Những căn nhà ‘biết bơi’ giúp người dân vùng lũ Quảng Bình

20/09/2019 20:29

Những ngày này, lũ lớn tràn về xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), khiến nhiều nơi ngập sâu 10 mét, nhưng người dân không còn phải chạy lên đỉnh núi lánh nạn.

Tân Hóa là xã nghèo ở Quảng Bình, xung quanh bao bọc bởi dãy núi đá vôi cao, tạo nên địa hình lòng chảo. Gặp mưa to lũ lớn, nơi đây trở thành túi nước khổng lồ.

Theo báo Pháp luật TP. HCM, ngày 3/9, nước lũ đột ngột đổ về. Trong một thời gian ngắn, lũ đã chia cắt xã nghèo với khu vực xung quanh. Những ngôi nhà xây nước ngập đến nóc, nước lũ ngập sâu khoảng 4 mét, nhiều nơi lên đến 10 mét.

Ngôi nhà chính đã bị ngập đến nóc, người dân đang ngồi trên ngôi nhà nổi (ảnh: PLO).

Trong dòng lũ dữ, Tân Hóa thành hồ nước mênh mông, gần như mất liên lạc với bên ngoài. Những ai có tấm lòng từ thiện muốn vào cứu trợ cũng rất khó vì nước chảy mạnh, không tiếp cận được khu vực xa trung tâm. Trong gian nguy, nhà nổi như là chiếc phao cứu cánh của hàng trăm người dân ở đây.

“Nhà nổi chính là phao cứu sinh của chúng tôi, mấy ngày mưa lớn, gia đình tôi đã thu dọn hết đồ đạc, di chuyển người và thực phẩm lên nhà phao và lùa gia súc lên lán trại ở trên núi. Tuy xây nhà tránh lũ tốn nhiều tiền nhưng cũng vẫn an tâm hơn và không lo cảnh chạy lụt như trước nữa”, bà Trương Thị Liệu, thôn 1 Cổ Liên, xã Tân Hóa nói.

Những năm trước, khi chưa có nhà phao, thiệt hại về người, tài sản của người dân rất lớn. Nhưng năm nay, dù lũ đổ về cũng không có thiệt hại về người, chỉ có 2 con trâu bị chết vì không kịp chạy về các vách núi đá.

Có nhiều gia đình buôn bán nhỏ, lũ lên hàng hoá cũng được chuyển qua nhà nổi để phục vụ hàng hoá cho bà con trong vùng (ảnh: Vietnamnet).

Theo tìm hiểu của phóng viên Vietnamnet, nhà phao ở Tân Hóa ra đời từ sáng kiến của người dân. Trong đợt lũ lớn tháng 10/2010, Tân Hóa thiệt hại rất nặng nề. Từ đó, người dân ở đây đã sáng tạo làm nhà nổi bằng thùng phi nhựa và phao để tránh lũ. Những mùa mưa bão về sau, người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đã chủ động di chuyển người và tài sản lên gác trên của mái nhà hoặc vào nhà phao để tránh trú.

Xã Tân Hóa hiện có hơn 400 nhà phao tránh lũ, được làm khá chắc chắn với kinh phí xây dựng khoảng từ 20-40 triệu/nhà.

Dù vẫn còn lo toan, người dân sống trong nhà nổi vẫn an tâm hơn khi phải di tản lên đỉnh núi như trước (ảnh: Vietnamnet).

Nhà được xây lắp bằng gỗ, phía dưới sàn được gắn đỡ bằng các thùng phi nhựa rỗng loại 50 lít, có dây néo chặt ở các góc và chèn trụ đỡ chắc chắn. Mái nhà được lợp bằng tôn hoặc phủ bạt che chắn, sàn nhà làm bằng gỗ.

Khi nước lũ lên đến đâu, nhà phao nổi đến đó, nước rút thì nhà xuống theo. Hết mưa lũ, nhà phao sẽ được người dân sử dụng vào những việc khác như làm nhà kho hoặc nơi dự trữ lương thực… khi nào có lũ lại mang ra dùng.

Nước rút khoảng 1 mét, nhưng vẫn ngập nhiều mái nhà ở Tân Hóa (ảnh: Vietnamnet).

Cho đến ngày 7/9, toàn bộ hơn 600 ngôi nhà xây của xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa vẫn ngập trong biển nước. Lũ đã rút được hơn 1 mét nhưng mức nước vẫn còn rất cao, nhiều nơi vẫn ngập tới 2-3 mét, chạm mái nhà người dân. Đối với người dân nơi đây, cuộc sống những ngày tới chắc chắn vẫn phải gắn bó với ngôi nhà nổi mà họ đã dồn nhiều công sức và tiền bạc xây dựng.

Đức An (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Những căn nhà ‘biết bơi’ giúp người dân vùng lũ Quảng Bình" tại chuyên mục Giới thiệu Doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.