Vừa qua, nhiều hộ dân ở thôn An Ngải, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, Ninh Bình đã gửi đến tòa soạn báo ĐS&PL đơn tố cáo những dấu hiệu sai phạm của một số cán bộ trong tổ công tác hỗ trợ, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Dự án làm mỏ nguyên liệu cho nhà máy Xi măng của Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng.
Theo nội dung đơn, một số cán bộ đã có dấu hiệu lập hồ sơ khống, kê tăng diện tích đất trồng tại dự án mỏ thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình năm 2014 - 2015...
Cụ thể, dự án vùng nguyên liệu của nhà máy xi măng thuộc Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng lấy đất rừng tại thôn An Ngải, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, Ninh Bình. Quá trình tiến hành kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) đã được thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, người dân nhận thấy có nhiều điểm khuất tất, chưa rõ ràng minh bạch trong công tác đền bù của các cán bộ nên đã thực hiện khiếu nại, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Quy trình không minh bạch
Trong đơn kêu cứu của hơn 80 hộ dân tại xã Quảng Lạc và đặc biệt gia đình ông Bùi Văn Uy (1955)thường trú tại thôn An Ngãi, xã Quảng Lạc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cho biết, gia đình ông có một mảnh đất thuộc khu vực Sóng dài, được chính quyền sở tại giao cho khai hoang, phục hóa từ năm 1996, với tổng diện tích là 11.400m2. Đến tháng 1/2002, chính quyền sở tại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến tháng 12/2050.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Uy do chính quyền huyện Nho Quan cấp có thời hạn sử dụng đến 50 năm
Tuy nhiên, năm 2015, ông Uy nhận được thông tin Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng xin lấy đất để khai thác nguyên liệu làm xi măng. Trong quá trình thực hiện thu hồi đất, ông không nhận được thông báo nào từ chính quyền địa phương cũng như khâu khảo sát lập dự án. Thỏa thuận giữa người dân và chủ đầu tư cũng không có cuộc họp hay trao đổi nào
Sau khi khảo sát, diện tích đất thực nhà ông Uy là 13.969 m2 đất (diện tích trên sổ đỏ là 11.400m2). Nhưng trong quá trình thực hiện công tác đền bù cho gia đình ông thì lại không đúng với diện tích đã khảo sát trước đó. Sau khi xây dựng xong phương án đền bù gia đình ông mới té ngửa rằng phần đất thực sau khi khảo sát là 13.969m2 chỉ nhận được tiền đền bù DT 7.248m2 chứ không phải là toàn diện tích thực.
Theo ông Uy, phần diện tích còn lại của gia đình ông là 6.721m2, không được đền bù. Trong khi đó, năm 2002 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được chính quyền cấp thể hiện rõ số diện tích trong sổ. Sự việc chưa được quyết rõ ràng và ông chưa nhận được đồng tiền đền bù nào thì đếp tháng 5/2018 chủ đầu tư đã ngang nhiên đưa công nhân và chính quyền xã đến sẻ đôi mảnh đất của nhà ông làm đường đi và chặt phá rất nhiều tài sản cây cối đang trồng trên đất như thế là thể hiện thái độ ngông cuồng thách thức pháp luật của chính quyền địa phương
Chính quyền làm thuê cho chủ đầu tư ?!
Theo đơn của người dân, sau khi đoàn khảo sát đất của các hộ gia đình và kiểm tra nghiệm thu tài sản trên đất để làm thủ tục đề bù, quy thành tiền, áp giá theo quy định của UBND tỉnh Ninh Bình thì các hộ dân đều nhất trí. Xong Hội đồng đền bù GPMB khi thanh toán tiền cho các hộ dân đã không thanh toán 2 khoản, mà không hề có lý do gì
Thứ nhất về đất, như trong thỏa thuận và hứa hẹn ban đầu thì các hộ dân địa phương bán đất cho nhà máy xi măng sẽ không còn đất sản xuất. Về phần Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng có chính sách hỗ trợ để đảm bảo ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho các hộ dân có công ăn việc làm. Nhưng các hộ dân hiện chưa ai được hỗ trợ, thanh toán đồng nào.
Thứ 2 về cây cối trên đất, năm 2015 chủ đầu tư cùng chính quyền xã đi kiểm đếm cây có thỏa thuận với các hộ dân bằng miệng và ko có băn bản hỗ trợ 20% của cây mới trồng. Đến tháng 8/2018 tức sau 2 năm 8 tháng chủ đầu tư trả tiền hỗ trợ 20%, không có khoản đền bù hoa màu trên đất cho dân, do 70% một số người dân tộc thiểu số ko biết đã nhận tiền hỗ trợ. Nên chủ đầu đã cho người vào chặt cây phá rừng mang đi bán của cả những người dân chưa đc đồng tiền đền bù nào, tính thời điểm hiện tại mỗi cây có trọng lượng 30-50kg giá bán là dao động từ 1.100.000 đồng /1 tấn.
