Nhiều người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mong được hỗ trợ từ Chính phủ. Ảnh tư liệu
Đồng hành cùng DN và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỷ, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng.
Trong 7 nhóm hỗ trợ, nhấn mạnh đặc biệt quan tâm nhóm lao động trong các DN bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc lao động, DN được tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm hưu trí tử tuất.
Theo đó, các cơ quan chức năng đã phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đúng, kịp thời công khai, minh bạch đến các đối tượng.
Đến nay 63 tỉnh, TP trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ, 45/63 tỉnh đã rà soát xong và cơ bản bắt đầu từ 9-5 sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng dự kiến theo ước tính khoảng 7.630 tỷ đồng; 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 DN với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ này sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 - 5.000 tỉ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động (Trung Quốc đã chi 12 tỉ đồng USD), dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ.
Về phương thức, sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại DN gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của DN do DN triển khai, cấp tiền trực tiếp cho DN. Mặt khác, sẽ triển khai cấp phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý và lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Hiệp hội DN điện tử Việt Nam, hiện nay các nước trong khu vực và thế giới đều tung ra những gói hỗ trợ rất nhanh và kịp thời cho các DN của họ nhằm đảm bảo để DN tồn tại và vượt qua được mùa dịch. Các DN ngành điện tử từ các nước như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Phillpines, Ấn Độ, Nga, Châu Âu, Hoa Kỳ... đều đang nhận được nhiều gói hỗ trợ về miễn thuế, giảm thuế, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, bằng các gói tín dụng ưu đãi khác nhau.
Để đảm bảo sức cạnh tranh của DN trong nước, cộng đồng DN rất mong các gói hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cho các DN trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 được nhanh chóng thực thi, góp phần giảm thiểu khó khăn cho DN, đồng thời đảm bảo cộng đồng DN Việt Nam không bị thiệt thòi, giảm sức cạnh tranh so với các DN cùng ngành trong khu vực và trên thế giới.
Còn đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành đã đưa ra các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ để giúp DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, tuy nhiên theo nhiều DN dệt may phản ánh, cũng còn một số nội dung, tiêu chí, điều kiện hưởng chưa phù hợp thực tế, DN khó tiếp cận.
Cụ thể, Nghị quyết số 42/NQ-CP với nội dung hỗ trợ trong lĩnh vực tiền lương, BHXH, kinh phí công đoàn có nêu: “Người lao động làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện Hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên... thì được hỗ trợ với mức 1,8 triệu đồng/người/tháng”.
Theo PLXH