Hội nghị toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp dự kiến được tổ chức cuối tháng 4/2020.
Dự kiến Hội nghị diễn ra vào cuối tháng 4/2020, với chủ đề: “Tái khởi động nền kinh tế” để vượt qua dịch bệnh.
Mục tiêu của Hội nghị là tiếp tục quán triệt và triển khai sâu rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền các cấp, các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra rất phức tạp trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.
Sau Hội nghị, Chính phủ sẽ có Nghị quyết về Chương trình hành động của các Bộ, Ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu này. Dự kiến sẽ có hàng trăm ngàn doanh nghiệp, lãnh đạo các cấp chính quyền và hàng triệu người dân sẽ tham gia và theo dõi diễn biến của Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định hiện nay, đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của nước ta.
Do vậy, việc tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp là rất quan trọng, cần thiết nhằm thể hiện tinh thần Chính phủ và các cấp chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa ưu tiên phòng chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát huy tinh thần yêu nước, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp biến thách thức thành cơ hội, tái cấu trúc doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển và tái khởi động nền kinh tế.
Tại cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 13/4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, "dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề, nhất là các ngành du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống...
Không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cần sớm có sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía các cấp, các ngành và sự vươn lên của bản thân doanh nghiệp để kích thích tăng trưởng, giải quyết việc làm".
Mặc dù đánh giá cao những gói hỗ trợ tăng trưởng của các bộ, ngành, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ phía các địa phương, nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng, cần có một hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, đồng thời giám sát, kiểm tra, đáng giá hiệu quả của các gói hỗ trợ, qua đó kịp thời hoàn thiện các giải pháp phù hợp và hoàn thiện hơn; xử lý, giải quyết cụ thể các vấn đề, khó khăn từ các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để khắc phục các bất cập, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
"Bên cạnh ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhiệm vụ thứ hai rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy. Đặc biệt, cần tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, khắc phục sự chậm trễ, cửa quyền, rườm rà, phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển". - Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó. Cùng với đó, phải có mặt trận thứ 2 là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ. “Chúng ta giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”, Thủ tướng nói.
Đóng góp ý kiến cho chuẩn bị Hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho biết, ở thời điểm tháng 1, tháng 2, khi dịch bệnh vừa xâm nhập vào Việt Nam, có những ý kiến từ các doanh nghiệp châu Âu chưa đồng tình, quan ngại với các giải pháp của Chính phủ Việt Nam mà họ cho là quá chặt chẽ.
“Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 2, tất cả đều thừa nhận các giải pháp này là cần thiết và đúng đắn để ngăn chặn dịch bệnh. Vấn đề các doanh nghiệp băn khoăn hiện nay là khi hết dịch, các chính sách sẽ thế nào cho phù hợp?”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đặt vấn đề.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu và Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ cũng đánh giá cao các nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam trong việc kịp thời xử lý các vướng mắc trong thời gian thực hiện cách ly xã hội vừa qua, như việc một số địa phương ngăn các phương tiện chuyên chở hàng hóa hay yêu cầu phải có giấy đi đường…
“Chúng tôi biết rằng việc hướng dẫn, trao đổi với các địa phương từ VPCP không chỉ bằng các công văn mà còn bằng các cuộc điện thoại trực tiếp nữa”,đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ nói.
Các đại biểu cũng nêu nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể liên quan tới việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trước mắt liên quan tới các quy định về thuế, tiền thuê đất, lãi suất, cơ chế quản lý đầu tư, cùng các các vấn đề dài hạn hơn như chống gian lận thương mại, buôn lậu, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực…, cũng như vướng mắc trong một số tình huống cụ thể mà doanh nghiệp đang gặp phải.
“Việc cải cách hành chính, thời gian qua, Chính phủ đã làm tốt nhưng nhân dịp này cần làm tốt hơn nữa, như với việc làm thủ tục qua mạng”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu phát biểu.
Trước đó, nhận định về sự cần thiết của Hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp, các chiến sĩ trên mặt trận chống suy giảm kinh tế, rất trông đợi sự kiện này, để làm sao có thể tận dụng được “thời gian vàng” phục hồi kinh tế.
Chủ tịch VCCI hy vọng, ngọn lửa của tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trên mặt trận chống dịch bệnh COVID-19 trong những ngày qua sẽ được lan toả và thúc đẩy trong công cuộc tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.
"Hy vọng, Việt Nam đang là điển hình thành công trên mặt trận Y tế kiềm chế và đẩy lùi COVID-19, sẽ là điển hình thành công trong công cuộc tái khởi động và phục hồi kinh tế và các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận này. Chúng ta đã tập dụng tốt thời gian vàng để ngành y tế để đẩy lùi dịch bệnh và bây giờ, chúng ta sẽ quyết tâm tận dụng tốt "thời gian vàng" kinh tế để tái khởi động đưa nền kinh tế đi lên". - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói.
Để thực hiện thành công hội nghị nà, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan xây dựng báo cáo chuyên đề tại Hội nghị bảo đảm ngắn gọn, không trùng lắp về nội dung với tinh thần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trước ngày 18/4/2020 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
Văn phòng Chính phủ báo cáo về công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, việc triển khai và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bộ Tài chính báo cáo các giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương báo cáo giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu; chính sách ưu đãi đối với các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch; giải pháp thúc đẩy các dự án công nghiệp, năng lượng quy mô lớn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo các giải pháp, đề xuất về chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo kinh tế vĩ mô.
Bộ Công an báo cáo phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ, tạo điều kiện doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số, phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử… trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống kinh tế - xã hội, định hướng truyền thông vận động, hỗ trợ tạo niềm tin cho doanh nghiệp phát triển.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam báo cáo về các kiến nghị tổng hợp của doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị ý kiến tham luận, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát biểu tại Hội nghị. Trường hợp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi xin ý kiến về Báo cáo chung tại Hội nghị, khẩn trương có ý kiến góp ý bằng văn bản, mang tính xây dựng để đảm bảo sự thống nhất và chất lượng của Báo cáo chung.