Đơn cử như tại Đà Nẵng, trong số 21 bị can bị Viện KSND tối cao truy tố ở vụ án: “thao túng, chỉ định bán rẻ nhà đất công sản” cho “Vũ nhôm” gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng, thì có 02 cựu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2006 – 2014) cùng bị truy tố về các tội vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
Những ngôi nhà được xay dựng trên đất nền của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia.
Như vậy, việc một cá nhân, với sự tiếp tay của hàng loạt quan chức thâu tóm đất đai, công sản đã khiến dư luận đặc biệt bức xúc. Bởi trong những vụ án như thế này, thiệt hại không chỉ là hàng chục tỉ đồng tiền ngân sách, mà mất mát lớn hơn là niềm tin của nhân dân vào chính quyền bị xói mòn. Còn ở Khánh Hòa thì sao? Hàng loạt lãnh đạo tỉnh cũng mắc vi phạm nhưng đối với Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia trên diện tích 181 ha thì gần như chưa bị sờ đến mà các chủ đầu tư vẫn ngang nhiên hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản như thách thức dư luận và pháp luật (?!).
Biến tướng quy mô dự án, nộp tiền sử dụng đất không đúng quy mô cơ cấu sử dụng đất?!
Căn cứ theo Giấy chứng nhận đầu tư số 37121000212 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp lần đầu ngày 08/10/2010; thay đổi lần thứ nhất ngày 10/11/2010; thay đổi lần thứ hai ngày 15/10/2013; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 05/07/2018, mã số dự án: 6061266075 thì quy mô của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia là: Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu đô thị mới với diện tích sử dụng đất khoảng 181,966 ha bao gồm: san nền, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước thải, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống cấp điện - chiếu sáng, hệ thống cây xanh chứ không hề liên quan gì đến việc được phép xây dựng nhà ở, khai thác kinh doanh bất động sản trên đất hay phân lô bán nền như tình trạng mà Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái (gọi tắt là Công ty Vĩnh Thái) đang “lũng đoạn” như hiện nay.
Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị xây dựng ảnh hưởng ngập úng khu vực dân cư
Đối với việc nộp tiền sử dụng đất Dự án hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái, theo Quyết định số 2141/QĐ-UB ngày 24/10/2005 thì giá đất phê duyệt để thu tiền sử dụng đất đối với Công ty Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ (nay là Công ty cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ) thuộc Tổng Công ty Than Việt Nam là 315.000 đồng/ m2.
Tại Điều 2 của Quyết định này có ghi rõ: “Tiền sử dụng đất quy định tại Điều 1 được thực hiện với các điều kiện sau: Nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng quy mô cơ cấu sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt và phê duyệt dự án của UBND tỉnh. Khi dự án có điều chỉnh về quy mô, cơ cấu sử dụng đất thì phải điều chỉnh cho phù hợp…”.
Nên người dân treo biển phản đối Chủ đầu tư thi công không đảm bảo hệ thống thoát nước.
Như vậy có thể hiểu rằng giá đất được phê duyệt nêu trên là để Nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị chứ không phải là giá đất phê duyệt để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới. Trong khi thực tế như hiện nay thì Công ty Vĩnh Thái (được cho là Nhà đầu tư mới của Dự án) đã nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với việc sử dụng đất theo Quyết định số 2141/QĐ-UB, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi tự ý biến tướng quy mô, cơ cấu sử dụng đất trước sự làm ngơ của các cấp có thẩm quyền. (?)
Vi phạm các thủ tục triển khai dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép đầu tư dự án vượt thẩm quyền
Điều 3, Quyết định số 22/2003/QĐ-BTC về cơ chế tài chính trong việc sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng do Bộ Tài Chính ban hành ngày 18/02/2003 quy định: “Dự án đầu tư được sử dụng quỹ đất tạo vốn phải thực hiện đấu thầu công trình xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc đấu giá đất đối với quỹ đất dùng để tạo vốn cho dự án đầu tư cơ sở hạ tầng”.
