Theo thông tin từ CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Mã: TCM), tháng 2/2020, Công ty đạt doanh thu gần 12,7 triệu USD, khoảng 295 tỉ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế hơn 409.000 USD, tương đương 9,5 tỉ đồng, đạt 61% kế hoạch.
Với diễn biến phức tạp từ dịch COVID-19, Dệt may Thành Công (TCM) báo doanh thu và lợi nhuận đều không đạt kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận 2 tháng đầu năm giảm 63%.
Lũy kế hai tháng đầu năm, doanh thu đạt gần 21,3 triệu USD, lợi nhuận hơn 820.000 USD, tương ứng khoảng 494 tỉ và 19 tỉ đồng, giảm lần lượt 21% và 63% so với cùng kì. Theo Dệt may Thành Công, kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch một phần bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo thông tin từ TCM, trong tháng 1/2020, doanh thu công ty mẹ đạt hơn 8,6 triệu USD (gần 200 tỷ đồng) - đạt 82% kế hoạch, lợi nhuận sau thuế trên 411 nghìn USD (tương đương hơn 9,5 tỷ đồng) - đạt 72% kế hoạch. Như vậy, so với con số doanh thu 17,8 triệu USD và 1,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế của cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của TCM trong tháng đầu năm nay giảm, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019, lợi nhuận sau thuế giảm đến 63%. Nói về con số trên, TCM cho biết, kết quả kinh doanh không cao là do tháng 1 rơi vào đợt nghỉ Tết 10 ngày. Trong khi vào năm 2019, dịp nghỉ Tết rơi vào tháng 2 Dương lịch nên kết quả kinh doanh của tháng 1 năm ngoái và năm nay có phần chênh lệch.
Trước đó, tính chung cả năm 2019, doanh thu thuần hợp nhất của TCM đạt khoảng trên 3.644 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số trên 3.662 tỷ đồng của năm 2018. Lợi nhuận sau thuế gần 217 tỷ đồng, giảm gần 17%. So với kế hoạch doanh thu và lãi ròng, TCM thực hiện lần lượt đạt khoảng 92% và 90%. Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản công ty đạt gần 2.923 tỷ đồng, phần lớn thuộc tài sản cố định. Hàng tồn kho giảm 26% giá trị so với đầu năm. Về nguồn vốn, nợ phải trả là gần 1.498 tỷ đồng, trong đó, vay nợ tài chính chiếm 57%. Khoản nợ ngân hàng ngắn hạn chiếm phần lớn tới hơn 732 tỷ đồng, nhưng đã giảm 27% so với hồi cuối năm 2018.
Mặc dù chưa công bố con số kế hoạch 2020 cụ thể, trong bản tin mới nhất, TCM hé lộ mục tiêu đạt doanh số 300 triệu USD sau năm 2019, tương đương hơn 7.000 tỷ đồng. Có thể thấy đây là một tham vọng lớn của TCM những năm tiếp theo. Bởi trong bối cảnh hiện nay, ngành dệt may nói chung đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn.
Theo phân tích của SSI, dịch Covid-19 tuy không có tác động trực tiếp đến nhu cầu các sản phẩm may mặc, vì hầu hết các công ty may mặc trong nước không xuất khẩu sang Trung Quốc, tuy nhiên, GDP Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây tác động tiêu cực trong dài hạn lên tiêu dùng.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc đóng cửa trong tháng 1 và tháng 2 khi Trung Quốc đang là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Đối với TCM, DN hiện có 3 mặt hàng chính là sợi, vải và áo. TCM đang tự chủ sản xuất vải nên không bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu do tác động của dịch bệnh corona.
Theo báo cáo về các mảng sản xuất và kinh doanh của TCM từ FPTS, mảng sợi một phần xuất sang Trung Quốc (khoảng 50%) và phần còn lại dùng để làm nguyên liệu sản xuất vải. Với mảng vải của TCM, 50% doanh thu đến từ xuất khẩu sang thị trường Nhật và 50% đến từ tiêu thụ nội địa. Mảng may mặc chủ yếu xuất sang các quốc gia châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), Mỹ và EU. Trong đó, ở thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc công ty xuất theo đơn hàng liên quan đến E-land (cổ đông lớn).
Như vậy, nhìn vào thị trường khá rộng lớn thì có thể thấy Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được Nghị viện Liên minh châu Âu (EU) thông qua là “cửa sáng” cho TCM. Bởi với khả năng tự sản xuất vải, TCM được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang EU nhờ ưu đãi thuế quan từ hiệp định này. Ngoài ra, các DN khác muốn xuất khẩu hàng vào châu Âu phải đáp ứng quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” của EVFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan, do đó sẽ phải mua vải từ Việt Nam nên TCM cũng kỳ vọng hưởng lợi ở mảng này.