Trước đó một thời gian, truyền thông đã đưa tin một cô gái khác trở về từ vùng dịch ở Hàn Quốc nhưng tự giác khai báo y tế, tình nguyện cách ly, thậm chí bày tỏ một thái độ lạc quan, tích cực về cuộc sống tại khu vực cách ly.
Tại sao cùng một sự việc lại có sự ứng xử khác nhau như vậy?
Không phân biệt giới tính, trình độ học vấn, vị trí xã hội, văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân sẽ quyết định hành vi của cá nhân đó, đặc biệt trước sự cân nhắc giữa lợi ích bản thân trong lợi ích cộng đồng.
Có thể thấy, việc cô gái chọn cách giấu thông tin, khai báo không trung thực đã lo đến lợi ích trước mắt của mình hơn là lợi ích của những người xung quanh, lợi ích của cộng đồng trong một tình huống đặc biệt: Cả xã hội chung tay chống dịch. Chưa nói đến luật pháp, ở góc độ đạo đức và văn hóa ứng xử, hành vi trên rõ ràng đã vi phạm chuẩn mực chung và bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.
Không chỉ ở Việt Nam, những ngày gần đây, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ liên tục tuyên bố sẽ xử lý nghiêm các trường hợp gian dối trong khai báo y tế, phòng chống dịch Covid-19. Tại Liên bang Nga, người trở về từ các vùng có dịch mà không tự cách ly có thể chịu mức án tới 5 năm tù. Còn ở Singapore, các cá nhân vi phạm Đạo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm có thể chịu các mức phạt như phạt tiền đến 10 nghìn đôla Mỹ, bị tù 6 tháng, tước thẻ thường trú, cấm nhập cảnh...
Tương tự, Nhật Bản và Trung Quốc cũng áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm với các trường hợp cố tình giấu bệnh, không thực hiện cách ly theo quy định. Có thể thấy, những hành vi ứng xử vi phạm quy tắc đạo đức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng đồng là điều mà không nước nào chấp nhận. Luật pháp được áp dụng để ngăn ngừa, răn đe những hành vi chỉ lo bảo toàn lợi ích trước mắt của cá nhân mà xâm hại nghiêm trọng đến lợi ích cộng đồng.
Trên cơ sở thấu hiểu điều này, câu chuyện trên còn bộc lộ góc nhìn khác liên quan đến bổn phận cá nhân và trách nhiệm trước xã hội. Trên các diễn đàn, đã có không ít người bày tỏ quan điểm cần thiết phải lên án hành vi gian dối trong khai báo y tế, trốn cách ly, nhưng có lẽ cũng không nên công kích và đưa nhiều thông tin không đúng xung quanh cá nhân cô gái kia lên mạng.
Có thể thấy đó là những ý kiến xác đáng, bởi những hành vi vi phạm nguyên tắc đạo đức và pháp luật, xâm hại lợi ích cộng đồng rõ ràng cần phải bị phê phán, xử lý nghiêm, nhưng cũng không ai được phép lợi dụng những chuyện này để tung tin thất thiệt, sai trái, gây bất ổn cho xã hội. Cách suy nghĩ và cách ứng xử như vậy chắc chắn sẽ góp phần ngăn ngừa những bức xúc đi quá giới hạn của đám đông khi tiếp nhận một thông tin nhạy cảm, đồng thời lan tỏa lối ứng xử chuẩn mực.
Rõ ràng, thái độ, ứng xử của mỗi cá nhân trong rất nhiều vấn đề có mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng. Bảo vệ những giá trị chung và sự an toàn của cộng đồng cũng là bảo vệ lợi ích của mỗi cá nhân và gia đình. Đơn cử như nếu ta giành lấy sự tiện lợi về mình, say rượu mà vẫn lái xe sẽ tạo ra nguy cơ gây mất an toàn cho xã hội. Trốn cách ly, nhờ người khác đi cách ly thay... là tiếp tay tạo ra một cộng đồng không an toàn - nguy cơ quay lại đe dọa chính tính mạng của bản thân và gia đình chúng ta.
Ai đó đã nói: “Thiên tai, dịch bệnh là phép thử để con người quay lại lựa chọn yêu thương và tử tế với nhau!”. Điều này rõ ràng chỉ có thể có được khi chúng ta cùng chung nhận thức đúng đắn, sâu sắc về trách nhiệm công dân và lợi ích quốc gia, bổn phận cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng. Ngoài việc mỗi người tự phát huy, làm một hạt nhân tích cực thì tuyên truyền và tuyên truyền mạnh mẽ cũng sẽ góp phần thúc đẩy ý thức cá nhân với cộng đồng ngày một cao hơn.
Theo Hà Nội mới