Nhưng cũng chính trên mảnh đất này, có những nhân vật đã đi vào huyền thoại, để lại cho lịch sử những dấu ấn đậm nét như: Bùi Cầm Hổ - một quan Đô Đài Ngự Sử ở triều đại Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông - người đã có sáng kiến lớn trong công cuộc khai phá, mở mang tầm nhìn về thủy lợi, đưa nước tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng lớn ở Minh Lộc, nay là phường Đậu Liêu; hay Sử Hy Nhan đỗ Trạng Nguyên thời vua Trần Dụ Tông 1363...
Nhiều tài liệu khảo cổ đã chứng minh trên vùng Hồng Lĩnh và xung quanh Bãi Vọt xưa kia đã có những tên đất, tên làng và có những hình thái sản xuất mang truyền thống của người Việt. Và Hồng Lĩnh là một địa danh duy nhất có truyền thuyết nơi đặt đế đô của Lạc Việt khi mới dựng nước (*Theo Ngọ Phả đền Hùng và một số chùa ở Sơn Tây ghi lại Kinh Dương Vương đóng đô ở Hồng Lĩnh sinh ra Lạc Long Quân sau đó mới dời đô ra Bắc). Chứng tỏ người xưa đã sớm có tầm nhìn về vùng đất này, nơi giao thương để phát triển kinh tế. Bởi nơi đây có rừng, có biển, có sông, có ruộng đồng tươi tốt, thuận tiện trong giao thông để phát triển kinh tế.
Một góc thị xã dưới chân núi Hồng (ảnh: Internet)
Trên 99 đỉnh Non Hồng hay bên dòng sông Lam hiền hòa đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước, có một nền văn hóa từ lâu đời, nơi có nhiều đền chùa miếu mạo như chùa Hương Tích xây dựng vào thế kỉ thứ XIII, là tiền thân của chùa Hương Tích ở Hà Tây, hay chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm... Qua nhiều giai đoạn biến thiên của lịch sử, con người nơi đây cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đã biến vùng sình lầy, rừng thiêng nước độc trở thành một quần thể mà con người biết yêu thương nhau, đoàn kết, xây dựng cuộc sống mới.
Cũng chính trên mảnh đất Hồng Lĩnh nói chung và Bãi Vọt nói riêng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, nhân dân đã chịu nhiều thương đau do chiến tranh để lại. Nhưng với chí khí yêu nước nồng nàn, tất cả đã đứng lên để dành chiến thắng. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mĩ, Bãi Vọt là nơi phải hứng chịu rất nhiều những trận ném bom với pháo đài bay B52 của Mĩ. Bởi nơi đây rất thuận lợi trong giao thông được mệnh danh là “ngã ba Đông Dương”. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân và dân Bãi Vọt quyết không sợ, đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ "Ngã Ba Đông Dương" đảm bảo huyết mạch giao thông cho các chiến trường...
Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, qua khảo sát, nghiên cứu các nhà nghiên cứu về kinh tế, xây dựng đã hoạch định và khẳng định: Bãi Vọt là nơi giao thương trong nước và quốc tế, là một vị trí đắc địa hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa ở Hà Tĩnh và Nghệ An.
Từ những đặc điểm đó, ngày 19 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 76 QĐ/HĐBT thành lập thị trấn Hồng Lĩnh là tiền thân của thị xã Hồng Lĩnh ngày nay. Từ ngày thành lập thị xã đến nay, trải qua 28 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hồng Lĩnh đã củng cố mối đoàn kết keo sơn gắn bó giữa Đảng và nhân dân quyết tâm xây dựng, đổi mới toàn diện đưa thị xã Hồng Lĩnh đi lên theo nhịp độ phát triển kinh tế của xu thế đổi mới hiện nay.
Hôm nay, cũng chính trên mảnh đất này, qua ngã ba Bãi Bọt đến xã Thuận Lộc, ta sẽ tận mắt chứng kiến quang cảnh nhộn nhịp của cuộc sống mới, cuộc sống của một xã đã xây dựng thành công "Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới". Gần ngã ba Bãi Vọt đến phường Nam Hồng, ta sẽ được tận hưởng nhịp độ phát triển của văn minh đô thị. Đi sâu hơn nữa vào các cụm dân cư, ta mới biết được sự thành công của các công trình cơ sở hạ tầng, giao thông liên thôn, liên xã, giao thông nội đồng được xây dựng kiên cố. Để đảm bảo môi trường và sức khỏe cho nhân dân, lãnh đạo thị xã đã quan tâm và chỉ đạo xây dựng thành công hệ thống thoát nước trên địa bàn Hồng Lĩnh. Những công trình mọc lên mang dáng dấp của một thị xã đang trên đà phát triển như Trung tâm văn hóa, đường trục chính 3/2... nhà máy HAIVINA...
