Một Hà Nội chưa xa
Năm 1997, tôi bước chân vào giảng đường đại học. Nhớ lại thì Hà Nội ngày đó không nhiều ô tô, xe máy như bây giờ. Các tuyến đường cũng vậy, không thênh thang 6 - 8 làn xe, cũng chưa xuất hiện các khu đô thị hiện đại, chỉ có những khu tập thể cũ, nhà 6 - 7 tầng đã là cao lắm. Ấy vậy mà lúc ấy, Hà Nội trong tôi đã hoành tráng lắm.
Ngày ngày, đạp xe từ “bên kia sông Đuống” sang Thanh Xuân học, có hôm thong dong ngắm nghía phố phường mãi không chán. Phương tiện đi lại chính khi đó là xe đạp, xe buýt cũng có nhưng ngoài tuyến Long Biên - Hà Đông chạy khá đều bằng xe Karosa (15 - 20 phút/chuyến), nhiều tuyến vài tiếng mới có một chuyến. Vắng khách, cơ chế quản lý lỏng lẻo, nên các bác tài đánh xe tìm chỗ mát để ngủ. Muốn đi học bằng xe buýt cho nhàn, vì thế cũng rất khó.
Đường hẹp, nhiều tuyến độc đạo nhưng rất nhiều “ổ trâu, ổ gà”. Từ phía Bắc sang chỉ có đường qua cầu Thăng Long, Long Biên, Chương Dương; từ phía Nam là Giải Phóng; phía Tây Nam, Tây Bắc là Nguyễn Trãi, đường 32 (tuyến Hồ Tùng Mậu - Cầu Giấy). Có lẽ, đó là lý do mà dù chưa có nhiều ô tô, xe máy nhưng tắc đường cũng đã thành “đặc sản”, in đậm trong ký ức mọi người, nhất là đám sinh viên, đặc biệt là tại Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở. Để kịp giờ học, không ít cậu chàng vác xe đạp trên tay để vượt qua “ngã tư khổ” (Ngã Tư Sở). Rồi những hôm mưa to, nhiều nơi ngập sâu. Ngập từ sáng tới trưa nước mới rút. “Rốn lũ” nổi tiếng Nguyễn Khuyến, Quốc Tử Giám - Cát Linh nhiều hôm nước ngập tới đùi, qua được thì cũng “ướt như chuột lột”. Mà đâu chỉ có nước mưa, còn “thập cẩm” đủ thứ nước thải sinh hoạt đổ ra...
Ảnh minh họa nguồn internet
Hơn hai chục năm trước, sinh viên gần như chẳng có chỗ chơi. Những điểm đến quen thuộc chỉ là hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác, hồ Trúc Bạch, Công viên Thống Nhất, vườn thú Thủ Lệ. Vì thế, ngoài giờ học, đám sinh viên chỉ lang thang ở ký túc xá, lên thư viện hoặc sang trường khác “thăm bạn”. Việc đi lại, như đã kể, cũng gian nan lắm, còng lưng đạp xe, chẳng may thủng lốp thì mệt. Cậu nào có bạn gái ở khu tập thể, không may đến chơi vào ngày mất điện hay mất nước thì được dịp “ghi điểm” bằng việc đi xách nước hoặc quạt bếp than “mệt không dám... nghỉ”. Có lúc nổi hứng, cả đám lại rủ nhau đạp xe đi chơi phố cổ hoặc những con đường được cho là hoành tráng, đẹp nhất Thủ đô khi đó là Giảng Võ, Kim Mã, Liễu Giai, Hoàng Quốc Việt.
Và hôm nay
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. 20 năm trôi qua mà như mới hôm qua. Đám sinh viên chúng tôi ngày nào bị cuốn vào cuộc mưu sinh, lo chuyện gia đình, con cái nên cũng ít để ý, chính xác hơn là sự chuyển động của thành phố vốn đã gần gũi, quen thuộc nên chỉ đến lúc “trà dư, tửu hậu”, ngồi với nhau nói chuyện cũ, tất cả mới giật mình ngỡ ngàng vì sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố.
