Hà Nội ngày tháng cũ có những gì ?
Hình ảnh tàu điện. Tại sao tàu điện lại trở thành một nét văn hóa của Hà Nội? Tại sao lại có tàu điện? Tại sao lại có sơ đồ tàu điện chạy như vậy? Những thời khắc lịch sử 1972 khi đoạn đường tàu bị đánh bom - người Hà Nội dốc sức để tàu điện được liên tục như thế nào?... Những câu hỏi đó sẽ được nhà sử học Lê Văn Lan giải đáp. Những chàng trai Hà Nội như họa sĩ Thành Chương, nhà thiết kế Đức Hùng sẽ kể những kỷ niệm về nhảy tàu điện, trốn vé, nhìn phố phường qua những ô cửa tàu điện. Nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương kể về những câu chuyện đậm chất bi hài để được đi tàu điện. Rồi ký ức tàu điện chạy qua đoạn Thụy Khuê thơm mùi bia, chạy qua đoạn nào thơm mùi các món ăn quen thuộc... NSND Lê Khanh, người gắn với hình ảnh phụ nữ Hà thành xưa sẽ chia sẻ những kỷ niệm khó quên dành cho Thủ đô yêu dấu.
Quán Thanh xuân tháng 10 sẽ là những hoài niệm về Hà Nội xưa
Với những gánh hàng rong và tiếng rao, mấy ai biết được hàng rong Hà Nội có từ bao giờ. Chỉ thấy rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố ngàn năm tuổi này, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét riêng của văn hóa Hà thành. Theo thời gian, những bức tường rêu phong nơi phố cổ không còn như xưa, thay vào đó là những dãy nhà cao tầng, là những khu trung tâm thương mại hiện đại. Người ta chỉ còn nhìn thấy một Hà Nội xa xưa trong bóng nước hồ Gươm, hồ Tây... và những gánh hàng rong. Người Hà Nội như nhìn thấy chính họ ở một thời đã qua. Hà Nội có thể già đi. Nhưng những gánh hàng rong chẳng bao giờ cũ và có lẽ sẽ còn tồn tại mãi mãi cùng với đô thị.
Gắn liền với hàng rong là vỉa hè, nơi chứng kiến nhiều thời khắc của dân tộc. Chẳng hạn 10.10.1954, người dân tràn ra đứng đầy vỉa hè để đợi đoàn quân chiến thắng trở về. Vỉa hè cũng gắn liền với quán xá. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính sẽ cung cấp những thông tin xung quanh vấn đề có vẻ như vẫn là tồn tại của Hà Nội: Quy hoạch Hà Nội trong chuỗi hành trình? Những câu chuyện hài hước về quy hoạch vỉa hè Hà Nội?
Dù người Hà Nội cho dù lê la ăn quán vỉa hè thì cũng không… lem nhem, đi ăn rất ý tứ. Các bà các cô mặc áo dài, người bán phở Phú Xuyên còn mặc vest, thắt cà vạt đứng bán phở. Đó là những chi tiết để nhà sử học Lê Văn Lan lý giải vì sao Hà Nội được gọi là Kẻ Chợ. Nghèo nhưng nhã, đó là cốt cách con người đất ngàn năm văn hiến.
Thành phố của những hồ nước. Hồ Hà Nội là một đặc trưng, tạo nên những ấn tượng về màu xanh đặc biệt của thành phố khi được nhìn từ trên cao. Rất nhiều hồ của Hà Nội gắn liền với các huyền tích, như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây, hồ Văn (trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám)… Hồ là nơi chốn để gặp gỡ, hẹn hò, giải trí. Trong album gia đình của nhiều người dân Thủ đô chắc chắn có những bức ảnh được chụp ở “Bờ Hồ”. Vào các ngày lễ lớn, ngày Tết… nhà nhà người người cho đến hiện nay cũng vẫn có xu hướng “lên Bờ Hồ”.
Nỗi nhớ theo người khi xa Hà Nội
“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”… Câu hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã nói hộ tâm sự của bao người con Hà Nội xa quê hương. Những tiếng leng keng tàu sớm khuya, hương hoa sữa thơm nồng, tiếng ve ru những trưa hè, những cơn mưa dài cuối đông… là Hà Nội "ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó". Những chia sẻ rất chi tiết và rất tình sẽ có trong những phỏng vấn công phu của Quán thanh xuân với những con người Hà Nội nay đã ở bốn phương trời: nhà văn Hoài Hương, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nhà thơ Bùi Thanh Tuấn, ca sĩ Thu Phương …
“Hà Nội giờ nắng khan, chói chang, khói bụi mờ, tìm người giữa muôn lối quanh, phố càng đông…” (Tôi xưa nay Hà Nội - Vũ Cát Tường). Đã xa rồi thuở “Em vẫn đạp xe ra phố, anh vẫn tìm âm thanh mới…” (Nhớ về Hà Nội - Hoàng Hiệp). Một bước lùi để hoài niệm về quá khứ nhưng vẫn nhìn nhận cuộc sống trong dòng vận động không ngừng . Đó là điều mà Quán thanh xuân tháng 10 với chủ đề Leng keng ngày tháng cũ muốn nhắn nhủ tới khán giả truyền hình.