Rác thải trên biển nhiều hơn cá
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Hoa Kỳ và Úc do bà Jenna Jambeck, Kỹ sư môi trường thuộc Đại học Georgia dẫn đầu đã phân tích mức độ rác thải nhựa có trong các đại dương và nhận thấy nguồn xả thải lớn nhất đến từ Trung Quốc với 8,8 triệu tấn, Indonesia 3,2 triệu tấn, Việt Nam 1,8 triệu tấn.
Tuy nhiên, con số này mới chỉ là kết quả đánh giá của riêng năm 2010, được đăng trên tờ The Wall Street Journal.
Điều này cho thấy lượng rác thải nhựa đổ vào các đại dương trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều và đã đến lúc thế giới cần nghiêm túc xem xét việc xả thải ra biển cũng như làm sạch biển.
Điểm mặt 12 quốc gia xả rác nhựa nhiều nhất ra đại dương (Nguồn: Statista/Tạp chí BVR&MT). |
Theo báo cáo năm 2017 của Ocean Conservacy, 5 nước Châu Á là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là những nước xả rác thải nhựa ra biển nhiều hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại.
Sự phát triển quá nhanh tại Trung Quốc dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng về môi trường. Các nhà khoa học ước tính rằng sông Trường Giang đưa 367.000 tấn mảnh vụn nhựa ra biển vào năm 2015, gấp đôi sông Hằng ở Ấn Độ và Bangladesh. Các dòng sông gây ô nhiễm thứ ba và thứ tư trên thế giới cũng đều nằm ở Trung Quốc.
Tiếp sau Trung Quốc là Indonesia, Indonesia là quốc gia có tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa lớn thứ hai thế giới. Nước này thải ra 3,2 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý đúng cách mỗi năm, trong đó 1,29 triệu tấn trôi ra đại dương.
Việt Nam đứng thứ tư trên toàn thế giới về xả rác nhựa ra đại dương. Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới). Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa tại Việt Nam kéo theo khủng hoảng chôn lấp, mất an ninh lương thực, ảnh hưởng phát triển kinh tế và gây nhiều nguy hại cho hệ sinh thái.
Điều đáng buồn là số rác nhựa Việt Nam để dạt ra đại dương tăng từng năm, đây thực sự là một gánh nặng cho môi trường, đem đến thảm họa mang tên "ô nhiễm trắng". Điều này không chỉ đòi hỏi việc tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc sử dụng và phân loại rác thải, mà còn đòi hỏi các chính sách về mặt quản lý nhà nước trong việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho nhựa, nilon,...
Giải pháp tăng thuế túi nilon cho Việt Nam
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy chỉ tính riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Trung bình mỗi ngày Hà Nội và tp.HCM thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon (Hình ảnh minh họa). |
Thế giới cũng đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.
Với con số báo động như vậy, việc tăng cường các chính sách quản lý về việc hạn chế túi nilon không thân thiện với môi trường là cần thiết.
Về mặt chính sách, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: "Về chính sách, quan điểm của chúng tôi là cần nâng ngay thuế môi trường với túi ni-long. Mức thuế 40.000 đồng/kg túi là thấp, túi rẻ, xin bao nhiêu cũng được, không hạn chế được túi không thân thiện với môi trường".
Đối mặt với vấn đề rác thải nhựa ngày một nhiều, trong đó rác thải nhựa trôi ra đại dương đang trở thành một thảm họa, thì việc tăng mức thuế túi nilon có thể điều hướng được hành vi tiêu dùng. Ngoài ra, cần phải đẩy mạnh chính sách khuyến khích các sản phẩm tự tiêu hủy, thân thiện với môi trường, hỗ trợ để sử dụng phổ biến hơn các sản phẩm túi thân thiện với môi trường.
Thanh Thảo