Giới phân tích cho rằng, dù lợi nhuận của hãng taxi Vinasun có dấu hiệu tăng trở lại nhưng vẫn chưa thể giúp hãng lấy lại thời hoàng kim.
Cuộc chiến pháp lí ngã ngũ
Trong thời gian qua, CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) đã liên tục khởi kiện Công ty TNHH Grab (Grab) cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho taxi truyền thống và yêu cầu bồi thường 41,2 tỉ đồng.
Tăng trưởng liên tục trong suốt 10 năm, nhưng kể từ khi internet, smart phone và các ứng dụng di động phát triển mạnh đã khiến Vinasun trở thành
Kể từ khi internet, smart phone và các ứng dụng di động phát triển mạnh đã khiến Vinasun trở thành "nạn nhân" của sự phát triển.
Kết quả phiên sơ thẩm vào tháng 12/2018, Tòa án Nhân dân (TAND) TP HCM đã buộc Grab bồi thường Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng, vì theo Hội đồng xét xử (HĐXX), Grab có sai phạm trong quá trình hoạt động và những sai phạm này gây thiệt hại cho Vinasun.
Cụ thể, bản án cho rằng tuy Grab nhận định chỉ là công ty cung cấp công nghệ, không kinh doanh vận tải taxi, các tài xế do hợp tác xã quản lí,... Nhưng thực tế, Grab quản lí lái xe, đưa ra cước và việc thưởng, phạt lái xe cũng do Grab quyết định.
Hoạt động kinh doanh của Grab không tuân thủ qui định cũng như không nộp thuế,... Ngoài ra, Grab còn vi phạm qui định khuyến mãi, tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày.
Theo phán quyết của tòa, từ khi vào Việt Nam, Grab đã gây nhiều thiệt hại cho Vinasun. Số lượng xe Grab không ngừng tăng, ngược lại, xe Vinasun nằm bãi nhiều, thiệt hại 4,8 tỉ đồng, giảm thị trường kinh doanh 81 tỉ đồng. Tổng cộng Vinasun thiệt hại đến 85 tỉ đồng.
Tuy vậy, Vinasun không xác định rõ phần thiệt hại nào do Grab gây ra, nên tòa không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun, chỉ chấp nhận phần 4,8 tỉ đồng thiệt hại do xe nằm bãi. Trước bản án này, cả Vinasun và Grab đều đưa ra kháng cáo với lí lẽ riêng dẫn đến phiên phúc thẩm vào ngày 10/3/2020.
Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử vẫn giữ nguyên bản án của tòa sơ thẩm, Grab vẫn phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỉ đồng. Dù cả đôi bên đều tỏ ra "không hài lòng" trong cuộc chiến pháp lí này thì sự thật vẫn rất tình hình kinh doanh của Vinasun đã ngày càng xấu đi từ khi Grab xuất hiện.
"Sống" nhờ thanh lí xe và quảng cáo
Thành lập năm 1995, VNS đã phát triển thần tốc từ một doanh nghiệp taxi nhỏ lên thị phần số 1 tại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Trong đó, công ty có khoảng 60% xe 7 chỗ, 40% xe 4 chỗ, đa phần thương hiệu Toyota. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có 1.000 điểm giao dịch gần các khu vực văn phòng, sân bay, nhà hàng, khách sạn và hệ thống thành viên qua thẻ để đón tập khách trung tâm thành phố. Vinasun vốn sở hữu nhiều lợi thế, từ giá trị thương hiệu, cấu trúc tài chính lành mạnh. Dòng tiền kinh doanh tốt, ít nợ vay, đến kinh nghiệm vận hành, quản lý và dịch vụ khách hàng sau hơn 20 năm hoạt động - điều mà các hãng mới không dễ gì có được.
Tuy nhiên, VNS đã dần mất thị phần với sự phát triển của người dùng smartphone và ứng dụng di động kể từ năm 2013, dịch vụ gọi xe mới ra đời ảnh hưởng không nhỏ tới các hãng taxi như Vinasun. Dịch vụ này giúp khách hàng chốt giá cước trước khi khách hàng quyết định đặt xe, tận dụng được lượng xe trống lớn trên đường. Đồng thời, khách hàng có thể đặt xe qua điện thoại ở bất cứ đâu.
Cũng vì tiện ích ưu thế của loại hình taxi công nghệ đó mà doanh số của VNS giảm 30% kể từ năm 2016. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vinasun cũng teo tóp dần khi doanh thu giảm cộng với việc phải gánh các chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp lớn, đặc thù của một doanh nghiệp taxi truyền thống.
Báo cáo tài chính quý 4/2019 cho biết, doanh thu trong quý vừa qua của Vinasun đạt 441 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu thấp nhất kể từ năm 2010.
Doanh thu giảm khiến lợi nhuận gộp của Vinasun chỉ là 93 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các loại chi phí, hoạt động kinh doanh chính của Vinasun báo lỗ 257 triệu đồng.
Nhờ khoản thu nhập từ bán xe, Vinasun có lãi trước thuế 21,4 tỷ đồng và lãi sau thuế 14,6 tỷ đồng, cùng giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
Để chuẩn bị cho xu hướng mới, song song với duy trì kênh tổng đài điện thoại, điểm đón cố định, Vinasun đã xây dựng ứng dụng gọi xe riêng với kỳ vọng cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tương tự taxi công nghệ, nhưng đến nay vẫn chưa mang tính cạnh tranh.
Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, dù Vinasun có lợi thế có thể cung cấp hóa đơn đầy đủ (điều các hãng taxi công nghệ hầu như chưa thể đáp ứng) và duy trì kết hợp với ngân hàng để phát hành thẻ taxi, nhưng đóng góp từ nhóm khách hàng này chưa bù đắp được sự sụt giảm của khách hàng cá nhân.
Vinasun cũng nỗ lực chuyển dịch mô hình kinh doanh từ chia sẻ doanh thu sang cho thuê xe và nhận khoản phí cố định,… Nhờ đó, kết quả hoạt động kinh doanh chính đang cải thiện, dần đủ bù đắp các chi phí, không còn phụ thuộc hoàn toàn vào việc “bán xe ăn dần” như trước.
Tuy nhiên, Vinasun rất khó có thể tìm lại thời hoàng kim khi thị phần đã mất. Chỉ khi bắt kịp xu hướng mới và hoàn thiện được những điểm mà người tiêu dùng chưa hài lòng với taxi công nghệ, hãng này có thể hi vọng có tăng trưởng lợi nhuận ổn định.