hạn chế nghiêm trọng do điều kiện sống tồi tàn của lực lượng lao động nhập cư đã bị Chính phủ bỏ quên, trở thành nguyên nhân gây ra làn sóng Covid-19 thứ 2 tại nước này. Quốc gia Đông Nam Á hiện là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất thế giới, làm lu mờ hiệu quả kiểm soát sức khỏe đạt được ở người dân bản địa thời gian đầu.
Một số quốc gia được lưu ý rằng có GDP tương đương nhưng tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn khác nhau, chẳng hạn như Mỹ, Anh và Nhật Bản. Điều này được cho là thể hiện sự chênh lệch trong khả năng hỗ trợ người lao động của mỗi chính phủ.
Theo KTĐT