Tất cả đều hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những năm qua, cùng với sự phát triển về số lượng, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ toàn ngành luôn đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ghi nhớ lời dạy “Lương y phải như từ mẫu” của Người, các đơn vị từ tuyến tỉnh tới cơ sở đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân bằng cả chữ “tâm”, chữ “đức”.
Với sự tận tâm, trách nhiệm của mình, cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Đắk Lắk đã khám, điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân. Trong đó có nhiều ca bệnh khó, cần sự kiên trì, nhẫn nại của người thầy thuốc mới có thể giúp bệnh nhân chiến thắng bệnh tật.
Bệnh viện Y học cổ truyền luôn được xem là đơn vị dẫn đầu cả tỉnh về y đức, là lựa chọn tin cậy của rất nhiều bệnh nhân. Bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Đăng Anh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết: Thấm nhuần lời dạy của Bác, cán bộ, y bác sĩ đơn vị luôn thực hiện đúng 12 điều y đức của ngành, có thái độ ứng xử ân cần, chu đáo với người bệnh. Từng khoa, phòng luôn nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trong năm 2019, đơn vị đưa thêm phương pháp kết hợp trong điều trị bệnh và thu được nhiều kết quả khả quan. Ðồng thời, phục hồi chức năng cho hơn 200 bệnh nhân di chứng mạch máu não có tiến triển tốt. Cùng với nâng cao chất lượng chuyên môn, đơn vị mời chuyên gia tập huấn cho cán bộ về quy tắc ứng xử và kỹ năng tư vấn giáo dục sức khỏe để hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Số lượng người đến khám, chữa bệnh năm 2019 đã tăng hơn so với cùng kỳ năm trước là minh chứng cho sự tin tưởng của người bệnh vào việc khám, điều trị bệnh nơi đây.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk được thành lập theo Quyết định số 122/QĐ-UB ngày 25 tháng 3 năm 1982 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế, các Sở ban ngành có liên quan đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bệnh viện trong các hoạt động. Năm 2002 bệnh viện được chuyển về cơ sở mới với quy mô xây dựng 100 giường bệnh. Đến nay bệnh viện ngày càng phát triển lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng với 160 cán bộ viên chức và 220 giường bệnh. Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk là bệnh viện chuyên khoa hạng I
Cơ cấu tổ chức
- Cấp ủy, Chi bộ Bệnh viện - Ban Giám đốc Bệnh viện.
- Các khoa phòng: Bệnh viện có 13 khoa, phòng, 2 Tổ công tác và các tổ chức đoàn thể bao gồm:04 Phòng chức năng: Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Công nghệ thông tin; Phòng Tổ chức Cán bộ - Hành chính quản trị ; Phòng Tài chính - Kế toán và Phòng Điều dưỡng 09 khoa: Khoa Nội tổng hợp; - Khoa Lão khoa; Khoa Ngoại tổng hợp; Khoa Châm cứu dưỡng sinh; Khoa Phục hồi chức năng; Khoa Khám bệnh đa khoa; Khoa Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng – Xét nghiệm; Khoa Dược – Vật tư y tế; Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.
Tổ công tác: Tổ Quản lý chất lượng bệnh viện, Tổ công tác xã hội. Nhân lực tính đến năm 2019: 168 người, trong đó:
* Bác sỹ: 29 (Thạc sỹ, BSCKI: 13, Bác sỹ: 16). * Dược sỹ: 12 (Dược đại học: 03, Dược sỹ cao đẳng và trung cấp: 09) * Điều dưỡng, Cử nhân Đại học, Cao đẳng, trung học: 36 * YS: 40, KTV Y Đại học, Cao đẳng và trung cấp: 11* Đại học, trung học các chuyên ngành khác: 15* Lao động phổ thông: 17
Cơ sở hạ tầng
Bệnh viện được xây dựng trên diện tích 9.114 m2, gồm 4 khối nhà 2 tầng. 220 giường bệnh nội trú.
