Quý I/2021 tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 78,4 tỷ USD, tăng 23,7%. (Nguồn: VGP) |
3 nhóm hàng xuất khẩu tăng trưởng tỷ USD
Theo thông tin Tổng cục Hải quan mới công bố, quý I/2021 tổng trị giá xuất khẩu cả nước đạt 78,4 tỷ USD, tăng 23,7%, tương ứng tăng 15,01 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, đóng góp vào sự tăng trưởng ấn tượng đó là 3 nhóm hàng chủ lực với kim ngạch tăng thêm từ 1 tỷ USD trở lên gồm: máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 3,96 tỷ USD, tương ứng tăng 77,2%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 2,84 tỷ USD, tương ứng tăng 31,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 1,49 tỷ USD, tương ứng 11,6%...
Tuy nhiên, xét về quy mô kim ngạch, điện thoại các loại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 14,37 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng này là Trung Quốc đạt 3,22 tỷ USD, tăng mạnh 62,6%; Mỹ đạt 2,48 tỷ USD, giảm 7,1%; EU đạt 2,04 tỷ USD, giảm 18,3%...
Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 11,95 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2020 là nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai.
Quý I/2020, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 2,86 tỷ USD, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 2,68 tỷ USD, tăng 3,9%; EU đạt 1,56 tỷ USD, tăng 38,8%...
Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 9,1 tỷ USD, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2020, vượt dệt may để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ ba cả nước.
Xuất khẩu nhóm hàng này sang ba thị trường đứng đầu đều tăng rất cao trong 3 tháng qua. Cụ thể, tại Mỹ đạt 4,36 tỷ USD, tăng 2,8 tỷ USD (tương ứng tăng 2,7 lần); EU đạt 1,4 tỷ USD, tăng 560 triệu USD (tương ứng tăng 66,4%); Nhật Bản đạt 615 triệu USD, tăng 119 triệu USD (tương ứng tăng 23,9%).
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam
Trong quý I/2021, dệt may đạt 7,21 tỷ USD, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam với trị giá đạt 3,51 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 48,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Tiếp theo là thị trường Nhật Bản với 794 triệu USD, giảm 13,7%; Hàn Quốc đạt 706 triệu USD, giảm nhẹ 0,5%; EU đạt 680 triệu USD, tăng 3,1%...
Giày dép các loại đạt 4,79 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020 vẫn trụ vững ở Top 5.
Mỹ và EU tiếp tục là 2 thị trường chính của nhóm hàng giày dép với trị giá và tốc độ tăng lần lượt là 1,92 tỷ USD (tăng 22,4%) và 1,09 tỷ USD (tăng 18,9%). Tính chung, 2 thị trường chủ lực này đạt hơn 3 tỷ USD, chiếm 62,7% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng giày dép của cả nước.
Giá gạo Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống 485-495 USD/tấn trong phiên ngày 15/4, mức thấp nhất kể từ ngày 10/12/2020, so với mức 495-500 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, giá gạo giảm do chất lượng vụ lúa Đông-Xuân giảm dần vào cuối vụ thu hoạch.
Các nhà xuất khẩu cũng cho hay, họ đang tập trung hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó và dự kiến sẽ không ký thêm hợp đồng mới vì chi phí vận chuyển cao.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ cũng giảm xuống gần mức thấp nhất trong ba tháng, giao dịch ở mức 388-392 USD/tấn so với mức 390-395 USD/tấn trong tuần trước.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho hay, nhu cầu xuất khẩu tương đối tốt, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng trong tuần tới nếu số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng với tốc độ hiện nay.
Việt Nam nhập siêu gần 12 tỷ USD từ Trung Quốc
Theo Tổng cục Hải quan, quý I/2021, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh tới 50,6%, tương đương con số tăng thêm hơn 8 tỷ USD, khiến thâm hụt thương mại của Việt Nam với quốc gia láng giềng tiếp tục bị nới rộng.
Cụ thể, quý I/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 24,34 tỷ USD, tăng tới 50,6% so với cùng kỳ 2020, tương đương con số tăng thêm hơn 8 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 16,16 tỷ USD).
Với sự tăng trưởng cao, riêng Trung Quốc chiếm đến 32,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước trong quý 1 vừa qua, tăng thêm 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ 2020 chiếm 27,2%).
Ưu thế của Trung Quốc trong hoạt động nhập khẩu thể hiện rõ nét ở hàng loạt nhóm hàng chủ lực như: máy móc, thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nguyên phụ liệu dệt may…
Trong đó, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc (đây cũng là thị trường nhập khẩu máy móc lớn nhất của Việt Nam). Quý 1, riêng thị trường Trung Quốc đạt kim ngạch 5,33 tỷ USD, tăng 69% và chiếm 49% tổng trị giá máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng nhập khẩu của cả nước.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng mạnh 1,85 tỷ USD (tương ứng tăng 66%) đạt 4,64 tỷ USD và giúp Trung Quốc vượt Hàn Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của mặt hàng quan trọng này.
Ở nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày (bao gồm: bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày), Trung Quốc là thị trường lớn nhất chiếm tỷ trọng 49% kim ngạch nhập khẩu cả nước với 2,82 tỷ USD, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước…
Xuất khẩu cá tra tăng trở lại
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 137 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 lên 336 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 3/2021 tăng sau đợt suy giảm hồi tháng 2/2021. Cụ thể, xuất khẩu cá tra, cá basa tháng 2/2021 đạt 38,4 nghìn tấn, trị giá 75 triệu USD, giảm 29,3% về lượng và giảm 30,9% về trị giá so với tháng 2/2020.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra, basa của cả nước đạt 101,5 nghìn tấn, trị giá 201,3 triệu USD, giảm 2,4% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nhu cầu sản phẩm cá tra nuôi từ Việt Nam đã tăng trở lại, kéo giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tăng lên.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thị trường cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu cho thấy những chuyển biến khả quan với nhu cầu mua cá thịt (chủ yếu từ 800gr trở lên) sôi động hơn từ phía các đơn vị gia công trong khi nguồn cá nguyên liệu đến size thu hoạch không nhiều. Mức giá tính đến thời điểm hiện nay tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước, dao động 21.000 - 22.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, nhu cầu vẫn thấp hơn so với thời điểm này các năm trước đây, nguyên nhân được đưa ra là do sức mua hạn chế từ thị trường nhập khẩu lớn nhất cá tra của Việt Nam là Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp trong ngành, người nuôi cá tra Việt Nam vẫn trông ngóng xem liệu người mua Trung Quốc bao giờ mới quay trở lại hoạt động kinh doanh và giao thương như trước đây. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến giá nguyên liệu. Trên thực tế, giá cá tra nguyên liệu tại ao nuôi hiện nay dù chưa thực sự tốt nhưng đã có sự tăng dần.