Con mương cũ rộng khoảng 4m bị bóp nghẹt bởi hệ thống cống nhỏ.
Theo đó, tại Biên bản họp Thẩm định giá đất đối với một số dự án đổi đất lấy công trình diễn ra ngày 14/07/2005, Hội đồng thẩm định giá có đề nghị UBND tỉnh xem xét lại về một số nội dung sau: Đối với khu đô thị Vĩnh Thái (nay là Mỹ Gia) thì các Quyết định phê duyệt dự án đầu tư, Quyết định thu hồi đất và Quyết định giao đất được ban hành sau ngày Luật đất đai năm 2003, Luật Xây dựng đã có hiệu lực thi hành.
Vì vậy: Căn cứ theo Quyết định đầu tư thì phải căn cứ vào Luật Xây dựng thay vì căn cứ vào Nghị định 52/1999/NĐ-CP; Căn cứ Điều 62 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP, phải đấu thầu dự án và đấu giá đất; Căn cứ Điều 101 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP thì Nhà đầu tư không được bán nền mà phải đầu tư xây dựng nhà. Tuy nhiên, tại buổi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bé – Phó Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá cho biết: “Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Mỹ Gia được UBND tỉnh phê duyệt không qua đấu giá, đấu thầu”. (?)
Nếu như Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Mỹ Gia được thực hiện đấu thầu dự án và đấu giá đất công khai chiểu theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng không đủ thẩm quyền để thẩm định kết quả đấu thầu. Bởi lẽ theo Giấy chứng nhận đầu tư của dự án thì tổng mức đầu tư được ghi nhận là: 807.346.000.000 đồng (Tám trăm linh bảy tỷ, ba trăm bốn mươi sáu triệu đồng).
Sơ đồ Gói số 8 Khu đô thị Mỹ Gia vừa được mở bán
Với tổng mức đầu tư như vậy, căn cứ theo Điều 53 Nghị định 52/1999/NĐ-CP thì gói thầu này sẽ thuộc ngành II và do Bộ Kế hoạch đầu tư thẩm định, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Còn nếu coi đây là một dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới thì chiếu theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị, mục A, Điều 21 quy định: “Thủ tướng Chỉnh phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên”. Như vậy đối với tổng diện tích thực hiện dự án lên đến 181, 966 ha, tại sao UBND tỉnh Khánh Hòa lại có thể vượt thẩm quyền, thay cả Thủ tướng Chính phủ để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Vĩnh Thái?
Nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính, dùng dự án để thế chấp ngân hàng?
Theo bảng danh sách được tổng hợp từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa thì trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 50 dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thế chấp ngân hàng. Điều đáng nói là các sản phẩm nhà ở được hình thành không phù hợp quy định pháp luật trên diện tích đất Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Vĩnh Thái cũng được Sở này liệt kê trong bảng danh sách. Từ mục 1 cho đến mục 8, Khu đô thị Mỹ Gia lần lượt được các Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Thái Xuân, Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà Thái Hưng, Công ty cổ phần phát triển đô thị Vĩnh Thái đem ra thế chấp ở các ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Đồ Sơn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Khánh Hòa, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á – Chi nhánh thành phố HCM.
Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho Công ty Vĩnh Thái, nhưng vì sao các Công ty nêu trên lại có thể dùng được Dự án này để thế chấp và vay vốn ngân hàng? Có vẻ như đối với Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Mỹ Gia đang hình thành lỗ hổng pháp lý ngày càng to và rộng. Điều này giúp Nhà đầu tư dự án thu bộn tiền trong khi ngân sách Nhà nước lại mất đi một khoản đáng kể.
Không dừng lại ở đó, Công ty Vĩnh Thái còn phối hợp với một số Công ty để thực hiện mở bán những lô đất đã thế chấp ngân hàng thông qua sự đồng thuận của cấp có thẩm quyền. Dư luận đang rất băn khoăn rằng: “Liệu có sự liên kết chặt chẽ nào giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý tại địa phương nhằm xẻ thịt đất dự án để đút tiền vào túi hay không?”
Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục phản ánh trong những số báo tiếp theo.