Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cấm pulegone làm phụ gia thực phẩm vào năm 2018 vì nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên trong thuốc lá điện tử (vaping) hương bạc hà và các sản phẩm thuốc lá không khói lại tồn tại hóa chất này. Đến nay lại không có quy định cấm hóa chất này tồn tại trong thuốc lá điện tử.
Giáo sư chính Sven-Eric Jordt đến từ Trung tâm Y tế Đại học Duke cho biết: "Phát hiện của chúng tôi cho thấy FDA nên thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro sức khỏe liên quan đến pulegone trước khi đề xuất thuốc lá điện tử có mùi bạc hà và tinh dầu bạc hà thay thế cho những người sử dụng các sản phẩm thuốc lá dễ cháy". Tiến sĩ Jordt và đối tác nghiên cứu của ông Sairam V. Jabba bắt đầu tìm hiểu về chất lỏng thuốc lá điện tử sau khi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố các nghiên cứu cho thấy chúng chứa một lượng lớn hóa chất.
Hai nhà nghiên cứu đã phân tích xem một số nhãn hiệu thuốc lá bạc hà thông thường hàng đầu, ba nhãn hiệu thuốc lá điện tử và một nhãn hiệu thuốc lá không khói có chứa đủ pulegone có gây lo ngại hay không.
Họ đã so sánh lượng pulegone được CDC báo cáo với mức độ khối u liên quan đến phơi nhiễm được báo cáo trong các nghiên cứu trên động vật. Phân tích của họ cho thấy mức độ hóa chất này trong thuốc lá điện tử và thuốc lá không khói vượt quá ngưỡng cho phép. Tiến sĩ Jordt nói thêm: "Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng những người sử dụng thuốc lá điện tử có mùi bạc hà và thuốc lá không khói có nồng độ pulegone cao hơn mức FDA cho là có thể chấp nhận có trong thực phẩm và cao hơn so với những người hút thuốc lá có mùi bạc hà dễ cháy".
Thuốc lá điện tử được quảng cáo là không gây nghiện và “an toàn” cho người sử dụng. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay chưa có bằng chứng quốc tế cho thấy thuốc lá điện tử là an toàn và có tác dụng cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định, các sản phẩm thuốc lá đều độc hại dưới mọi hình thức.
Thanh Vân