Doanh nghiệp Đà Nẵng "đồng lòng, hiệp lực" đối phó COVID-19

10/03/2020 19:27

Trước những diễn biến mới của dịch viêm phổi chủng mới COVID–19, nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng bấm bụng “đóng cửa” và tìm hướng đi mới dù thiệt hại kinh tế là vô cùng lớn.

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có 2 ca dương tính với COVID-19 là công dân Anh, đồng thời TP cũng ghi nhận thêm 3 trường hợp người Việt Nam nghi ngờ mắc COVID-19, theo dõi tại các khu cách ly tập trung 1.054 người.

Thiệt hại dù nặng nề...

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đóng trụ sở trên đường 2/9, TP. Đà Nẵng cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi chủng mới COVID–19, dù không muốn nhưng anh buộc lòng phải đóng của công ty bắt đầu từ sáng hôm nay – 9/3/2020.

“Công ty hiện nay có hơn 20 nhân viên, nếu đóng của thì tính tất cả các chi phí mỗi ngày thiệt hại khoảng hơn 8 triệu đồng. nhưng không đóng cửa không được bởi phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hơn nữa nếu có mở cửa thì nhân viên cũng không dám đi làm, nếu đi làm cũng không có tâm trạng nào để làm”, vị này chia sẻ.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch viêm phổi chủng mới COVID–19

Cùng chung hoàn cảnh, lãnh đạo một công ty có trụ sở đóng tại đường Trưng Nữ Vương cũng cho biết công ty đang “bế quan, tỏa cảng” do trụ sở công ty gần với khách sạn mà 2 du khách người Anh lưu trú. “Công ty có công ty con nữa nên thiệt hại rất lớn, chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng là 60 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể phải trả lương cứng cho nhân viên, rồi tiền bảo hiểm, …. Khó khăn lắm nhưng vẫn phải “gồng gánh” vì nếu không trả lương, bảo hiểm thì khi hết dịch sẽ không có người làm; nếu trả mặt bằng thì khi hết dịch công ty sẽ hoạt động tại đâu”, vị này chua chát.

Bi đát hơn, trước tình hình COVID-19, nhiều công ty đóng cửa im lìm từ Tết Nguyên đán và hiện vẫn chưa có dấu hiệu mở cửa hoạt động trở lại. Giám đốc một công ty trên đường Nguyễn Hữu Thọ cho hay dù mỗi tháng phải trả mặt bằng gần 40 triệu, lương hơn 150 triệu, bảo hiểm khoảng 30 triệu nhưng vẫn phải đóng cửa công ty từ Tết đến nay – đã hơn 1 tháng. “Dù khó nhưng để đảm bảo an toàn cho nhân viên, tôi buộc phải dừng các hoạt động. Cũng may là dù lương giảm nhưng nhân viên đồng lòng, luôn gắn bó với công ty, sau này khi ổn định thì làm bù vào những lúc khó”, anh này lạc quan.

Nói về những khó khăn của doanh nghiệp do dịch viêm phổi chủng mới COVID–19, ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng nhận định: đối với TP Đà Nẵng, ngành thương mại dịch vụ chiếm đến 64,35% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn, trong đó dịch vụ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn, góp phần rất lớn vào sự phát triển của Thành phố trong những năm qua. “Tình hình dịch bệnh không những tác động đến nguồn khách quốc tế mà còn ảnh hưởng đến cả đến nguồn khách nội địa đến Đà Nẵng từ đầu năm đến nay khiến cả khách quốc tế và nội địa suy giảm. Thương mại dịch vụ là ngành chịu tác động mạnh nhất do tác động kép từ dịch bệnh và tác động không mong muốn từ Nghị định 100”, ông Quang nói.

Cũng theo người đứng VCCI Chi nhánh Đà Nẵng thì bên cạnh thương mại dịch vụ, công nghiệp và xây dựng của Thành phố cũng bị tác động thứ hai. “Ba ngành: dệt may, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là những ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao của Thành phố trong khi đầu vào nguyên liệu cho các ngành này nhập không ít từ Trung Quốc, do đó nếu tình hình dịch bệnh chưa chấm dứt trong quý II, một số doanh nghiệp các ngành công nghiệp của Đà Nẵng sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất. Trong lĩnh vực xây dựng, một số doanh nghiệp thông tin việc máy móc, thiết bị linh kiện từ Trung Quốc không nhập được khiến công trình triển khai không đúng tiến độ... Trong trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu được nguyên liệu từ Trung Quốc hoặc tìm được nguồn cung mới thì giá nguyên liệu sẽ cao hơn so với trước đây, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Quang nhận định.

