Ngạt thở, sốc nhiệt trong không gian hẹp
Anh Lê Văn Sơn bố cháu L.H.L (6 tuổi) cho biết, đây là buổi học thứ 2 của cháu tại Trường Quốc tế Gateway. Sáng 6/8, cháu đi học có hơi buồn ngủ vì chưa quen dậy sớm, hoàn toàn không có bị ốm hay mệt mỏi, con còn rất hào hứng tới lớp để làm quen bạn mới. Bé được một giáo viên phụ trách đón trẻ và một lái xe chuyên đưa đón của Trường quốc tế Gateway đón bé lên xe.
Bố bệnh nhân đau đớn khi nhận được hung tin con tử vong sau khi được phát hiện để quên trên xe bus nhà trường.
Tuy nhiên, đến 16h cùng ngày, vợ anh Sơn nhận được tin báo con ngủ quên trên xe ô tô và đang được cấp cứu tại Bệnh viện E. Khi vợ chồng anh vào con đã tử vong.
Chị L.A, một nhân chứng khi đến đón con vào lúc 4 giờ chiều tại trường Gateway cho biết, khi đang cùng con đi đến sân trường thấy mọi người bế một đứa trẻ đang trong tình trạng tím tái. Nghĩ đứa bé cần được cấp cứu, chị đã quay lại sơ cứu cùng các nhân viên y tế.
Một bác sĩ chuyên ngành cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, ngạt thở và sốc nhiệt là nguyên nhân chính khiến trẻ tử vong khi bị bỏ quên trên xe.
Trên thế giới, đã có rất nhiều trường hợp thương tâm trẻ chết ngạt, sốc nhiệt vì bị bỏ quên trên xe. Xe ô tô trong không gian hẹp, tắt điều hòa, đóng kín cửa, ngoài trời nhiệt độ cao do nắng nóng sẽ dẫn đến tăng nhiệt độ trong xe khiến trẻ sốc nhiệt, ngạt thở.
"Nguyên nhân dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện kịp thời thường do trẻ bị ngạt khí, sốc nhiệt. Do xe đóng kín cửa, không có nguồn cung cấp oxy, ngoài ra, mức nhiệt trong ô tô quá cao cũng là nguyên nhân dẫn đến nóng và khó thở. Thông thường, nhiệt độ trong xe có thể cao hơn gần gấp đôi so với nhiệt độ ngoài trời.
Khi thân nhiệt lên đến ngưỡng 40 độ C có thể xảy ra tình trạng sốc nhiệt. Còn nếu đến mức 42 độ C hoặc cao hơn sẽ làm rối loạn các cơ quan và dễ dẫn đến tử vong", bác sĩ này cho biết.
Sốc nhiệt là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng do tiếp xúc nhiệt độ cao gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề vì tổn thương não.
Trong môi trường như vậy, thiếu oxy nhưng thừa khí CO2 sẽ khiến bệnh nhân lịm dần. Càng ở trong môi trường này lâu, nguy cơ tử vong càng cao.
Trên thế giới hầu hết các ca được phát hiện bỏ quên trên xe đều tử vong. Có trường hợp được cứu sống nhưng tổn thương não, trẻ chịu di chứng thần kinh suốt đời.
Làm sao để không quên trẻ trên xe?
Hầu hết các trường hợp trẻ bị quên trên xe là trẻ nhỏ, ngồi ghế sau, bé đang say ngủ...Thêm vào đó lớp kính dày, cách âm, trẻ có gào khóc cũng rất khó để người đi đường chú ý. Khi xe để trong bãi riêng thì sự gào khóc, cố gắng đập kính của trẻ càng trở nên vô vọng. Vì thế, rất ít trẻ được phát hiện kịp thời và cứu sống.
Với những người cẩn thận thì trước khi xuống xe họ sẽ quan sát một lượt. Còn với những người "não cá vàng" hay quên, hãy luôn đặt các vật dụng gắn liền với trẻ như túi bỉm, chiếc áo hay đồ chơi.. cạnh túi hành lý của mình để khi tắt máy, xuống xe, cầm đồ lên sẽ nhớ có sự hiện diện của trẻ trên xe.
Trên xe đưa đón của các trường học, các cô nên tuyên truyền, giáo dục trẻ quan tâm đến các bạn ngồi bên cạnh. Các bạn ngồi kế bên chính là người phát hiện tốt nhất “bạn ngủ quên” để gọi bạn dậy, báo cô giáo khi đến trường.
Nguyên tắc bất di bất dịch, các cô phải thực hiện đếm số trẻ trên xe để luôn khớp giữa số trẻ lên xe và xuống xe. Trước khi rời khỏi xe cần quan sát một vòng để phát hiện trẻ ngủ quên trên xe.
Xử trí hạ thân nhiệt ngay tại chỗ để cứu người bệnh Việc phát hiện và xử trí tại chỗ khi xảy ra say nắng hoặc sốc nhiệt là cực kỳ quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục. Nếu cứ để nguyên tình trạng đưa người bệnh đến viện sẽ rất nguy hiểm do mất thời gian di chuyển xa. Vì thế, ngay khi phát hiện bệnh nhân say nắng, sốc nhiệt cần lập tức di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ. Tiếp đó đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo. Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể đồng thời dùng quạt thồi vào để tăng cường hạ nhiệt. Người bệnh cần được cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều. Trong quá trình cấp cứu, xử trí tại chỗ hãy gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất Trên đường vận chuyển vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp để hạ thân nhiệt cho người bệnh, như bật điều hoà, mở của sổ xe. Tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể. Nếu có trên xe cứu thương có thể truyền dịch tĩnh mạch theo dõi sát nhiệt độ cơ thể. |