Hai ổ dịch cúm gia cầm H5N6 này xuất hiện tại trang trại chăn nuôi của gia đình bà Đào Thị Khánh, ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận, với số gà nuôi là 9.000 con (4.500 con được 19 ngày tuổi và 4.500 con được 3 tháng tuổi) và hộ ông Trần Ngọc Thọ, ấp Thạch Sơn 2 A, xã Phước Thuận, với 1.500 con gà nuôi được trên 3 tháng tuổi.
Sau khi nhận tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấy mẫu xét nghiệm, gửi Chi cục Thú y vùng VI, kết quả cho thấy, 4 mẫu bệnh phẩm tại 2 cơ sở chăn nuôi trên đều dương tính với vi rút gia cầm H5N6.
Ngay sau khi có kết quả, cơ quan chức năng tiêu hủy 10.500 con gà tại 2 hộ trên. Cơ quan chức năng khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, điều tra dịch tễ tại ổ dịch, lấy mẫu tiến hành xét nghiệm tại 2 hộ nuôi gà xung quanh ổ dịch để đánh giá sự lưu hành của virut.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, 2 hộ có xuất hiện cúm gia cầm H5N6 tại xã Phước Thuận qua điều tra đều chưa tiêm phòng cúm H5N6. Số gà giống nhập về đều xuất phát từ tỉnh Bình Định.
Trước tình hình của dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuất 230.000 liều vacxin cúm H5N6 tiêm cho đàn gà của 3 địa phương của huyện Xuyên Mộc là xã Phước Thuận, xã Phước Tân và thị trấn Phước Bửu, đây là những địa phương có dịch và trong vùng nguy cơ cao của Xuyên Mộc. Ngoài ra, Chi cục cũng đang tiếp tục xuất vacxin để tiêm cho 4 xã nằm trong vùng quy hoạch an toàn dịch bệnh của huyện Xuyên Mộc nhằm phòng, chống khẩn cấp dịch cúm H5N6.
Cúm H5N6 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan sang người và dẫn đến tử vong. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo địa phương, ban, ngành liên quan triển khai giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm.
Ngành y tế triển khai nội dung giám sát chặt chẽ cúm trên người, đề phòng dịch bệnh lây sang người. Các địa phương như huyện: Xuyên Mộc, Đất Đỏ nhanh chóng triển khai vệ sinh cơ giới, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch; tiêm phòng vacxin cúm gia cầm trên diện rộng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo người dân tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Các hộ dân sinh sống vùng có dịch không được tái đàn vào thời điểm này.
Số gia cầm người dân sử dụng phải được cơ quan Thú y kiểm soát, có nguồn gốc rõ ràng. Những gia cầm xuất ra khỏi địa phương đang có dịch phải được sự cho phép của cơ quan Thú y, khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới vận chuyển khỏi vùng có dịch….
Theo TTXVN.