Nếu như ở Đà Nẵng có Vũ “nhôm” thâu tóm thị trường bất động sản để trục lợi thì ở Khánh Hòa, “Tập đoàn Khánh Vĩnh” cũng tồn tại như một lô cốt bất khả xâm phạm với hàng loạt các dự án bất động sản, khai thác tài nguyên khoáng sản. Các dự án của Tập đoàn này hầu như không bao giờ bị các cấp có thẩm quyền "sờ gáy" và đương nhiên là quá trình khai thác, tiếp cận hồ sơ đối với phóng viên là không hề dễ dàng.
Trạm trộn bê tông trên khu đất Dự án Khu đô thị Vĩnh Trung.
Nếu nhìn bằng mắt thường và thu thập ý kiến của những người dân bản địa thì chỉ thấy rằng các dự án bất động sản của Tập đoàn này triển khai nhỏ lẻ, ì ạch. Thậm chí trong các dự án bất động sản này, ngoài phần nhà ở thương mại mà Chủ đầu tư được khai thác kinh doanh thì còn có rất nhiều các công trình xây dựng phục vụ công ích xã hội mà Chủ đầu tư phải triển khai xây dựng sau đó giao lại cho Nhà nước quản lý và sử dụng.
Phải chăng vì có liên quan đến ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa mới bị kỷ luật cách hết chức vụ mà “Tập đoàn Khánh Vĩnh” mới có thể được các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện đến như vậy?
Những biệt thự trong Khu đô thị Mỹ Gia.
Vốn Điều lệ 10 tỷ nhưng lại được UBND tỉnh ưu ái cho thâu tóm dự án bất động sản hàng trăm tỷ?
Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ - Xây dựng Khánh Vĩnh (gọi tắt là Công ty Khánh Vĩnh) được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp Giấy đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 02/08/2011 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng; do ông Lê Văn Phú trú tại xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa làm đại diện. Đến năm 2015, chỉ sau Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 09/12/2015 về việc thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, mà ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh (thời điểm năm 2015) đã ký ngay một Quyết định mang số 3749/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 về việc giao chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Khu đô thị Vĩnh Trung tại Xóm Gò, thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang cho Công ty Khánh Vĩnh.
Và dường như Công ty Khánh Vĩnh đã biết trước được sự ưu ái này, cho nên trong khoảng thời gian từ tháng 04/2014 đến tháng 09/2015, Công ty này liên tục có sự thay đổi về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và vốn Điều lệ nhằm chuẩn bị cho việc thâu tóm Dự án.
Cụ thể ngày 08/04/2014, vốn Điều lệ của Công ty này được tăng từ 10 tỷ lên 50 tỷ nhưng đến ngày 29/11/2014 thì Công ty Khánh Vĩnh lại có sự chuyển đổi từ Công ty TNHH một thành viên lên Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Theo đó không còn thấy bóng dáng của chủ sở hữu doanh nghiệp mang tên Lê Văn Phú nữa, mà thay vào đó là bà Lê Thị Phi (sinh năm 1957) và ông Nguyễn Thành Phúc (sinh năm 1981), cùng với đó thì vốn Điều lệ được tăng lên thành 100 tỷ đồng. Vậy nhưng cho dù vốn Điều lệ có tăng vọt thần tốc như các quyết định phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh cho Dự án Khu đô thị Khánh Vĩnh này thì một điều hiển hiện rằng cho đến hiện tại, Công ty Khánh Vĩnh vẫn không thể thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án. Vậy thì Công ty Khánh Vĩnh có thực sự có tiềm lực tài chính để thực hiện dự án hay không? Hay chỉ là chiêu trò để nhằm thâu tóm đất đai của Nhà nước để trục lợi?
Thi công ép móng tại khu đô thị Mỹ Gia.
Trao đổi với đại diện Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa về việc Công ty Khánh Vĩnh đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước khi đang quản lý và sử dụng đất của Dự án Khu đô thị Vĩnh Trung, vị này cho biết: “Cho đến hiện tại, Sở Tài chính (Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định giá đất) chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định phương án giá đất của Dự án Khu đô thị Vĩnh Trung” (?).
