Hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc luôn hiện diện trong trái tim người dân Việt

10/08/2020 17:34

Bác Hồ là tấm gương vĩ đại và bình dị mà tất cả chúng ta đều yêu quý, kính phục. Người đã để lại cho chúng ta tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp.

Các gia đình ở xã Trừ Văn Thổ đều treo ảnh Bác Hồ.

Từ nhiều năm nay, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ là niềm vinh dự và tự hào to lớn đối với mỗi tập thể, cá nhân.

Dù là ai, làm gì, ở đâu cũng luôn noi theo những bài học quý giá của Bác Hồ, để tự soi rọi lại chính mình và cùng thực hành những điều dù đơn sơ, giản dị nhất. 

“Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Kế thừa kinh nghiệm, phát huy những kết quả đạt được nhiều năm trước, năm 2019 các cấp, các ngành tiếp tục ghi dấu ấn trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính, giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiều bức xúc nổi cộm ở địa phương, cơ quan, đơn vị góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh...

Có thể thấy dấu ấn đổi mới sáng tạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Chỉ thị 05. Chính phủ và nhiều ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực.

Như phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, mô hình: “Tự soi, tự sửa”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng” của Quân ủy T.Ư; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Đảng ủy Công an T.Ư; phong trào “Dân vận khéo” của Ban Dân vận T.Ư; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa phương trong cả nước; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; mô hình “Nhân dân đăng ký ba nội dung: “Treo ảnh Bác nơi trang nghiêm trong nhà”, “Gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không vi phạm an toàn giao thông”; “Sư cả và Ban quản trị chùa học tập và làm theo Bác”...

Việc giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân được tăng cường. Trong đó có nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề từ năm học 2019-2020.

Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì, Ban Tuyên giáo T.Ư, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Đây là lần thứ năm liên tiếp cuộc thi được triển khai nhằm tuyên truyền các tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là cơ hội để đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước hiểu biết sâu sắc hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, có cơ hội tìm hiểu những giá trị trong Di chúc của Người, từ đó góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Sau 6 tháng phát động, cuộc thi thu hút gần 500.000 lượt thí sinh dự thi. 90 thí sinh tiêu biểu nhất đã được chọn tham dự vòng chung kết. Ban tổ chức đã trao giải cho 80 thí sinh xuất sắc nhất, trong đó có 3 giải Nhất, 9 giải Nhì, 18 giải Ba và 50 giải Tư. Ba thí sinh đạt giải Nhất là: Đậu Huy Minh (lớp 12A2, Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An); Huỳnh Thanh Thân (khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương); Phạm Văn Trường (xã Ea - Pô, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông). 

Em Đậu Huy Minh, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) ngay từ nhỏ đã say mê sưu tầm những câu chuyện kể về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và luôn ý thức, học tập Bác để trở thành học sinh giỏi toàn diện, sống có trách nhiệm với cộng đồng. Tại cuộc thi năm 2019, em Đậu Huy Minh xuất sắc vượt qua 500 nghìn thí sinh toàn quốc tham dự, giành giải Nhất khối học sinh, làm nức lòng bao học sinh xứ Nghệ.

Em Đậu Huy Minh giành giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hồi nhỏ, Minh rất say mê khi được nghe bà, mẹ kể những câu chuyện cảm động về Bác Hồ; rồi hằng năm, gia đình tổ chức cho cháu đi thăm quê nội, quê ngoại của Bác và được nghe các cô chú ở khu di tích Kim Liên thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của Người… Ở nhà, bên cạnh việc học tập, Minh còn say sưa đọc các bài viết xung quanh các phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh của các cá nhân, địa phương, ban, ngành tỉnh Nghệ An.

Đặc biệt, sau khi thi đỗ vào lớp chuyên Tin học (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) càng giúp Minh say mê tìm hiểu về Bác Hồ qua mạng Interner. Trước khi cuộc thi “Tuổi trẻ học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” được phát động, trong nhiều tháng, bên cạnh việc chăm chỉ học tập, Minh cùng những người bạn sưu tầm những câu chuyện nói về thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ, về Di chúc của Người; báo chí quốc tế nói về Huy Minh đang quyết tâm học tập tốt để có cơ hội thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) với ước mơ sau này trở thành thầy giáo hoặc nhà quản lý giáo dục; tiếp tục lan tỏa tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho các thế hệ học sinh, sinh viên và thanh niên.

