Báo cáo chưa đầy đủ của cơ quan chức năng cho thấy, trong 8 tháng năm 2020, cả nước xảy ra 57 vụ, với 1.574 người bị ngộ độc; trong đó có 19 người tử vong. Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân gây ngộ độc chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 38,7%), tiếp đến là do độc tố tự nhiên (chiếm 28,4%), hóa chất (chiếm 4,2%)… Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, khoảng 70% số vụ ngộ độc thực phẩm ở các bếp ăn tập thể là do sử dụng suất ăn từ nơi khác vận chuyển đến, không được bảo quản tốt.
Nâng cao nhận thức cả người sản xuất và tiêu dùng
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn ngộ độc thực phẩm xảy ra, ngoài việc tăng cường thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động đối với các nhà sản xuất, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cơ sở chế biến thực phẩm và công khai các vi phạm… thì cần đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cả người sản xuất cũng như người tiêu dùng bằng nhiều hình thức đa dạng.
Là 1 trong 3 cơ quan quản lý nhà nước về ATTP, thời gian qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm khẳng định thương hiệu cũng như góp phần xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh thông tin truyền thông về ATTP.
Đơn cử trong các năm 2017, 2018, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình "Hành động vì an toàn thực phẩm" ngành Công Thương đã có gần 1,2 triệu chữ ký của các thành phần trên khắp cả nước cam kết hành động vì ATTP. Năm 2019, Bộ tiếp tục triển khai chương trình với 2 thông điệp: "Tôi hành động vì an toàn thực phẩm" và "Xây dựng cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm"; tổ chức hội thảo "Ngành Công Thương đảm bảo công tác an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng", với mục đích tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách về ATTP trong tình hình mới; đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP.
Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về ATTP, góp phần làm chuyển biến nhận thức, hành động của nhà sản xuất và người tiêu dùng trên cả nước.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các Sở Công Thương, cũng như phối hợp với các bộ, ngành địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP thông qua các hình thức như: Tổ chức hội tuyên truyền; phát động phong trào tới các địa phương; tiếp tục tổ chức các chương trình tập huấn; ký cam kết với các cơ sở kinh doanh, trung tâm thương mại, các điểm bán lẻ cam kết không kinh doanh hàng nhập lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Tuy nhiên, để công tác truyền thông về ATTP đạt hiệu quả cao, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống cơ quan truyền thông, từ trung ương tới địa phương cũng như bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đạt chuẩn vệ sinh ATTP; đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền trên tất cả các loại hình báo chí, thậm chí tận dụng cả các mạng xã hội… Có như vậy mới tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, vừa đảm bảo sức khỏe của người dân, vừa thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển kinh tế.