Ngày 14/5/2019 tiếp xúc với báo chí ông Trần Quang Tuấn Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh đã chia sẻ: “...Chúng tôi nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn nhất. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ nhằm hoàn thành các tiêu chí để thị xã Hồng Lĩnh đạt đô thị loại III vào năm 2020...”.
Năm 2019 nền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển mạnh. Hiện nay trên địa bàn có 612 cơ sở doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giải quyết việc làm cho 2458 lao động, tăng so với những năm trước đây. Ai đã từng đến hạ tầng khu dân cư tổ dân phố 6, tổ dân phố 7 phường Đậu Liêu sẽ cảm nhận được nếp sống văn minh đô thị, được tận mắt chứng kiến di tích lịch sử chùa Đại Hùng, trở về nơi cảnh đẹp của suối tiên Hồng Lĩnh để được nghe tiếng chuông ngân nga trầm mặc từ chùa Thiên Tượng như gợi nhắc ta trở về những huyền thoại xa xưa. Và dự án quần thể khu du lịch sinh thái, công viên giải trí Resort hay cụm công nghiệp làng nghề Trung Lương, Nam Hồng, Cổng Khánh... sẽ đưa đến cho ta cách nhìn mới về một vùng đất đang thay đổi từng ngày.
Năm 2019, tỉ lệ tuyến phố văn minh đô thị tính trên tổng số trục phố chính tăng 15% đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, diện tích sàn nhà ở bình quân tăng 11%, tiêu chí đất cây xanh công cộng khu vực nội thành, nội thị tăng 10%, mật độ đường giao thông tăng 11%; giải quyết việc làm mới cho 1019 lao động vượt kế hoạch 119 lao động. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 835 tỉ đồng, vượt 135 tỉ đồng so với kế hoạch. Đặc biệt một điều đáng quan tâm đó là thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/ người/ năm.
Trong những năm gần đây, với quyết tâm cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh đã vượt mọi khó khăn, vận dụng sáng tạo có tính đột phá cao để biến một địa phương có điểm xuất phát thấp vươn mình đứng dậy với những công trình nổi bật mang tầm mới, có tầm chiến lược lâu dài, có tầm nhìn về hoạch định của một đô thị. Đây là một quyết sách để làm hậu thuẫn cho thị xã đạt những tiêu chí xây dựng đô thị loại III. Vì khuôn khổ của bài viết chúng tôi không thể nêu hết những gì đã đạt được trong những năm gần đây của thị xã Hồng Lĩnh nhất là năm 2019.
Nhưng những gì nói trên là một minh chứng cho những nỗ lực, sáng tạo, đột phá để cải cách nền kinh tế với một thị xã của lãnh đạo và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Một ngày không xa cụm công nghiệp Nam Hồng sẽ tô điểm thêm cho thị xã những nét đẹp mới, nét đẹp của sự bố trí, quy hoạch khoa học ở một thị xã. Ai đã từng đến hồ Thiên Tượng chắc hẳn sẽ được thả hồn mình vào một cảnh đẹp nên thơ, nơi đã đi vào huyền thoại của sử sách... Huyền thoại đó đã thu hút khách thập phương đến để tận hưởng thi vị của non nước núi rừng kì vĩ, xua tan mệt nhọc trong những ngày hè oi bức. Và cũng chính địa điểm đó đã cung cấp vị ngọt của nguồn nước sạch cho nhân dân Hồng Lĩnh và các vùng phụ cận.
Và đến hôm nay được sự quan tâm của chính quyền, nhân dân thị xã, đài tưởng niệm liệt sĩ đang sừng sững mọc lên hiên ngang như những anh hùng đã từng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh sẽ mãi mãi không bao giờ quên công lao, sự nghiệp của những chiến sĩ đã ngã xuống cho hạnh phúc hôm nay. Qua hàng ngàn năm lịch sử, dãy non Hồng vẫn xanh tươi, thủy chung tỏa bóng mát xuống dòng Lam và những năm gần đây lãnh đạo, nhân dân Hồng Lĩnh đã đổ biết bao mồ hôi công sức để lá phổi xanh này trở thành thành lũy bảo vệ cuộc sống cho người dân Hồng Lĩnh và các huyện thị nói chung.
Để đạt được mục tiêu trở thành đô thị loại III, lãnh đạo và nhân dân thị xã Hồng Lĩnh đang còn phải đương đầu với những thử thách mới... Nhưng với sức bật mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, của khối óc và những trái tim nhiệt huyết, thị xã Hồng Lĩnh sẽ vươn mình trỗi dậy mang tầm cỡ của một đô thị văn minh, hiện đại ở phía Bắc tỉnh nhà. Năm 2019 đã qua nhân dân thị xã Hồng Lĩnh đã đón một mùa xuân tiếp, mùa xuân của những thành công mới trên mảnh đất này. Để kết thúc bài viết, tôi xin trích hai câu thơ: “...Ai chưa đến hãy một lần cứ đến/ Lên đỉnh non Hồng ngắm thị xã vào xuân...”.
Dương Chí Sỹ