Ngoài giờ may vá kiếm cơm, bà Lệ Mai (áo đen) cùng các chị em nhiệt tình sản xuất khẩu trang vải tặng mọi người. Ảnh: NGÔ TÙNG
Hơn một tháng nay, căn nhà nhỏ nằm trong hẻm 35 đường Trần Đình Xu, phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM rộn ràng tiếng máy may hòa trong tiếng chuyện trò rôm rả của những thành viên tham gia làm khẩu trang vải thiện nguyện.
Nơi đây vốn là một tiệm may nhỏ, được chủ nhà là bà Vũ Thị Lệ Mai (ngụ tổ dân phố 9, khu phố 1, phường Cầu Kho) trưng dụng thành địa điểm may khẩu trang “dã chiến” với mong muốn góp sức cùng cộng đồng phòng tránh dịch bệnh.
Bà Lệ Mai chia sẻ: “Khi nghe bên Hội Phụ nữ phường kêu gọi may khẩu trang ủng hộ công tác phòng chống dịch, gia đình làm nghề may nên tôi đồng ý luôn. Ngoài thời gian lo liệu may vá để kiếm cơm, tôi chung sức cùng các chị em trong phường ngồi lại may khẩu trang để tặng mọi người”.
Dù chuyên may quần áo, nhưng trước nay bà Mai cũng may một số khẩu trang vải để mình và các thành viên trong gia đình sử dụng, nên không gặp khó khăn gì.
Dần dà, phong trào “Khẩu trang vải tải cả yêu thương” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cầu Kho len lỏi vào các khu phố, các hộ gia đình. Nhiều cô bác, chị em thuộc nhiều ngành nghề, các hội đoàn thể, người lao động trên địa bàn phường đã tình nguyện tham gia. Người không biết may vá thì đảm nhận cắt vải, ủi, luồn dây đeo, giặt giũ… Ai nấy đều nhiệt tình vào việc chung.
Bà Trần Thị Mến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phường Cầu Kho - cho biết, từ khi dịch bệnh bùng phát, người dân gần như không mua được khẩu trang y tế, trong khi Bộ Y tế cũng khuyến nghị người dân có thể sử dụng khẩu trang vải đúng cách để thay thế. Từ đó, Hội tiến hành vận động các hộ kinh doanh vải ủng hộ nguyên liệu, đồng thời kêu gọi các tiệm may cùng tham gia may khẩu trang tặng người dân.
“Biết được việc làm thiện nguyện của chị em, nhiều người trong và ngoài địa bàn phường tìm đến ủng hộ với tinh thần có gì góp nấy, từ vải vóc, dây đeo, túi đựng khẩu trang… nhằm “tiếp sức” các cô bác, chị em phụ nữ”, bà Mến nói.
Những chiếc khẩu trang đầy tình cảm sẻ chia này được chị em trực tiếp mang đi tặng bà con nghèo, người lao động, người đi đường.
Bà Giang A Liên tỉ mẩn trong từng khâu làm khẩu trang. Ảnh: NGÔ TÙNG
Là một trong những thành viên tích cực vừa đóng góp nguyên liệu vừa trực tiếp sản xuất, bà Nguyễn Thị Tuyết Vân cho đây là việc làm cần thiết. “Không rành may vá nên tôi phụ chị em xỏ quai đeo hoặc cắt chỉ… Đến đây quây quần vừa làm khẩu trang vừa trò chuyện cùng nhau nên ai nấy đều thoải mái, vui vẻ”, bà Tuyết Vân chia sẻ.
Thấy đây là một sáng kiến hay của Hội Phụ nữ, bà Giang A Liên (Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ phường) chẳng nề hà nắng nóng, cùng mọi người góp sức. Dù tuổi đã cao, bà Liên tỏ ra rất thạo việc khi đảm nhận đủ khâu từ việc cắt mẫu, ủi phẳng khẩu trang, cho đến luồn dây đeo.“Thấy người dân trân trọng, vui mừng khi đón nhận những chiếc khẩu trang do mình làm nên, chúng tôi thật sự vui lắm. Có người khi nhận được khẩu trang thì lại huy động, ủng hộ thêm nguyên liệu cho chúng tôi”, bà Liên chia sẻ.
Cũng theo bà Giang A Liên, trong những lúc đi phát khẩu trang cho người dân, bà Liên tranh thủ vận động bà con trong khu phố tham gia hiến máu giữa lúc nguồn máu dự trữ tại các cơ sở y tế thiếu hụt. “Giữa lúc dịch bệnh hoành hành nhưng điều đáng quý là có không ít người rất hào hứng tham gia hiến máu”, bà Liên cho hay.
Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Kho Trần Thị Mến nói, sau khoảng 1 tháng triển khai hoạt động may khẩu trang, đến nay chị em phụ nữ phường đã tặng hơn 1.000 chiếc khẩu trang vải. Những ngày tới, các cô bác tiếp tục may và tặng khẩu trang cho các em học sinh trong dịp trở lại trường học, ưu tiên các em học sinh nghèo. “Hội cũng như các cô bác ở đây muốn duy trì việc làm này cho đến khi tình hình dịch bệnh dịu lắng để chia sẻ, giúp đỡ mọi người”, bà Trần Thị Mến nói, đồng thời cho hay hiện tại trên địa bàn phường đã có 4 điểm may khẩu trang chung tay giúp cộng đồng.
“Khẩu trang được chúng tôi may cẩn thận gồm 4 lớp, trong đó có hai lớp vải keo vừa đảm bảo mát mẻ vừa gia tăng độ kháng khuẩn. Mỗi công đoạn làm khẩu trang đều được các cô bác, chị em chăm chút, cẩn trọng để qua đây phần nào chuyển tải tình cảm, sự sẻ chia với mỗi người nhận”, bà Mai cho biết.