Giành giải Nhất bảng B, Huỳnh Thanh Thân - đại diện duy nhất của Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở II tham gia cuộc thi chia sẻ: “Khi tham gia cuộc thi, Thanh Thân nhận thấy đây cơ hội để đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Ngoại thương nói riêng được học tập, nâng cao hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu những giá trị sâu sắc trong Di chúc của Người, ghi nhớ những lời dạy của Bác đối với thế hệ trẻ, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ”.

Những ngôi nhà treo ảnh Bác Hồ

Ở huyện Ðầm Dơi (Cà Mau) bất cứ nơi nào có cư dân sinh sống, ở nơi đó đều có sự hiện diện của Bác Hồ. Ðây không chỉ là nét đẹp văn hoá mà còn là nét đẹp tinh thần, giúp mọi người ở đây sống hoà thuận, đồng lòng hơn trong những công việc chung. Việc nhà nhà treo ảnh Bác không chỉ làm đẹp ngôi nhà của họ mà còn làm đẹp cho tâm hồn mỗi con người. Nó không chỉ là hành động, là thói quen, là phong trào mà còn là một nét đẹp, là văn hoá của người dân. 

Từ năm 2011 đến nay, bà Nguyễn Thị Ái, ấp Mương Ðường, xã Tạ An Khương, luôn dành một không gian trang trọng nhất để bố trí bàn thờ Bác Hồ và cùng với chị em Chi hội Phụ nữ của ấp tổ chức mâm cơm cúng Bác nhân Ngày Quốc khánh hay ngày sinh nhật Bác. Mâm cơm cúng Bác thật giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa. Bởi đó là tấm lòng của những người con Ðầm Dơi dâng lên Bác, với tất cả lòng thành kính, mang ý nghĩa giáo dục bản thân và con cháu trong gia đình luôn khắc ghi công lao trời biển của Bác.

Từ đó có những việc làm thiết thực phục vụ gia đình, Tổ quốc. “Mỗi ngày, nhìn lên ảnh Bác, tôi nhìn lại những việc mình đã và đang làm, từ đó làm tốt hơn, làm gương cho con cháu và lồng ghép những bài học của Người trong những lần dạy các cháu học bài. Mỗi lần dạy các cháu học bài, tôi lại kể cho chúng nghe những mẩu chuyện về Bác. Từ khi treo ảnh Bác trong nhà, hành vi cư xử của các thành viên trong nhà đều nhẹ nhàng, thận trọng hơn”, bà Ái nói.

Những ngôi nhà nhỏ của người dân Trừ Văn Thố (huyện Bến Cát, Bình Dương) hầu hết đều treo ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều gia đình khá giả còn làm cả một gian riêng để treo và thờ ảnh Bác. Ngoài những bức ảnh rất đẹp về Bác Hồ, người dân còn đặt thợ điêu khắc làm cả những bức tượng nho nhỏ về Bác để trong gian thờ, như một sự kính trọng vô bờ bến trước những công lao to lớn của Người với đất nước, với quê hương.

Với những người dân ở Trừ Văn Thố cũng như ở các địa phương khác trên khắp đất Việt, dường như việc nhà nhà treo ảnh Bác đã không chỉ làm đẹp cho ngôi nhà của họ mà còn làm đẹp cho tâm hồn mỗi con người. Nó không chỉ là hành động, là thói quen, là phong trào mà còn là một nét đẹp, là văn hóa của người dân ở đây.

Nhờ hình ảnh Bác Hồ với đôi mắt sáng, nụ cười hiền hòa, mái tóc hoa râm quen thuộc mà những con người lao động ở đây luôn cảm thấy tự hào, chăm chỉ, cần cù hơn với một mong ước giản đơn, sẽ xứng đáng với những điều di huấn của Người trước lúc đi xa. Nhìn hình ảnh Bác Hồ, ai ai cũng cảm thấy mình phải có trách nhiệm sống đẹp hơn, tốt hơn cũng như làm việc chăm chỉ hơn. 

 Theo Pháp luật Plus

Khát vọng Hồ Chí Minh Khát vọng Hồ Chí Minh

Ngày mai, 19/5, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020).

Có một nhà báo Hồ Chí Minh Có một nhà báo Hồ Chí Minh

Từ một cây bút nghiệp dư, để phục vụ sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh đã trở thành nhà báo chuyên nghiệp...

Nguồn Link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hinh-anh-vi-lanh-tu-dan-toc-luon-hien-dien-trong-trai-tim-nguoi-dan-viet-d124686.html

Bạn đang đọc bài viết "Hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc luôn hiện diện trong trái tim người dân Việt" tại chuyên mục Giới thiệu Doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.