Cuộc chiến căng thẳng với dịch bệnh nhưng đầy nhân văn
21g55 phút tối 9-2, từ sân bay Nội Bài chuyên cơ HVN68 của Vietnam Airlines kiêu hãnh tung mình lên nền trời đêm thực hiện sứ mệnh lịch sử, đón 30 công dân Việt Nam từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc về nước. Chính phủ Việt Nam không bỏ lại công dân của mình. Chuyến bay HVN68 chính là thông điệp nhân văn đầy trách nhiệm của những người đứng đầu đất nước đối với những người con xa quê hương. Sau HVN68 còn rất nhiều chuyến bay nữa đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước.
Sự đồng lòng của Chính phủ và nhân dân đã giúp Việt Nam bước đầu đẩy lùi đại dịch. Ảnh: T.M
Câu chuyện ấm tình người, đầy niềm tự hào về Tổ quốc trên đôi cánh bay đã diễn ra giản dị như thế. Khi Tổ quốc mang theo những người con trên đôi cánh của mình về tránh dịch cũng đồng nghĩa chấp nhận thêm những lo toan vất vả. Từ khó khăn ấy, ta lại thấy những hình ảnh đẹp của tình người khi có những sáng kiến tương thân, tương ái hỗ trợ nhau từ cân gạo, mớ rau... cho đến những máy móc y tế hiện đại được các nhà hảo tâm tặng cho các bệnh viện, cơ sở y tế phục vụ công tác điều trị bệnh dịch.
Hình ảnh của một Chính phủ đầy năng động, đầy trách nhiệm với người dân luôn chứng minh là chỗ dựa kịp thời mỗi khi người dân cần tới. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho lao động bị giảm sâu về thu nhập, có mức sống dưới tổi thiểu được Chính phủ đề ra kịp thời. Bên cạnh đó là những điều chỉnh hợp lý về bảo hiểm, thuế, lãi xuất ngân hàng... đã giúp các doanh nghiệp thêm động lực khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách.
Thực tế đã chứng minh những ngày sóng gió đầy căng thẳng dần đi qua, nhịp sống bình yên đời thường đang trở lại với người dân. Thành công bước đầu ấy cho thấy sự đồng lòng giữa ý Đảng, lòng dân, chung tay vượt qua mọi gian khó. Một cuộc chiến đầy căng thẳng với dịch bệnh nhưng cũng đầy nhân văn của tình người.
Thực tế chứng minh luận điệu xấu không có chỗ đứng
Bất chấp sự thật ấy, nhiều kẻ xấu, nhiều thế lực xấu bất kể ngày đêm liên tục tung ra những thông tin gây hoang mang, phủ nhận thành quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân trong cuộc chiến với dịch bệnh. Những ngày cả nước đồng lòng cách ly, yêu Tổ quốc chính là ở yên một chỗ. Chính phủ đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết thì không ít những kẻ sống trong nước và nước ngoài cho rằng việc làm này khiến nền kinh tế của đất nước đi xuống trầm trọng. Họ không quên lấy ví dụ một số nước có nền kinh tế vững chắc như: Anh, Italia, Mỹ... mặc dù bị dịch Covid-19 kéo tới nhưng người dân vẫn vui vẻ xuống đường, đắm mình trong những lễ hội nơi bãi biển, tự tin đi lại, không cần đến khẩu trang tại các nhà ga, trên các chuyến tàu... Chưa dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn tung tin Chính phủ Việt Nam thiếu minh bạch thông tin, che giấu sự thật số người bị nghi nhiễm, mắc bệnh COVID-19 ít hơn thực tế, nhằm che mắt cộng đồng quốc tế.