Các khoa được trang bị trang thiết bị hiện đại
Khoa cận lâm sàng: Máy chụp X-quang kỹ thuật số, Máy siêu âm màu, Máy nội soi tiêu hóa, Máy soi tử cung, Nội soi tay mũi họng. Máy xét nghiệm sinh hóa hiện đại...
Khoa khám ngoại trú: Hệ thống máy làm răng
Khoa phục hồi chức năng: Máy sung kích, Máy kéo dãn cột sống, Máy Từ trường, Máy Siêu âm điều trị, Máy Điện xung, Máy Laser nội mạch, Hệ thống tập luyện đa năng.
Khoa dược: Hệ thống sắc thuốc bằng hơi và đóng gói tự động…
Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn: Xử lý rác thải và nước thải đạt tiêu chuẩn...
Khoa Lão, khoa châm cứu dưỡng sinh, khoa nội nhi, khoa ngoại cũng được trang bị đầy đủ máy móc, dụng cụ để phục vụ bệnh nhân...
Bệnh viện đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo để nâng cao chất lượng điều trị phục vụ bệnh nhân với mục đích “Đáp ứng sự hài lòng của người bệnh”. Do đó, bệnh viện đã và đang nhận được sự ưu tiên, chọn lựa của rất nhiều bệnh nhân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Ban Giám đốc, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
“Lương y phải như từ mẫu” - yếu tố cốt lõi của đạo đức ngành y
Bước vào cổng Bệnh viện Y học cổ truyền Đắk Lắk đập vào mắt mọi người là câu khâu hiệu “Lương y phải như tử mẫu” như để nhắc nhở y, bác sĩ cũ̉ng như CBCNV trong bệnh viên ghi nhớ. Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, rất quý trọng người thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Nhân dân ta đặt địa vị người thầy dạy chữ ngang hàng với cha, người thầy thuốc như mẹ, bởi nghề thầy thuốc là nghề chữa bệnh cứu người, là người mẹ thứ hai của những người bệnh.
Để chǎm sóc sức khoẻ con người, cần có đội ngũ những người thầy thuốc giỏi về chuyên môn, có lương tâm nghề nghiệp, sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02-9-1945), Đảng và Chính phủ đã đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ y tá, y sĩ, bác sĩ, lương y chữa bệnh bằng thuốc Tây, thuốc Nam, thuốc Bắc và các phương tiện y học tiên tiến, có y đức và y thuật cao. Giáo sư Hồ Đắc Di, Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giáo sư Đặng Văn Chung… là những giáo sư, bác sĩ đầu ngành của nền Y học Việt Nam thời hiện đại, có công rất lớn trong sự nghiệp cách mạng nước nhà.
Hồ Chí Minh là người rất quan tâm đến vấn đề y đức, một người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là một người mẹ hiền hết lòng vì bệnh nhân. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế toàn quốc năm 1953, Người viết: “Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải: Thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm tận lực phụng sự nhân dân. Lương y phải như từ mẫu”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc rễ của con người, của tài năng. Với các thầy thuốc, Bác càng đặc biệt chú ý hơn về đạo đức. Bác dặn: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”. Điều này thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, tấm lòng nhân hậu hết mực vì Nhân dân, vì con người của Hồ Chí Minh.
“Lương y phải như từ mẫu” là y đức, đặt nền tảng trên sự “Tôn trọng sinh mạng con người”, nên đối với người thầy thuốc trước hết là không được làm bất cứ điều gì gây tổn hại, mà luôn nghĩ và làm điều có lợi cho người bệnh. Rồi phải tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi bệnh nhân, không phân biệt đối xử, phải công bằng và trung thực.
Nghề y là nghề liên quan đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của con người nên người hành nghề y phải là thầy thuốc có chuyên môn giỏi đồng thời phải có lương tâm, phải có tấm lòng thương yêu, tận tụy phục vụ người bệnh. Một chút lơ đễnh, thờ ơ, tắc trách hay vô cảm, đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của người bệnh, dẫn đến những mất mát đau đớn không gì bù đắp cho thân nhân người bệnh.
