Sẽ có 6/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công.
Vốn “mồi” thúc đẩy đầu tư
Theo số liệu quý 1/2020 của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy GDP và vốn đầu tư toàn xã hội quý I/2020 có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên, trái với sự sụt giảm mạnh của tổng vốn đầu tư toàn xã hội, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước quý I/2020 đã đạt mức tăng khá 13,2% kế hoạch năm, gần mức 13,3% của cùng kỳ 2019 mặc dù kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 cao hơn tới 18% so với năm 2019 và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31% GDP.
Trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,5% tổng vốn và tăng 5,8%; khu vực ngoài nhà nước đạt 166,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,2% và tăng 4,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% và giảm 5,4%.
Nhìn vào con số này cho thấy vốn khu vực nhà nước đã có mức tăng trưởng cao hơn các cấu phần khác, đặc biệt là cùng góp vào bù đắp sự sụt giảm của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Hiện tại, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đang chiếm 30,5% trong vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới, cơ cấu này sẽ có nhiều sự thay đổi khi dự kiến sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng (tương ứng với khoảng 30 tỷ USD) vốn đầu tư công đang được thúc đẩy mạnh giải ngân trong năm nay.
Tính chung quý I/2020 giải ngân đầu tư công với tiềm năng nguồn tiền lớn đó đã có xu hướng mạnh lên trong thời gian tới. Đây cũng là xu hướng được xem là trọng tâm để bù đắp tăng trưởng kinh tế năm nay trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh Việt Nam hiện có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm. Số tiền này bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn vay.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để làm động lực cho tăng trưởng kinh tế là một trong những mục tiêu đang được thực hiện rốt ráo. Theo đó, việc xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế như: mở rộng các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài; xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành; đường cao tốc Bắc - Nam...
Ông Nguyễn Việt Phong, Vụ Xây dựng và Vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho biết, vốn đầu tư công có tác động khá tích cực tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng và GDP.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Điều này hàm ý rằng vốn đầu tư công có vai trò là nguồn vốn “mồi”, thúc đẩy đầu tư từ các khu vực khác.
“Nếu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% sẽ giúp GDP tăng 0,42%. Riêng với ngành xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% giúp ngành này tăng thêm 1,24% điểm %”, ông Phong cho biết.
GDP Việt Nam quý 1 tăng trong khi cả thế giới suy giảm
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, diễn biến phức tạp trên toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm nhanh và ngày càng nghiêm trọng, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2020 theo công bố của Tổng cục Thống kê đạt 3,82%, đây được đánh giá là mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đánh giá mức tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 năm nay đạt 3,82%, là mức tăng thấp nhất của quý 1 các năm giai đoạn từ 2011-2020.
Trong quý 1 năm nay khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 0,08%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15%. Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Khu vực dịch vụ thì tốc độ tăng 3,27%, trong đó, các ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,19%.
Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận trong quý 1/2020, khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 ngàn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Về xu hướng đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 1/2020, có 20,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn quý 4/2019, khoảng 42% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn, 37,1% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Có 38,8% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh trong quý 2 năm nay sẽ tốt lên; 25,9% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,3% số doanh nghiệp tin tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Tổng cục Thống kê dự kiến ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020. Kịch bản 1 dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý 2/2020; kịch bản hai dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý 3/2020 và kịch bản 3 được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,8%.
Cụ thể, nếu dịch kết thúc trong quý 2/2020, dự kiến GDP quý 2 sẽ giảm khoảng 2,79%, quý 3 giảm 1,13%, quý 4 giảm 0,1% và cả năm giảm 1,47% so với dự báo trong điều kiện bình thường.
Nếu dịch kết thúc trong quý 3/2020, dự kiến GDP quý 2 sẽ giảm khoảng 2,79%, quý 3 giảm 1,44%, quý 4 giảm 0,69% và cả năm giảm 1,77% so với tốc độ dự báo trong điều kiện bình thường.
Với hai kịch bản đầu, tăng trưởng GDP cả năm 2020 ước đạt trên 5%.
Để tăng trưởng GDP đạt được mục tiêu 6,8% là thách thức rất lớn với tăng trưởng GDP của quý 3 và quý 4 phải đạt rất cao. Hơn nữa, các năm 2020-2021 là giai đoạn suy giảm kinh tế thế giới theo chu kỳ 10 năm. Kinh tế nước ta có độ mở lớn nên tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam sẽ bị suy giảm.