Trước câu hỏi: Nếu chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đối với Nhà nước nhưng Chủ đầu tư đã tiến hành sử dụng đất thì liệu có hợp pháp hay không? Đại diện Sở Tài chính trả lời: “Theo Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai thì Chủ đầu tư phải hoàn thiện các thủ tục về tài chính trước khi sử dụng đất. Tuy nhiên sẽ có một khoảng thời gian trống tầm 03 tháng phục vụ cho các thủ tục thẩm định được hoàn tất trình phê duyệt. Trong thời gian này, Chủ đầu tư vẫn có thể quản lý đất đai thuộc dự án nhưng chưa được phép triển khai thực hiện dự án cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính”.
Như vậy nếu chiếu theo Luật và chia sẻ của Lãnh đạo Sở Tài chính thì việc Công ty Khánh Vĩnh tự ý san gạt đất tạo đường đi, tự ý xây dựng trạm trộn bê tông trên diện tích đất Dự án Khu đô thị Vĩnh Trung là chưa đúng theo quy định của pháp luật. Theo chia sẻ của Sở Xây dựng đối với Dự án Khu đô thị Vĩnh Trung thì cho đến thời điểm này, Dự án này mới chỉ dừng lại ở bước được phê duyệt về chủ trương; Sở Kế hoạch và đầu tư cũng cho biết rằng Sở này chưa cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án này. Vậy Công ty Khánh Vĩnh là ai mà có thể ngang nhiên tồn tại trong khi có rất nhiều biểu hiện sai phạm như xây dựng, hoạt động trạm trộn bê tông, chiếm giữ đất để tập kết vật liệu xây dựng hay đã làm 1 số phần xây dựng hạ tầng v.v. nhưng không bị xử lý?
Tìm hiểu khắp trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa, ai cũng nói rằng ông Nguyễn Thành Phúc có họ hàng mật thiết với ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Đúng hay không thì chúng tôi sẽ còn tiếp tục xác minh điều này. Tuy nhiên có rất nhiều khả năng đúng bởi cả bà Lê Thị Phi và ông Nguyễn Thành Phúc đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại Thôn Phú Khánh Trung, xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Và cũng rất trùng hợp khi quê quán của ông Vinh cũng ở Diên Khánh.
Đến giữa năm 2018, khi ông Vinh có dấu hiệu bị xem xét, xử lý kỷ luật thì ông Phúc và bà Phi cũng nhanh chóng chuyển tên chủ sở hữu cho người khác là ông Nguyễn Hồng Quang, thường trú tại thành phố Nha Trang. Liệu đây có phải là hành vi xóa dấu vết khi mà Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang vào cuộc làm rõ những sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai tại Khánh Hòa trong đó có trách nhiệm của ông Chủ tịch tỉnh Lê Đức Vinh hay không?
Mỏ đá Bắc Hòn Ngang thuộc Công ty TNHH Hiển Vinh khai thác.
Không chỉ có tên trong danh sách cổ đông và đứng tên chủ sở hữu đối với Công ty Khánh Vĩnh mà Nguyễn Thành Phúc còn có mặt trong nhiều Công ty tư nhân khác nữa. "Chân rết" của ông Phúc còn vươn dài trong các hoạt động kinh doanh khác chứ không riêng gì bất động sản.
Theo nguồn thông tin riêng mà chúng tôi thu thập được thì Khu đô thị Mỹ Gia cũng có bàn tay của Phúc thâu tóm. Khu đô thị này cũng được UBND tỉnh phê duyệt dự án từ năm 2010 với giá đất để thu tiền sử dụng chỉ có 315.000 đồng/ m2, trong khi ở thời điểm hiện tại, giá đất tại dự án này bán ra có giá từ 18 - 23 triệu đồng/m2. Đặc biệt là khi hỏi mua đất ở đây thì đại diện chủ đầu tư là Công ty Vĩnh Thái luôn nói là đã bán hết rồi, nhưng khi để lại địa chỉ thì chỉ vài ngày sau là đại diện Công ty Vĩnh Thái gọi và nói có người bán lại; Mỏ đá Bắc Hòn Ngang thuộc Công ty TNHH Hiển Vinh đang hoạt động khai thác khoáng sản rầm rộ cũng có bóng dáng của ông Phúc với tỷ lệ góp vốn 50% và còn nhiều Công ty khác nữa mà chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh trong những kỳ tiếp theo.
Thu Trung và nhóm PVĐT