Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và các đại biểu cắt băng khai mạc trưng bày
Đây cũng là cơ hội để các thế hệ người Việt có thể trải nghiệm những nét đẹp vàng son xưa cũ trong một không gian thực tế ảo với công nghệ VR và AR. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và cắt băng khai mạc triển lãm.
Không gian di sản kiến trúc vàng son thời Lý
Trưng bày do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và SEN Heritage phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL liên quan đến Bảo tồn di tích và Di sản văn hóa dân tộc (23.11.1945 - 23.11.2020). Tham quan trưng bày lần này, công chúng sẽ được thấy các ảnh cổ thời Pháp chụp kiến trúc chùa Một Cột thời Nguyễn, ảnh chùa bị đánh sập năm 1954, ảnh phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng, ảnh hiện vật của các bảo vật quốc gia như tượng Phật chùa Phật Tích (năm 1057), phiên bản cột đá chùa Dạm (năm 1094), bia Sùng Thiện Diên Linh (năm 1121) và các hiện vật thời Lý khai quật tại Hoàng thành Thăng Long.
Sự kiện cũng trưng bày một số mô hình hiện vật và kiến trúc thời Lý như đầu rồng, lá đề song long hiến châu… Đặc biệt, du khách sẽ được chiêm ngắm mô hình phỏng dựng kiến trúc chùa Một Cột và chùa Diên Hựu thời Lý thông qua hình ảnh tranh 3D, phim 3D, sản phẩm công nghệ thực tế ảo (VR3D)... Tại lễ khai mạc trưng bày, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, khoa học công nghệ đang ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những ứng dụng thông minh như quét mã QR code, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo VR (Virtual Reality - đưa công nghệ ảo vào đời thực), thực tế tăng cường AR (Augmented Reality - sự kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo) vừa là xu hướng, cơ hội, vừa là thách thức đối với các bảo tàng nói chung và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng.
Nếu như công nghệ VR có thể giúp người xem có thể dạo bước trong không gian cổ thì công nghệ AR có thể đặt các kiến trúc cổ ra ngoài không gian thực tại. “Chùa Một Cột là công trình kiến trúc đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, là biểu tượng nổi tiếng bậc nhất của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn vật. Những hình ảnh thân quen của chùa Một Cột mà người Việt và khách quốc tế biết đến lâu nay là bản phục dựng năm 1955 của kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng với phong cách đời Nguyễn, sau khi chùa bị đánh mìn vào ngày 9.11.1954...”, ông Minh cho biết.
Trưng bày lần này tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là kết quả nghiên cứu của nhóm SEN Heritage, kế thừa từ các học giả tiền bối. Nhóm đã phỏng dựng tổng thể chùa Diên Hựu và kiến trúc chùa Một Cột thời Lý bằng công nghệ số hóa thực tế ảo (VR3D). Từ hàng nghìn mảnh vỡ khảo cổ, từ hàng trăm hiện vật mỹ thuật còn lại sau bao thăng trầm lịch sử, lần đầu tiên, những sản phẩm của thời đại 4.0 sẽ giúp những con người hiện đại có thể chiêm ngắm hình ảnh cổ xưa của chùa Một Cột, và có thể bước vào không gian di sản kiến trúc vàng son thời Lý cách nay 800 năm. Tuy nhiên, theo ông Minh, kết quả nghiên cứu, phỏng dựng 3D chùa Một Cột thời Lý của nhóm SEN Heritage, cũng chỉ là giả thuyết, cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách bài bản, thận trọng.
Trưng bày đã đưa di sản đến gần hơn với công chúng...
...và mang đến nhiều trải nghiệm cho khán giả trẻ
Phát triển công nghệ thực tế ảo trong bảo tồn di sản
Sản phẩm VR3D chùa Một Cột- Diên Hựu là một cách hưởng ứng Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 18.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn di sản văn hóa, trùng tu- phỏng dựng phế tích, phục vụ công tác trưng bày, thuyết minh bảo tàng, và quảng bá di sản Việt Nam. Qua cuộc trưng bày và trải nghiệm lần này, các bảo tàng và các di tích có thể nghiên cứu và chia sẻ kinh nghệm để mở ra cách phát triển công nghệ thực tế ảo vào việc bảo tồn, trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
Những khám phá từ cuộc trưng bày mang đến cho các chuyên gia, người xem nhiều trải nghiệm mới mẻ, thú vị. GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nhân học (VNU) cho rằng, đây là một thực tế ảo về vị trí, hình thái kiến trúc, quy mô của chùa tháp Diên Hựu. Vì hiện tại không còn khả năng khảo sát dưới lòng đất, bởi vậy đây là một cách để sinh động hóa và làm giàu thêm vốn cổ truyền, bởi giá trị của di sản không chỉ kế thừa từ lịch sử mà còn cần thêm những đóng góp mới của ngày nay. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho hay, “giá như chúng ta làm kiểu này cho phim trường cổ trang (như Lạc Uyển lâu) thì lợi lạc biết bao nhiêu. Chúng ta có thể giúp ngành bảo tàng trong việc đưa hiện vật đến từng người dân. Một em bé, một bà đi chợ có quyền được xem lịch sử dân tộc... Đây là con đường đưa sử học đến với từng người dân”.
TS Trần Trọng Dương thay mặt SEN Heritage chia sẻ những nỗ lực của nhóm thực hiện nghiên cứu để có thể giới thiệu tới công chúng yêu mến di sản sản phẩm VR3D chùa Một Cột- Diên Hựu. Với công nghệ thực tế ảo, người xem sẽ có được những trải nghiệm mà trước đó có thể chưa từng được biết. “Cảm xúc được đi bộ trong Hoàng thành Thăng Long, và bây giờ là cảm giác lần đầu tiên được hiện thực hóa một giấc mơ về đưa công nghệ thực tế ảo vào để khám phá chùa Một Cột. Có thể nói đó là một giấc mơ mà chúng tôi đã theo suốt một thời tuổi trẻ. Sản phẩm VR3D chùa Một Cột- Diên Hựu là lời tri ân của thế hệ những người trẻ tuổi nhằm mang đến cho công chúng những sản phẩm áp dụng công nghệ thực tế ảo, như một cách thức để mọi người đều có thể đến gần hơn để khám phá, trải nghiệm cùng những di sản từ ngàn xưa”.
Trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột -Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” diễn ra từ ngày 23-30.11. Trong khuôn khổ các hoạt động trưng bày, vào ngày 26.11 sẽ diễn ra tọa đàm “Thảo luận về hình thái một cột và mandala kiến trúc thời Lý”.
Cảm xúc được đi bộ trong Hoàng thành Thăng Long, và bây giờ là cảm giác lần đầu tiên được hiện thực hóa một giấc mơ về đưa công nghệ thực tế ảo vào để khám phá chùa Một Cột. Có thể nói đó là một giấc mơ mà chúng tôi đã theo suốt một thời tuổi trẻ. Sản phẩm VR3D chùa Một Cột- Diên Hựu là lời tri ân của thế hệ những người trẻ tuổi nhằm mang đến cho công chúng những sản phẩm áp dụng công nghệ thực tế ảo, như một cách thức để mọi người đều có thể đến gần hơn để khám phá, trải nghiệm cùng những di sản từ ngàn xưa. (TS TRẦN TRỌNG DƯƠNG ) |