Kết quả ra sao? Sau một thời gian lơ là với đại dịch, sau khi đưa ra những quan điểm khác nhau trong phòng chống dịch bệnh, Chính phủ các nước nói trên đã có những điều chỉnh hợp lý để bảo vệ người dân. Mỹ và Italia được liệt kê vào nhóm các nước có số ca dương tính mới, số người chết đứng đầu thế giới. Chỉ một ca dương tính với Covid-19 lại kéo theo hàng chục, thậm chí là hàng trăm F1, F2... phải cách ly theo. Hai trường hợp dương tính tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đã kéo theo nhiều người, nhiều gia đình sống tại con phố đó phải đi cách ly. Đương nhiên, những chi phí ấy Chính phủ sẵn sàng chi trả.
Nếu bị những kẻ xấu định hướng, dẫn dắt, tiếp đó Chính phủ rồi các địa phương để mặc người dân tự do đi lại giữa hiểm nguy dịch bệnh, chắc chắn nền kinh tế của nước nhà sẽ liêu xiêu vì những khoản chi phí không nhỏ bị đội lên phục vụ việc chữa trị. Các nhà máy, cơ sở sản xuất... không biết đến bao giờ mới hoạt động lại. Đâu cần tới súng đạn, chỉ cần hướng Chính phủ, hướng nhân dân theo thuyết phá hoại trên, kẻ xấu, kẻ địch cũng làm chúng ta tự khủng hoảng về tinh thần và kinh tế.
Nhưng chúng ta đã không rơi vào bẫy này, Việt Nam đã tìm ra cách khắc chế dịch bệnh theo hoàn cảnh của mình. Liên tiếp những chỉ đạo quyết liệt chống dịch được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương... đưa ra, dự báo chiến lược xác định “thời điểm vàng” dập dịch được triển khai mạnh mẽ. Cách ly y tế, cách ly tập trung, cách ly tại nhà, phong tỏa ổ dịch được siết chặt nhằm không để dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng...
Giờ đây, trong mắt Tổ chức Y tế thế giới và bạn bè quốc tế, Việt Nam được đánh giá là nước khống chế tốt dịch bệnh. Ông John MacArthur - Giám đốc Văn phòng Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Thái Lan đánh giá, trong khi nhiều quốc gia Đông Nam Á có hàng nghìn ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 thì Việt Nam đã nổi lên như hình mẫu thành công chống dịch của thế giới. Chính sự minh bạch cùng với quyết tâm chính trị nhất quán đã giúp Việt Nam làm nên thành công này.
Trong tháng 5, Ngân hàng Thế giới công bố bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam với nhận định, điểm sáng kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc từ ngày 23-4. Liên quan tới kinh tế Việt Nam, trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định.
Ngay trong chiều 22-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19 gây ra. Các ý kiến cho rằng, qua tiếp xúc, tìm hiểu, các nhà đầu tư đều bày tỏ tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn. Trong đó phải kể đến 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.
Thủ tướng nêu rõ, nếu Việt Nam không đầu tư phát triển, kể cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài thì không bao giờ thành công. Chúng ta chống dịch Covid-19 bước đầu thành công nhưng phải lo phát triển đất nước thì mới đạt thắng lợi kép. Các nước đang cạnh tranh quyết liệt, chúng ta phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường giá trị gia tăng lớn là hướng đi cần thiết nhưng bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là tư nhân, đầu tư làm ăn tại Việt Nam.
Tính từ 6g ngày 16-4 đến 6 giờ ngày 23-5, Việt Nam có 37 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam có 324 ca mắc và đã điều trị khỏi cho 267 ca bệnh, chiếm tỷ lệ 82%.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.744 ca, trong đó có 266 ca cách ly tập trung tại bệnh viện, 7.726 ca cách ly tập trung tại cơ sở khác và 6.752 ca cách ly tại nhà, nơi lưu trú. Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong số 57 ca còn đang điều trị, đã có chín ca âm tính với SARS-CoV-2, trong đó có ba ca âm tính hai lần trở lên.
Cuối giờ chiều ngày 22-5, bệnh nhân 91 cùng hệ thống máy ECMO, máy thở từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh đã được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy an toàn.
Theo PLXH