Vậy công sức tài sản của người dân bỏ ra chăm bón chỉ chờ đến ngày thu hoạch thì bị chủ đầu tư thu hồi mang đi bán với lý do là đã chi trả tiền đền bù cho dân. Rõ ràng dự án làm mỏ nguyên liệu cho nhà máy Xi măng của Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân, dẫn tới việc chặn xẻ gỗ, gây mất an ninh trật tự. Người dân luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu vì diện tích đất và tài sản của mình có thể bị mất bất kể lúc nào.
Trước tình cảnh cấp bách của nhân dân, chính quyền địa phương không có bất cứ đồng thái nào để bảo vệ quyền lợi và tài sản của dân đang bị xâm phạm một cách trái phép. Liệu việc làm sai trái rõ như ban ngày như vậy chính quyền xã có nhìn thấy? Điều này cũng đặt ra nghi vấn, phải chăng nhiều lãnh đạo xã Quảng Lạc đang cố tình tiếp tay cho doanh nghiệp, chèn ép nhân dân toàn là người đồng bào dân tộc có trình độ hiểu biết kém.
Chính quyền xã bảo kê cho doanh nghiệp để kiếm thêm thu nhập?
Để làm rõ những thông tin tố cáo trên, PV đã làm việc với ông Bùi Mạnh Tính Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lạc. PV đặt ra câu hỏi liên quan đến việc doanh nghiệp ngang nhiên chặt cây trên đất của người dân khi chưa thực hiện công tác đền bù, chính quyền xã có nắm được không? Ông Tính đã thẳng thắn thừa nhận: "Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng có đặt vấn đề với xã về việc vấn đề bảo kê trông nom chặt cây ở cánh rừng thôn An Ngải. Bên chính quyền xã xét thấy có thêm thu nhập cho anh em nên tiến hành làm."
"Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng có đặt vấn đề với xã về việc vấn đề bảo kê trông nom chặt cây ở cánh rừng thôn An Ngải. Bên chính quyền xã xét thấy có thêm thu nhập cho anh em nên tiến hành làm." - Phó chủ tịch UBND xã Quảng Lạc cho biết
Khi chúng tôi hỏi: "Ông có biết Công ty cổ phần xi măng Hệ Dưỡng chưa làm xong các thủ tục đền bù cho dân đã phá hoạt tài sản của dân như vậy là vi phạm pháp luật hay không…?" Ông Tính nói “Vụ cưỡng chế đất này tôi không phụ trách và giao lại cho bên Công an xã làm việc". Sau đó ông Tính cũng chia sẻ quan điểm: Biết hoạt động đó là sai, nếu xuôi chiều từ đầu thì ko đến nỗi dân khiếu kiện như thế.
Vậy cán bộ xã đã biết là có dấu hiệu sai phạm, nhưng tại sao lại không có bất cứ biện pháp ngăn chặn nào đối với hoạt động coi thường pháp luật của doanh nghiệp.
Ngay sau đó, PV đã gặp ông Lê Văn Khoa phó trưởng công an xã Quảng Lạc, vậy nhưng trong buổi làm việc với ông Khoa chúng tôi càng bất ngờ hơn. Trước những nghi vấn của PV, chúng tôi chỉ nhận lại được câu trả lời "Không biết" của người này. Nhưng điều đáng nói, theo thông tin người dân cung cấp, thì trước đó, chính ông Khoa là người người trực tiếp điều hành cho người đi chặt cây, phá rừng của người dân.
Qua các buổi làm việc trực tiếp với các vị lãnh đạo xã Quảng Lạc, có thể dần khẳng định, những lời kiến nghị, kêu cứu của người dân là có căn cứ. Cán bộ công an và chính quyền xã phải chăng là bù nhìn hay đang làm ngơ cho những sai phạm của doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, ngay lúc này, cơ quan hữu quan huyện Nho Quan và tỉnh Ninh Bình cần có sự vào cuộc làm rõ để trả lời những người kiến nghị, tố cáo, ổn định dư luận nhân dân địa phương. Nếu chứng minh được những tố cáo trên là chưa chính xác, cũng là cơ hội “minh oan” cho cán bộ, không để diễn ra tình trạng hiểu nhầm. Nếu có sai phạm, cần làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý những cá nhân liên quan
Những khuất tất trên rất cần UBND huyện Nho Quan, UBND tỉnh Ninh Bình sớm có câu trả lời cho công luận. Báo ĐSPL sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.
Chị Chũm và nhóm PV