Phát huy tiềm năng, lợi thế
Thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho thấy, thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.
Trong số đó có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đặc biệt, thành phố cũng có 1.138 HTX nông nghiệp, 2.912 trang trại, 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp.
Hà Nội hiện có 301 sản phẩm OCOP của 75 chủ thể là doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh được đánh giá, xếp hạng
Hà Nội cũng có trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code... Đây là cơ sở tiềm năng để Hà Nội lựa chọn, đánh giá, phân hạng và dự thi các sản phẩm OCOP.
Nói về những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, cùng tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo của các thành viên tổ tư vấn, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nên công tác phát triển Chương trình OCOP thu được nhiều kết quả tích cực.
Năm 2019, ngay sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định triển khai thực hiện Chương trình OCOP, thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố đã tham mưu, tổ chức 29 hội nghị triển khai từ thành phố đến cơ sở; Tổ chức 31 lớp đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP; Tổ chức hai đoàn công tác cấp thành phố đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh và một đoàn công tác của thành phố đi học tập tại Thái Lan.
Cũng trong năm 2019, thành phố Hà Nội đã có 18/30 quận, huyện, thị xã triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, các quận, huyện đã tiếp nhận 316 hồ sơ sản phẩm. Sau khi cấp huyện tiến hành đánh giá, phân hạng có 301 hồ sơ sản phẩm đạt yêu cầu dự thi cấp thành phố.
Có thể thấy rằng, thông qua các hình thức tuyên truyền, các lớp đào tạo, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết về ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Từ đó, chương trình đã tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích được tham gia của cộng đồng (với 301 sản phẩm của 75 chủ thể là doanh nghiệp, HTX và hộ kinh doanh tham gia dự thi với 1.803 lao động tham gia trực tiếp tạo ra sản phẩm dự thi).
Thời gian tới, các địa phương cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn
Cùng với đó, thông qua Chương trình OCOP thành phố đã khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Tiếp tục hoàn thiện các nhiệm vụ
Đánh giá về kết quả triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm đến hết tháng 4/2020, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm 2020, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị truyền thông Trung ương và Hà Nội tập trung tuyên truyền về chương trình OCOP, các sản phẩm đã được thành phố đánh giá, phân hạng và cấp sao. Tuyên truyền các địa phương làm tốt chương trình để các địa phương khác rút kinh nghiệm, học tập.
Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát lựa chọn các sản phẩm để chuẩn bị cho công tác đánh giá phân hạng của cấp huyện. Riêng huyện Đông Anh, ngay từ đầu năm đã khảo sát, phân hạng, phân nhóm bước đầu được trên 230 sản phẩm để từ đó làm cơ sở lựa chọn sản phẩm dự thi năm 2019 và chuẩn bị cho xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Mặc dù thành phố đã chuẩn bị rất tốt cho công tác phát triển Chương trình OCOP, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và thành phố Hà Nội nên công tác triển khai của các quận, huyện, thị xã bị chậm lại.
Ngay sau khi thành phố nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội, các quận, huyện đã phối hợp ngay với đơn vị tư vấn để hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện nâng cấp sản phẩm, hồ sơ minh chứng để sớm đánh giá, phân hạng từ cấp huyện để có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng cấp thành phố từ tháng 5/2020.
Định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh: Các quận, huyện, thị xã cần tập trung cho việc khảo sát các chủ thể có sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn nhằm phân nhóm, phân hạng sản phẩm, từ đó có chính sách hỗ trợ, nâng cấp và hoàn thiện cho các sản phẩm tham gia dự thi Chương trình OCOP năm 2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm nay, bên cạnh việc triển khai rà soát, đánh giá phân hạng các sản phẩm mới dự thi, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng năm 2019 để dự thi nâng sao, hoàn thiện và tổ chức đánh giá, phân hạng 700 sản phẩm trở lên.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, điểm bán hàng Online... để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế quan tâm, sử dụng.
Theo TTTĐ