Đô thị hiện đại phải được xây dựng trên tầm nhìn 30 năm tạo nên các giá trị bền vững
KTS. Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra nhanh chóng. Nhiều làng xóm yên bình ven đê bỗng chốc trở thành khu dân cư đô thị hóa thiếu kiểm soát khi mà cơn “lốc” đô thị hóa tràn qua.
Đi tìm định nghĩa không gian đáng sống
Theo ông Chiến, bởi chạy theo lợi nhuận mà nhiều chủ đầu tư bất chấp hệ luỵ để ra sức xây dựng nhà để bán. Điều họ quan tâm dường như chỉ là làm sao để bán được nhiều hàng, kiếm được nhiều tiền, lợi ích kinh tế không đi cùng với kiến tạo giá trị cho cộng đồng, để lại nhiều hệ lụy trên nhiều phương diện.
Không gian sống xanh là xu hướng tất yếu của những đô thị hiện đại, song vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để mỗi dự án thực sự trở thành nơi đáng sống. KTS. Đỗ Viết Chiến chỉ rõ tư duy sống xanh - thông minh trở thành nhu cầu bức thiết của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ.
Theo ông Chiến, để có một liên kết đô thị, từ nhà nước, nhà đầu tư cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu như Văn Phú – INVEST (VPI) chia sẻ, để kiến tạo một không gian sống trong đô thị hiện đại, không thể chỉ bàn tới vấn đề thiết kế, xây dựng hay phong thủy mà quan trọng hơn hết là phải nghiên cứu rất kỹ về yếu tố con người và văn hóa cộng đồng. Con người là chủ thể sở hữu của căn hộ, cũng là người sống và gắn bó lâu dài nhất với dự án cho nên ở mỗi đối tượng hướng đến cần hiểu họ cần gì và muốn gì ở môi trường sống này.
Đơn cử như với những chung cư cho giới trẻ, ở vai trò chủ đầu tư cần nghiên cứu tâm sinh lý giới trẻ để từ đó xây dựng các khu vực đáp ứng nhu cầu đó. Người trẻ họ muốn ngày nghỉ giao lưu, gặp gỡ... bởi đó tại các khu chung cư, chúng ta phải tạo ra các không gian riêng để họ tụ tập gặp gỡ và rồi cả không gian riêng để trẻ em vui chơi.
"Những công trình, những không gian này có thể làm tăng chi phí xây dựng nhưng những đầu tư đó không phải sẽ mất đi, hoang phí mà theo tôi nghĩ, đó là một cách làm thương hiệu, đồng thời là cách để nâng chất lượng sống cho cư dân cũng như là cách xây dựng thương hiệu cho tương lai, xây dựng yếu tố bền vững, thân thiện với thiên nhiên, môi trường" - ông Toàn cho biết.
Cần một tầm nhìn rộng và dài hạn
Trên thực tế, phát triển đô thị hiện đại, bền vững đang là xu hướng của thị trường bất động sản thế nhưng khái niệm về đô thị hiện đại lại đang được bàn cãi rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội và các đô thị khác đang mở rộng diện tích rất lớn chỉ sau một Quyết định. Và cách đô thị hoá đã làm biến đổi dần về chất của đô thị, khiến nhiều vấn đề về môi trường, hệ sinh thái sống ảnh hưởng trầm trọng và khó lòng bền vững.
Tại TP.HCM, có thể thấy đó là hình ảnh của hiện đại hóa chóng mặt với nhà chung cư mọc lên và ngay sát đó là những người nghèo sống tạm bợ ngay trên mặt sông. Một thực tế là khi đứng trên những tầng cao của các khu chung cư đẳng cấp cao thì sẽ nhìn xuống xung quanh là khu vực dân nghèo ở hai bên bờ sông. Hay tại Hà Nội điệp khúc mưa là ngập lụt vẫn diễn ra hàng năm, còn tại TP.HCM là nạn triều cường trở thành ám ảnh của người dân mỗi mùa mưa về.
Theo KTS Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Ban Đầu tư Nghiên cứu ứng dụng Văn Phú Invest, để xây dựng một khu đô thị mới phải có tầm nhìn dài hạn 10 năm, 20 năm, thậm chí 30 năm, nhà phát triển phải đón bắt tâm lý cũng như nhu cầu phát triển để có thể đi trước các văn bản pháp luật. Khi chủ đầu tư đặt vấn đề có tính tổng thể, có sự tương tác với thành phố, Nhà nước thì có thể xây dựng các đô thị bền vững vừa thoả mãn yếu tố lợi ích của người dân và thoả mãn không gian sống tốt nhất cũng như tiêu thụ năng lượng tốt nhất cho các đô thị và cả thành phố.
Ví như, sự bền vững có thể xây dựng từ việc kết nối đồng bộ, một đô thị có thể tiết kiệm được 20% chi phí nước, điện, tuần hoàn tái sử dụng các không gian. Từ đó, năng lượng của tổng thể khu vực được giảm và có thể tương thích với các mô hình quản lý hiện đại, tương tác với các yếu tố xung quanh bằng số hoá một cách tốt hơn. Và mỗi khi cần tăng thêm hay thay đổi về năng lượng thì đều có sự kết nối số hoá.
“Tại Singapore, kết nối việc số hóa kết nối giúp đất nước này quản lý dễ dàng hơn và nhà quản lý có thể kiểm soát các thông tin liên quan. Từ đó giúp cho việc quản lý, cải tạo đô thị dễ dàng hơn” – KTS Lê Anh Tuấn lấy ví dụ.
Đồng quan điểm, PGS.TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên - Giám đốc điều hành Viện Đô thị xanh Việt Nam cho rằng tầm quan trọng của tầm nhìn lâu dài trong quy hoạch đó là phán đoán, đưa ra những giải pháp để phát triển một cách bền vững, chứ không thể “sai rồi sửa” ở một đại đô thị được.
Ông Nguyên dẫn chứng thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, người dân Seoul Hàn Quốc đua nhau lấp suối để làm đường, thế nhưng sau đó họ nhận thấy ngay những tác động tiêu cực nên họ ngay lập tức phá bỏ đường để tạo dựng lại con suối nhân tạo. Chúng ta cứ nói rằng đang tạo lập xây dựng phát triển không gian sống nhưng chúng ta cần cẩn trọng xem xét mình đã làm đúng chưa. Nếu không chính chúng ta sẽ phá hủy không gian sống của mình.
“Đô thị hoá không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững, hướng đến các đô thị xanh bền vững, bao gồm các giải pháp kiến tạo dựa trên 3 yếu tố: môi trường, kinh tế và xã hội” – KTS Hoàng Mạnh Nguyên nhấn mạnh.
Theo Enternews