Trao đổi với ông Lê Tiến Vĩnh – Trưởng Phòng quản lý đô thị thành phố Nha Trang, được biết: “Thông thường các trạm trộn bê tông sẽ chỉ hình thành khi có một dự án bất động sản nào đó được triển khai, hay nói dễ hiểu là trạm trộn bê tông đó sinh ra là để phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng bất động sản. Tuy nhiên đối với trạm bê tông Khánh Vĩnh thì họ cứ tự ý lắp đặt trạm lung tung và hoạt động kinh doanh, cung cấp bê tông cho các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Trạm đặt chỗ nào mà dân kêu nhiều quá thì họ lại di dời đi chỗ khác. Biết là có vấn đề vậy nhưng do không thuộc thẩm quyền của Phòng Quản lý đô thị nên chúng tôi không thể can thiệp hay kiểm tra gì được, còn nếu muốn cố tình kiểm tra thì doanh nghiệp sẽ kiến nghị với Tỉnh là chúng tôi nhũng nhiễu”.
Tram trộn bê tông Khánh Vĩnh tại xã Diên Lâm.
Có những doanh nghiệp hoạt động chân chính thì bị lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Khánh Hòa gây khó bằng cách gửi đề nghị sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh yêu cầu khởi tố hình sự vì cho rằng chủ doanh nghiệp này vi phạm về khai thác tài nguyên khoáng sản. Ấy thế nhưng đối với thương hiệu bê tông Khánh Vĩnh, lực lượng Cảnh sát này lại dường như cho qua những sai phạm đang tồn tại ở đây (?). Điều này khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động tại địa phương cảm thấy bất bình, còn người dân thì “khóc dở, mếu dở” do sự nghênh ngang trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương hiệu này.
Qua quan sát, tìm hiểu thông tin về quá trình hoạt động của bê tông Khánh Vĩnh trong một thời gian dài, chúng tôi ghi nhận được nhiều điều bất ngờ là các trạm trộn bê tông mang tên Khánh Vĩnh trên địa bàn thành phố Nha Trang và các vùng lân cận đều hoạt động mà không có bất kỳ giấy phép nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trạm trộn bê tông Khánh Vĩnh tại đất Dự án Khu đô thị Vĩnh Trung.
Cụ thể tại Dự án khu đô thị Vĩnh Trung (hiện chưa thấy có dấu hiệu triển khai thực hiện dự án) thấy tồn tại một trạm trộn bê tông với quy mô khá lớn; tại khu vực Tỉnh lộ 8, xã Diên Lâm, huyện Diên Khanh hiện nay cũng tồn tại một trạm trộn bê tông thương phẩm với quy mô bao gồm 01 nhà xưởng có diện tích khoảng 4.000 m2, cùng các phương tiện chuyên chở là khoảng 15 xe bồn, 02 xe xúc; tại khu vực núi Hòn Ngang cũng tồn tại một trạm trộn bê tông như thế. Người dân xung quanh các trạm trộn này cho biết: các trạm trộn bê tông này hoạt động cả ngày lẫn đêm. Ban ngày thì bụi mù mịt và mất an toàn giao thông, còn ban đêm thì ồn ào khiến dân quanh vùng mất ngủ.
Tìm hiểu từ chính quyền sở tại thì được biết: Có trạm trộn bê tông thì hoạt động dưới danh nghĩa của Công ty TNHH thương mại dịch vụ và xây dựng Khánh Vĩnh, có trạm thì lại do Công ty TNHH bê tông Khánh Vĩnh điều hành và quản lý, tuy vậy nhưng đều là của một chủ đầu tư. Điều đáng nói ở đây là hầu như tất cả các công trình trọng điểm trong toàn tỉnh đều sử dụng sản phẩm của trạm trộn bê tông này. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao các trạm trộn hoạt động không phép mà họ vẫn có thể đàng hoàng cung ứng sản phẩm cho các công trình trọng điểm của tỉnh?
Không chỉ gặp thuận lợi trong việc ký kết các hợp đồng cung ứng bê tông, bê tông Khánh Vĩnh dường như cũng không gặp bất cứ trở ngại nào từ cơ quan chức năng. Ghi nhận của phóng viên từ thực tế thì các xe bồn chở bê tông thương phẩm của Khánh Vĩnh có thể ngang nhiên đi vào phố và dừng đỗ tại các công trình xây dựng trong giờ cao điểm.
Cụ thể vào ngày 18/11/2019, sau khi chiếc xe bồn chở bê tông thành phẩm hiệu Khánh Vĩnh bơm bê tông phục vụ công trình nhà ở tại khu LK30-25 Khu đô thị Mỹ Gia, xe này đã di chuyển tới ngã tư giao giữa đường số 24 và đường số 6 và thản nhiên xả phần bê tông còn dư trong bồn xuống bãi cỏ ven đường, nơi mà có nhiều người dân sinh sống và qua lại.
