Phú Thọ: Chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm

04/03/2020 20:21

Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, tình hình bệnh dịch cúm gia cầm A/H5N1 và H5N6 đang diễn biến rất phức tạp, đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm bùng phát và nguy cơ lây sang người, đặc biệt không để xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch”, công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm đang được các cấp, ngành và địa phương tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện quyết liệt.

Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, gia đình ông Đinh Tiến Sinh ở khu Quyết Tiến, xã Cự Đồng (huyện Thanh Sơn) lại bắt đầu tái đàn gia cầm. Đối với ông Sinh, dù chăn nuôi trong mùa nào, ông cũng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh để đàn gia cầm luôn khỏe mạnh, đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho gia đình.

Trước thông tin dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu bùng phát, công tác phòng chống dịch bệnh được gia đình ông tăng cường hơn lúc nào hết. “Để phòng chống dịch, gia đình tôi tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng trong thức ăn, đồng thời thực hiện giữ ấm chuồng bằng cách sử dụng đèn sưởi, dùng bạt che kín các cửa sổ, những ngày mưa phùn nồm ẩm không chăn thả gia cầm. Bên cạnh việc tiêm đầy đủ vắc xin cho gà khi đến tuổi, gia đình tôi đã mua thêm vắc xin phòng cúm H5N1 để tiêm”,ông Sinh cho biết.

Mô hình nuôi gà của gia đình chị Hoàng Thị Bích Thảo ở khu 12, xã Phú Lộc bình quân một năm cho thu nhập khoảng 150 - 200 triệu đồng.

Ông Chử Đức Tuyên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Sơn cho biết: Huyện đã chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống dịch cho đàn gia cầm như: Cấp phát 1.835 lít hóa chất khử trùng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 21 chợ trên địa bàn huyện để phun tiêu độc khử trùng xong trước ngày 15/3/2020. Tích cực tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi khi phát hiện có gia cầm ốm chết phải báo ngay với thú y cơ sở để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tuyệt đối không giấu dịch, không bán chạy, bán tháo gia cầm.

Còn tại trang trại chăn nuôi nhà chị  Hoàng Thị Bích Thảo ở khu 12, xã Phú Lộc (huyện Phù Ninh) công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm luôn được gia đình chị chú trọng. Để đảm bảo an toàn không lây nhiễm cho 5.000 con gà, gia đình chị Thảo đã bám sát thông tin dịch bệnh qua phương tiện truyền thông và tuân thủ hướng dẫn của thú y cơ sở. Chị Thảo cho biết, "ngày nào tôi cũng theo dõi thông tin trên báo, đài để xem diễn biến dịch cúm gia cầm như thế nào để chủ động phòng chống, tránh thiệt hại như đợt dịch tả lợn châu Phi. Mỗi tuần gia đình tôi đều phun khử trùng chuồng trại 2 lần, rắc vôi bột và hạn chế người lạ vào khu vực chăn nuôi".

Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ, sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, một số hộ đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm nên đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng hơn so với những năm trước. Hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh là 15,2 triệu con. Với số lượng gia cầm tương đối lớn, nhất là khi vừa chịu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi nên công tác phòng chống dịch được ngành Nông nghiệp và các địa phương đặc biệt chú trọng.

Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Nhằm chủ động ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh cúm gia cầm, không để xảy ra hiện tượng “dịch chồng dịch” trong bối cảnh bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trong đó, tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đợt 1 năm 2020. Cơ quan chuyên môn sẽ cấp 16.780 lít hóa chất các loại để phun khử trùng cho 198.158 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và 185 chợ tại 225 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành, thị của tỉnh bắt đầu khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi từ ngày 15/2 - 15/3/2020.

Trên thực tế, dịch cúm gia cầm đã từng xảy ra và gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi của tỉnh. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… Đặc biệt, cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong.

Tình trạng tăng đàn gia cầm, trong khi nhiều hộ chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống dịch cũng là một trong những nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Áp dụng nghiêm ngặt quy trình giết mổ gia cầm và những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là vệ sinh tốt chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; khi tái nhập đàn con giống được mua tại những cơ sở có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ là những biện pháp đầu tiên mà người chăn nuôi cần áp dụng để phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm.
 

Xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 ở Bà Rịa - Vũng Tàu Xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, ngày 31/7 và 1/8 xuất hiện 2 ổ dịch cúm gia cầm chủng H5N6 xảy ra trên đàn gà nuôi của 2 hộ dân tại...

    Phạm Đăng
Nguồn KD&PL

Bạn đang đọc bài viết " Phú Thọ: Chủ động phòng chống bệnh cúm gia cầm" tại chuyên mục Giới thiệu Doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.