Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp về tình hình Covid-19, có nhiều doanh nghiệp tư duy tích cực bằng cách phản ứng chủ động và sáng tạo, như tích cực tìm thị trường mới (7,2%), nâng cao chất lượng phục vụ (2,4%) hay tranh thủ thời gian đào tạo lại nhân viên (1,7%). Dịch Covid-19 như một “liều thuốc thử” để biết được phản ứng của doanh nghiệp thế nào.
Tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới
Cách đây vài hôm, iVivu vừa chính thức giới thiệu dịch vụ mới cơm trưa giao tận nhà. Combo ăn trưa được giới thiệu gồm 3 mức giá và được đưa tới tận nhà trong 5 ngày/tuần. Bữa ăn được các đầu bếp 3 sao chuyên nghiệp tận tay từ khâu chuẩn bị đến khâu chế biến đúng chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều gây chú ý bởi đây là đơn vị chỉ làm đặt phòng khách sạn, đặt tour cũng như vé máy bay và không liên quan gì đến F&B. Doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch, đã buộc phải lấn sân sang mảng giao đồ ăn tận nhà.
Tương tự, Vua bánh mì, chuỗi bánh mì 6 quán tại TP.HCM, cũng triển khai ứng dụng riêng bán hàng trên điện thoại thông minh. Đầu tư mạnh về công nghệ giúp cho việc bán hàng tốt hơn, đặc biệt trong thời điểm này. Thông qua ứng dụng bán hàng, người mua sẽ miễn phí giao hàng trong 2km, có mã ưu đãi riêng và tích điểm. Nhân viên giao hàng bằng xe đạp cho khách.
Còn Food Center triển khai ý tưởng gói “thực phẩm sinh tồn”. Gói này được tính toán kết hợp cho một người trưởng thành có thể sử dụng, với đầy đủ, đa dạng dinh dưỡng và năng lượng trong 7 ngày và có thời hạn sử dụng từ 3 tháng - 1 năm. Trong trường hợp khẩn cấp, phong toả, cách ly sẽ giúp cho người dân đảm bảo sức khoẻ mà không phải ra ngoài.
Trong khi đó, các ứng dụng đặt xe công nghệ khi không hoạt động chở khách thời điểm này cũng đã nhanh nhạy chuyển đổi sang các hình thức mới. Ứng dụng Grab triển khai thử nghiệm GrabMart (đi siêu thị) cho người dùng tại TP.HCM ngay trong mùa dịch COVID-19. Be cũng đã tung ra dịch vụ "Be đi chợ", giải quyết nhu cầu mua hàng của người dân trong thời điểm này.
Được triển khai từ lâu, Now Fresh chọn hướng liên kết với các cửa hàng, siêu thị nhỏ lẻ. Bù lại thì điểm cộng là đơn hàng được gửi thẳng đến bên bán, giảm thời gian chờ đợi, chọn đồ. Nếu có vấn đề gì xảy ra cũng dễ dàng giải quyết hơn vì có thông tin mua đầy đủ trong ứng dụng.
Nhờ tận dụng lợi thế sẵn có mà các doanh nghiệp đã nhanh nhạy trong chuyển đổi mô hình kinh doanh mới. Food Center đã nghiên cứu thói quen sử dụng, hành vi tiêu dùng của người Việt một cách thận trọng, kĩ càng. Từ đó, họ đưa ra phương án kết hợp các sản phẩm hương vị truyền thống được yêu thích và tần xuất sử dụng nhiều nhất, thành từng bộ sản phẩm thiết yếu.
Startup tìm cách vượt qua COVID-19
Hay như iVivu có một hệ thống nhà hàng 3 sao trải đều các thành phố lớn, giúp họ có thể nhanh chóng cho ra thêm dịch vụ mới là giao cơm trưa tận nhà. Trong khi các nền tảng du lịch trực tuyến khác như Traveloka, Booking hay Agoda, nếu muốn tham chiến vào lĩnh vực này sẽ phải set-up rất lâu.
Dịch vụ Be đi chợ cũng mới được triển khai hồi đầu tháng 3, nhưng hiện đã hoạt động trên rất nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Lý do mà Be có thể triển khai nhanh vậy là vì họ không cần liên kết với các cửa hàng, không cần lên menu các món có thể đặt.
Sử dụng công nghệ cũng sẽ giúp cho các đơn vị này hoạt động tốt hơn nhờ nghiên cứu vào hành vi khách hàng. Đơn cử như ứng dụng bán bánh mỳ, người mua có thể chấm điểm sản phẩm, phản ánh chất lượng. Còn với dữ liệu từ người mua họ có thể dựa vào đó để nghiên cứu sản phẩm, dự đoán xu hướng thị trường từ đó nâng cao chất lượng.
Đánh giá về hiệu quả của các mô hình mới mẻ này cần khoảng thời gian. Đại diện một đơn vị cho hay, doanh thu vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chi phí vẫn còn khá cao. Doanh nghiệp đang tìm các phương án tiếp theo nếu tình hình dịch bệnh phức tạp.
Các chuyên gia cho rằng, mùa dịch này được xem là cơ hội tốt nhất để doanh nghiệp nhìn lại mình. Thậm chí cũng đã có nhiều doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội để thúc đẩy kinh doanh toàn diện hơn sau dịch.
Dù biến động, nhiều doanh nghiệp vẫn tin tưởng có thể biến “nguy” thành “cơ” nếu nhận thức đầy đủ trong tầm nhìn dài hạn.
Theo Vietnamnet