Như chúng ta đã thấy, trải qua 60 năm thực hiện lời dạy của Bác, hàng vạn, hàng triệu y, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước đang ngày đêm tận tụy cứu chữa, chăm sóc người bệnh. Đã có nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện về các bệnh viện nghèo, những chuyến đi khám, chữa bệnh từ thiện và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng thiên tai bão lụt, biên giới hải đảo v.v.. Ngày càng nhiều trên đất nước chúng ta.
Những thành tựu mới về y học, những phương pháp điều trị tiên tiến được áp dụng trong ngành y đã cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, đưa nền y học của tỉnh nhà ngang tầm với một số bệnh viện có nền y học tiên tiến trên cả nước. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y phải như từ mẫu”, chúng ta tin tưởng rằng những y, bác sĩ và các nhân viên y tế hôm nay vẫn chiếm được lòng tin yêu hết mực của người bệnh, được người bệnh gọi là “thầy”, là ân nhân và là “từ mẫu” của mình.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, không ít y, bác sĩ bị ma lực của đồng tiền chi phối, khiến y đức bị mai một, xuống cấp nghiêm trọng. Tiền bạc, quà cáp làm thay đổi tiêu chí đối xử và chất lượng điều trị bệnh của thầy thuốc. Trong nhiều trường hợp cấp cứu, vì không có tiền trả viện phí nên thầy thuốc đã bỏ mặc bệnh nhân. Lại có những y, bác sĩ đã thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi thường tính mạng của người bệnh, không nhanh chóng cấp cứu kịp thời, vì vậy đã gián tiếp gây ra cái chết cho người bệnh, khiến bệnh nhân từ chỗ coi thầy thuốc là ân nhân chuyển thành “oán nhân”, đồng thời bác sĩ cũng trở thành những kẻ tội đồ, bị dư luận lên án. Nhưng trên thực tế những vụ việc đó chỉ là cá biệt, thiểu số, những thầy thuốc đó chỉ là vài “con sâu làm rầu nồi canh” trong nền y tế vì nhân dân phục vụ của chúng ta mà thôi.
Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27 tháng 2 năm 1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu “Lương y phải như từ mẫu”, ở đây Bác dùng chữ “phải” ý muốn nhấn mạnh rằng, một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền. Câu “Lương y phải như từ mẫu” của Bác chính là để nhấn mạnh hai điều kiện phải có của người thầy thuốc, đó là:
Người thầy thuốc phải là người có lòng nhân ái, thương yêu người bệnh (Lương y) như người mẹ hiền (Từ mẫu) cũng vậy, không có người mẹ nào muốn con mình bị ốm đau, bệnh tật mà trái lại luôn mong cho con khỏe mạnh, mau ăn chóng lớn.
Người thầy thuốc phải là thầy thuốc “giỏi”, là người có năng lực dùng kiến thức và kỹ năng về y dược để chữa bệnh cho mọi người và thầy thuốc giỏi là người hành nghề y vững vàng về chuyên môn, luôn tìm cách nâng cao trình độ nghề nghiệp, cập nhật kiến thức y dược để làm chủ trang, thiết bị hiện đại nhằm chữa trị tốt cho người bệnh.
Ngoài cái giỏi về chuyên môn kỹ thuật, còn phải giỏi về tâm lý giao tiếp, chẩn đoán không chỉ bệnh tật mà còn hiểu được những nguyện vọng của bệnh nhân như người mẹ hiền hiểu tâm tính của người con do mình sinh ra vậy. Nhưng mọi thầy thuốc đâu phải tự nhiên đều trở thành “mẹ hiền”, mà chỉ có thầy thuốc chịu phấn đấu, cố gắng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống, cách xử sự với bệnh nhân, mới có thể trở thành mẹ hiền được.
Đó là tất cả những điều mà cán bộ y tế của Bệnh viện Y học cổ truyền đang thực hiện tốt dưới sự lãnh đạo của Bác sỹ chuyên khoa II Trịnh Đăng Anh – Giám đốc bệnh viện.