Dù ngang nhiên hoành hành như vậy, nhưng rất kỳ lại là không thấy một bóng Cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông hoặc lực lượng Cảnh sát môi trường nào xuất hiện (?). Điều này dấy lên hoài nghi về một sự ưu ái đặc biệt của các cơ quan có thẩm quyền nêu trên, bởi lẽ nếu không phải là bê tông Khánh Vĩnh thì có lẽ hồ sơ hoạt động doanh nghiệp đã được chuyển đến Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa để khởi tố vụ án hình sự từ lâu rồi?
Xe bê tông Khánh Vĩnh gây ùn tắc giao thông
Trao đổi với ông Phạm Văn Tám – Chủ tịch UBND xã Diên Lâm, được biết: “Trạm trộn bê tông trên địa bàn xã Diên Lâm hoạt động từ năm 2017 và thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH bê tông Khánh Vĩnh. Trạm trộn này đang trong tình trạng xin cấp phép nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì chưa có giấy phép nên tháng 10/2018, thanh tra Sở Xây dựng có ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ doanh nghiệp là Công ty TNHH bê tông Khánh Vĩnh; lý do phạt là: tổ chức thi công xây dựng công trình nhà máy bê tông Khánh Vĩnh không có giấy phép; Mức phạt là 40 triệu đồng.
Còn về nguồn gốc đất sử dụng để đặt trạm trộn này thì Công ty Khánh Vĩnh thuê lại đất trồng cây của hộ gia đình ông Nguyễn Hiền Hoài Châu, địa chỉ tại: 1/1 Nguyễn Thiện Thuật, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang; diện tích thuê là: 4.345 m2”.
Như vậy, đối với trạm trộn bê tông tại địa điểm xã Diên Lâm này thì vừa không có giấy phép xây dựng trạm, vừa tự ý thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tại sao UBND xã Diên Lâm, UBND huyện Diên Khánh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh lại làm ngơ như vậy? Sở Xây dựng tỉnh chả nhẽ sau khi ban hành một Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là coi như chuyện đã xong. Để chình ình một trạm trộn bê tông tồn tại trên địa bàn huyện Diên Khánh như thách thức pháp luật đến vậy?
Còn đối với trạm trộn bê tông tại khu Dự án đô thị Vĩnh Trung, được biết: Trạm trộn này được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận về chủ trương cho đầu tư xây dựng trạm tại văn bản số 12403/UBND-XDNĐ ngày 26/12/2017 (theo Đề nghị của Sở Xây dựng tại văn bản số 4951/SXD-KTQH ngày 15/12/2017), chấp thuận cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ và xây dựng Khánh Vĩnh dựng tạm một trạm bê tông tươi trong khu đất thuộc Khu đô thị Vĩnh Trung (vị trí đất thương mại) để chủ động cung cấp bê tông kịp thời trong quá trình triển khai thi công dự án Khu đô thị Vĩnh Trung và cam kết sau khi hoàn thành dự án sẽ tiến hành tháo dỡ, hoàn trả lại mặt bằng.
Tuy nhiên, hình ảnh thực tế tại Dự án khu đô thị Vĩnh Trung được phóng viên ghi nhận nhiều ngày trong tháng 11/2019 cho thấy, dự án này sau nhiều năm tồn tại vẫn trong tình trạng hoang hóa, còn trạm trộn bê tông Khánh Vĩnh thì vẫn tồn tại và cung cấp bê tông thương phẩm cho các công trình xây dựng khác chứ không phải như mục đích mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã chấp thuận chủ trương cho Công ty này.
Mặc dù vài tháng trước đây, khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh về sự ngang nhiên hoạt động phi pháp của thương hiệu bê tông Khánh Vĩnh, ông Lê Đức Vinh – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo “nóng” các cơ quan chức năng thuộc tỉnh là phải xử lý nghiêm các trạm trộn bê tông không phép này, thậm chí là xử lý cưỡng chế.
Ông còn cho biết: “Về phía tỉnh, sẽ không bao che bất cứ vấn đề gì. Những gì không đúng thì xử lý, những gì chính quyền làm chưa phù hợp phải chịu trách nhiệm trước nội dung liên quan”. Vậy nhưng đối với bê tông Khánh Vĩnh, cho đến nay vẫn tồn tại thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Ai sẽ xử lý? Không xử lý triệt để sai phạm thì có đồng nghĩa với việc bao che hay không? Không bao che nhưng buông lỏng quản lý khiến doanh nghiệp hoạt động sai phạm trong suốt thời gian dài thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Hay thương hiệu Khánh Vĩnh là "bất khả xâm phạm"?
Theo những thông tin mà phóng viên thu thập được trong quá trình tác nghiệp tại địa phương, được biết thương hiệu Khánh Vĩnh đã hình thành ngầm như một tập đoàn với nhiều công ty thành viên giống như những "vòi bạch tuộc" chiếm lĩnh nhiều hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, mà đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh nào thì Công ty thuộc “tập đoàn ngầm” này cũng đều được ưu ái đến kinh ngạc.
Báo sẽ tiếp tục phản ánh trong những kỳ tiếp theo.
Thu Trung và nhóm PVĐT