Trong khoảng 3 nhiệm kỳ gần đây (2005 - 2020), sông Hồng đoạn qua trung tâm thành phố thay vì chỉ có 3 cây cầu: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, đã xuất hiện thêm Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân. Đường vành đai 3, rồi đường vành đai 3 trên cao, một loạt cầu vượt được hoàn thành. Các tuyến cửa ngõ Thủ đô được mở rộng, xây mới như: Ngô Gia Tự, Hồ Tùng Mậu - đường 32, Đại lộ Thăng Long, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên... giúp việc giao thương, đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Đường vành đai 2, các tuyến đường sắt đô thị cũng đang được khẩn trương hoàn thành, đưa vào hoạt động. Đám sinh viên ngày nào chắc chẳng ai ngờ được đoạn đường bê tông nhỏ hẹp ngày nào giao cắt với Nguyễn Trãi nay đã trở thành khu vực giao thông 4 tầng đầu tiên ở Thủ đô và cả nước (ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến với đường sắt trên cao, đường vành đai 3 trên cao, đường vành đai 3 và hầm chui Thanh Xuân)...
Không ít người cực đoan vẫn nói rằng, Hà Nội vẫn thế, với dẫn chứng như Ngã Tư Sở và nhiều nơi khác vẫn tắc đường như xưa. Nhận xét ấy quả là phiến diện, bởi tắc đường là chuyện khó tránh ở các đô thị, kể cả những nước phát triển. Song không thể so sánh Hà Nội cách đây vài ba chục năm, khi dân số và số lượng phương tiện cơ giới còn ít, với Hà Nội có quy mô dân số, số lượng ô tô, xe máy tăng đến chóng mặt hiện nay. Mỗi khu đô thị mới, thậm chí mỗi tòa chung cư cao tầng, xuất hiện ở nội đô là sức ép giao thông hay các vấn đề đô thị nảy sinh rất lớn. Hai chục năm trước, cả khu Trung Hòa - Nhân Chính, trục Lê Văn Lương - Tố Hữu, Phạm Hùng vẫn là cánh đồng, nay đã san sát các khối nhà, đầy ắp cư dân. Giao thông, điện, nước, trường học, chợ búa... chịu áp lực rất lớn, nhưng dòng chảy cuộc sống vẫn diễn ra bình thường với sự nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng liên quan.
Chất lượng sống của cư dân đô thị được nâng lên rõ rệt. Điều này thể hiện qua nhịp sống của mỗi gia đình, việc học hành, đi lại của người dân. 100% hộ dân ở đô thị đã được cấp nước sạch. Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực nội thành, chất thải y tế đạt 100%... Hệ thống xe buýt của Hà Nội được đánh giá dẫn đầu cả nước, không chỉ bao phủ toàn thành phố mà còn vươn tới một số tỉnh lân cận, giúp việc đi lại, học hành, làm việc thuận lợi, an toàn, văn minh hơn rất nhiều.
Không chỉ nhu cầu đi lại, ăn ở, học hành được nâng lên, chất lượng môi sinh, nơi vui chơi, giải trí cũng được quan tâm, đầu tư xây dựng đồng bộ. Nếu như cách đây 20 năm, toàn thành phố chỉ có vài ba công viên thì nay đã có thêm hàng loạt công viên mới như Công viên Hòa Bình, Công viên Cầu Giấy, Công viên Yên Sở... Đó là chưa kể hồ điều hòa, vườn hoa, cây xanh trong các khu đô thị. Không chỉ vậy, thành phố còn tổ chức các tuyến phố đi bộ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, du khách...
Hà Nội trong tôi, 20 năm qua, đã phát triển vượt bậc, vừa lạ, vừa quen, có lúc chợt ngỡ ngàng. Sự phát triển văn minh, hiện đại không chỉ thể hiện qua những tòa nhà cao tầng, những tuyến đường rộng lớn 8 - 10 làn xe, đường trên cao..., mà còn ở việc lấy con người làm trung tâm, không chỉ quan tâm nâng cao đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần cho người dân - một sự phát triển đầy tính nhân văn, bền vững.