Còn theo ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng thì ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch thiệt hại nặng nề nhất, từ 700-800 triệu USD với kịch bản dịch được khống chế trong tháng 6, còn kéo dài nữa thì không tính được.

Cứu doanh nghiệp là cứu mình

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Tiến Quang - Giám đốc VCCI Đà Nẵng, trước tình hình diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn kép, cả về nguồn cung đầu vào sản xuất và sức mua của thị trường sụt giảm. Điều này có thể khiến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, ngừng sản xuất và rút lui khỏi thị trường…

Theo Giám đốc phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP Đà Nẵng, hiện nay Quỹ đầy tư phát triển của TP nên chuyển hướng lấy quỹ này hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp để giảm chi phí tiếp cận vốn trong thời kỳ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Đặc biệt, liên qua đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Quang đề xuất: “Không nên thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng trong lúc này, cần căn cứ vào tình hình sản xuất thực tế của doanh nghiệp, nếu chuyển doanh nghiệp thành nhóm nợ xấu sẽ khiến họ không có cơ hội để phục hồi. Do đó, chúng ta “cứu doanh nghiệp là cứu chính mình”. Đồng thời, nhiều giải pháp thiết thực được Giám đốc VCCI Đà Nẵng đưa ra như cần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cụ thể với phí công đoàn (2%), thành phố nên kiến nghị với Trung ương để đạt  hiệu quả cao trong công tác tham mưu nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành du lịch thiệt hại nặng nề nhất, từ 700-800 triệu USD với kịch bản dịch được khống chế trong tháng 6. Trong ảnh: Khách sạn ven biển Đà Nẵng

Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nhấn mạnh: “Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đề nghị xem xét đề xuất trên 4 khía cạnh đó là về phía DN, Hiệp hội, chính quyền TP và Chính phủ”. Cụ thể, Chủ tịch hội Doanh nhân Trẻ Đà Nẵng xác định trước khi chờ đợi sự trợ giúp từ bên ngoài, doanh nghiệp phải tự chủ động cứu mình. Từ năm ngoái, Hội đã chủ trương kêu gọi hội viên cắt giảm chi phí hoạt động không cần thiết của đơn vị và thực tế đã đạt hiệu quả khi gần 10 doanh nghiệp sản xuất có lãi và lãi cao. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường (giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc) điều chỉnh doanh thu, điều chỉnh giá sao cho phù hợp trong thời kỳ khủng hoảng với tiêu chí: lãi ít lại và cốt yếu phải duy trì sản xuất.

Cũng theo ông Hùng, song song, Hội đã chủ động triển khai ngay ban tư vấn nhằm chia sẻ kinh nghiệm bằng cách đưa lên trang thông tin chung, chia sẻ khó khăn với hội viên, kèm theo đưa cả những thông tin tích cực nhăm tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn.

Để cứu doanh nghiệp, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đề xuất: “Các giải pháp kích cầu nên có cuộc gặp gỡ ngay khi có gói kích cầu, cần có những sản phẩm du lịch mới, kích cầu du lịch bằng nhiều cách như đường sông, biển, ẩm thực, các điểm đến văn hóa, lịch sử…”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP thì cần áp dụng ngay các gói kích cầu du lịch, giảm giá từ 30-50% nhưng không giảm chất lượng dịch vụ. Đồng thời, ông Dũng cũng đề xuất nhiều giải pháp nếu ngành du lịch phục hồi và phải phục hồi nhanh để giảm thuế cho doanh nghiệp gồm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm lãi suất ngân hàng; trong hoạt động xuất nhập cảnh cần giảm lệ phí và nới chính sách…

Doanh nghiệp nước ngoài ở Bình Dương ‘cạn’ nguyên liệu do dịch Covid-19 Doanh nghiệp nước ngoài ở Bình Dương ‘cạn’ nguyên liệu do dịch Covid-19

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Đài Loan ở Bình Dương cho biết do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các lĩnh vực chế biến, chế tạo trở nên khan hiếm nguyên liệu. Trước tình trạng thiếu hàng sản xuất, doanh nghiệp...

Nguồn enternews.vn

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp Đà Nẵng "đồng lòng, hiệp lực" đối phó COVID-19" tại chuyên mục TRUYỀN THÔNG.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.