Các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, góp phần giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại VietinBank - Chi nhánh quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Quang Thái
Mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh
Theo sự điều chỉnh mới, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% xuống 3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5% xuống 5%/năm. Ngoài ra, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng cũng được điều chỉnh giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm...
Ghi nhận sáng 18-5 cho thấy, biểu lãi suất huy động của 30 ngân hàng thương mại trong nước niêm yết quanh mức 0,1-8,3%/năm tùy theo kỳ hạn. Tuy nhiên, đối với một số mức lãi suất ngắn hạn được áp “trần”, hầu hết lãi suất niêm yết của các ngân hàng thương mại đều dưới “trần”.
Trong đó, các ngân hàng lớn, như Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đều niêm yết lãi suất không kỳ hạn ở mức 0,1%/năm, thấp hơn so với “trần” quy định của Ngân hàng Nhà nước và thấp nhất trong hệ thống.
Các kỳ hạn khác cũng được điều chỉnh mạnh, trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank là 4,1-4,25%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 2 tháng tại VietinBank và BIDV là 4%/năm, từ 3 tháng đến dưới 6 tháng 4,25%/năm. Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) đã hạ lãi suất huy động xuống còn 4,1-4,25%/năm (đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng)…
Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, việc giảm lãi suất huy động tạo dư địa giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 5%/năm. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, thực tế, các ngân hàng cũng có động thái giảm các chi phí 1-2 tháng qua, nhưng dư địa cũng không còn nhiều.
“Chi phí lớn nhất, quan trọng nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến lãi suất cho vay là chi phí lãi huy động (chiếm 70-80% tổng chi phí của ngân hàng). Các ngân hàng giảm được lãi suất huy động là điều kiện tốt để giảm lãi suất cho vay, không chỉ trong ngắn hạn mà cả dài hạn”, ông Nguyễn Đình Tùng phân tích.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Thanh Hà cho biết, hiện có khoảng 1,8-2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tập trung vào các ngành như: Công nghiệp chế biến - chế tạo, vận tải, dịch vụ... Bởi vậy, quyết định giảm các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cùng với việc tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Tuấn Anh
Thực tế, từ khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, hệ thống ngân hàng đã có một đợt hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống mức 5,5%/năm. Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) thông tin, tập đoàn cùng với nhiều đơn vị thành viên đã được Vietcombank hỗ trợ giảm lãi suất với dư nợ gần 1.200 tỷ đồng. Sắp tới, Vietcombank tiếp tục xem xét giảm lãi suất đợt hai với dư nợ khoảng 780 tỷ đồng. Đây là giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp ổn định dòng vốn, khôi phục sản xuất.
Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam chia sẻ, hiện thị trường trong nước đã dần khôi phục trở lại, vì vậy, việc ngân hàng hạ lãi suất là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời. Đi đôi với đó, doanh nghiệp mong muốn ngân hàng đơn giản thủ tục, nhất là thủ tục thế chấp tài sản với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn...
Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho hay, với lĩnh vực sản xuất thiết yếu, ngân hàng còn tiếp tục hạ lãi suất cho vay thêm 2-2,5%/năm. Năm 2020, VietinBank dự kiến dành khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Tương tự, theo Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, Vietcombank đang xem xét hỗ trợ giảm lãi cho danh mục 50.000 tỷ đồng. Dự kiến, phần lợi nhuận chia sẻ với khách hàng qua việc giảm lãi cũng trên 2.240 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà thông tin, không kể việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đến nay, hệ thống ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 260.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng; cho 182.000 khách hàng vay mới 630.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi thấp hơn phổ biến 0,5-2,5%/năm so với mặt bằng. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã cho vay mới đối với gần 517.000 khách hàng với dư nợ gần 19.000 tỷ đồng.
Rõ ràng, ngay sau hội nghị đối thoại Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn xuống 5%/năm là động thái tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Hà Nội mới