Kịch Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung thỏa mãn cả nghe và nhìn

28/12/2020 12:04

Nhà hát kịch TPHCM vừa đầu tư dàn dựng vở Cuộc hành trình tìm bức chân dung (tác giả Khánh Hoàng, đạo diễn Hoàng Tấn), với sự tham gia của diễn viên Thanh Tuấn và các diễn viên nhí gồm Tiến Ngô, Tấn Phúc, Anh Duy, Xuân Nghi.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Câu chuyện kịch kể về tấm lòng yêu thương, sự kính trọng của quân dân miền Nam đối với Bác. Không gian chính của vở kịch là các khu rừng đước già, vùng trú ẩn an toàn của dân tản cư và là nơi che chở cho các đội du kích chiến đấu chống kẻ thù.

Hôm hay tin Bác Hồ mất, người dân đã bí mật lập đền thờ Bác trong rừng. Đền thờ Bác được dựng bằng cây đước, lá dừa mộc mạc đơn sơ. Vì không có ảnh chân dung Bác Hồ nên mọi người đã dùng những thanh tre, gỗ nhỏ, ghép lại thành lá cờ có ngôi sao để tưởng nhớ Bác, thành kính làm lễ. Trong những người đến thắp hương tưởng niệm có đám trẻ nhỏ gồm Non, Đạm, Liêm và bé Ba, là con của quân dân đang sống và chiến đấu trong các khu rừng đước. Qua lời kể của người lớn về Bác, 4 đứa nhỏ bỗng nảy ra ý tưởng đi tìm bức chân dung của Bác để khắc thành tượng thờ. Cuộc hành trình được khởi đầu bởi Non - đứa trẻ lớn tuổi nhất nhóm. Tuy nhiên, cuộc đi tìm bức chân dung Bác không hề dễ dàng. Gian khó hiểm nguy rình rập, từ những họng súng của kẻ thù, đến sự nguy hiểm của các loài thú dữ đang sống trong rừng sâu.

Bốn đứa trẻ gặp được ông Ba gác rừng (diễn viên Thanh Tuấn), giúp chúng thêm mở rộng kiến thức cần có để sống sót nơi rừng sâu, cách tránh bom mìn đã được gài khắp khu rừng, cách ẩn nấp né tránh biệt kích của địch. Xen kẽ với hành trình tìm kiếm chân dung Bác Hồ chính là những khoảng lắng lòng với thân phận của trẻ thơ sống giữa thời chiến, có em còn cha mẹ nhưng không được bên cha mẹ, có đứa thì cha mẹ đã chết hết vì đạn bom…

Dõi theo vở kịch, có thể thấy, sức hút là sự phối hợp ăn ý trong diễn xuất của 4 diễn viên nhỏ tuổi. Với lối diễn tự tin, tự nhiên, lời thoại rõ ràng, ngữ điệu sinh động, biết tiết chế và bung tỏa cảm xúc đúng lúc, các em đã tạo nên sự lôi cuốn với người xem. Vai diễn ông Ba, một ông già Nam bộ hiền lành, yêu nước, thương trẻ con của diễn viên Thanh Tuấn cũng tạo được nhiều cảm tình với khán giả.

Tác phẩm được đạo diễn trẻ Hoàng Tấn khéo phối hợp giữa nghệ thuật sân khấu và công nghệ kỹ thuật điện ảnh hiện đại, với kỹ thuật trình chiếu màn hình LED và gauze, giúp tạo nên một không gian thưởng thức sân khấu mới lạ với sân khấu 3D có chiều sâu, cảnh chồng cảnh, cảnh và người hòa hợp. Chính sự sáng tạo này giúp vở kịch giảm tải phần nào sự nghiêm cẩn, khô khan về nội dung thường thấy ở những tác phẩm sân khấu chính kịch về lịch sử, cách mạng; đồng thời giúp khán giả được mãn nhãn thưởng thức nghệ thuật nghe và nhìn.

THÚY BÌNH
Nguồn https://www.sggp.org.vn/kich-cuoc-hanh-trinh-di-tim-buc-chan-dung-thoa-man-ca-nghe-va-nhin-705594.#html

Bạn đang đọc bài viết "Kịch Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung thỏa mãn cả nghe và nhìn" tại chuyên mục VĂN HÓA - THÔNG TIN.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.