Vi phạm kiểu “xôi đỗ”
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Tại một số trục giao thông khu vực nội thành, lượng người tham gia giao thông vẫn có xu hướng cao
Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Tây Ninh. Các địa phương này tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 22 hoặc 30/4 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.
Có thể thấy, với diễn biến của dịch Covid-19, Hà Nội là một trong những nhóm địa phương có nguy cơ cao và rất cần sự tuân thủ trong phòng chống dịch.
Đáng nói, dù đang bước vào giai đoạn 2 của việc thực hiện giãn cách xã hội, thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô về việc cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày 18/4 cho thấy, vi phạm kiểu “xôi đỗ” vẫn diễn ra và tình trạng một bộ phận người dân chỉ chấp hành đối phó khi có mặt lực lượng chức năng đã ngày càng tinh vi hơn.
Cụ thể, ở nhiều tuyến phố nội thành như: Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Phong Sắc, La Thành, đoạn giao Lê Đức Thọ - Nguyễn Hoàng, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu… hiện tượng người và phương tiện đổ ra đường tương đối nhiều. Theo quan sát tại các trục giao thông này, hầu hết người tham gia giao thông đều đeo khẩu trang, nhưng khi đứng dừng, chờ đèn tín hiệu giao thông đều không bảo đảm khoảng cách an toàn 2m.
Tại trục đường La Thành, nhiều cửa hàng kinh doanh chấp hành đối phó, cửa khép hờ và sẵn sàng hoạt động bất chấp khuyến cáo.
Với những hiện tượng vi phạm, có một điểm đáng lo ngại là hiện một số hộ kinh doanh có xu hướng chấp hành kiểu đối phó. Nói cách khác, nhiều cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu chỉ chấp hành khi có sự nhắc nhở của lực lượng chức năng, còn khi khuất bóng các lực lượng thì họ vẫn mở cửa hoạt động, bất chấp khuyến cáo.
Ví dụ, tại trục đường La Thành, nhiều cửa hàng dù chuyên kinh doanh đồ gỗ, nội thất, không thực sự thiết yếu song những cơ sở kinh doanh này chấp hành theo kiểu “nửa đóng nửa mở”. Cửa hàng sẵn sàng hoạt động khi có khách ghé thăm và đóng kín khi thấy bóng dáng của các lực lượng chức năng. Người bán - người mua đều trong cảnh “chớp nhoáng”.
Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân. Việc yêu cầu người dân tuân thủ cách ly xã hội là một trong những biện pháp như vậy. Cho đến nay đây vẫn là biện pháp mang lại tác dụng rất lớn trong việc hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Các cấp chính quyền Thủ đô và các đơn vị liên quan rốt ráo và nỗ lực là vậy nhưng thực tế cho thấy, một bộ phận người dân vẫn có tâm lý chủ quan, chưa thực hiện nghiêm. Chế tài đối với các dạng vi phạm này đã có, do vậy, chính quyền cơ sở cùng các lực lượng chức năng cần tập trung xử lý kiên quyết để tăng tính răn đe. Hơn hết, mỗi người cần nêu cao ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tự giác chấp hành để việc cách ly xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Còn tại khu vực ngoại thành, các quy định về giãn cách xã hội được người dân thực hiện nghiêm túc hơn. Phóng viên có mặt tại địa bàn huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Sơn Tây… khảo sát thực tế một số xã, thị trấn trên các địa bàn này nhìn chung, người dân chấp hành nghiêm việc đóng các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu và hạn chế ra đường. Các trục đường chính tương đối vắng người qua lại.
Đáng chú ý, dù ở các khu vực xa Thủ đô song các chốt kiểm soát y tế tại các phường, xã, tổ dân phố trên địa bàn thị xã Sơn Tây vẫn hoạt động tương đối hiệu quả. Người dân tuân thủ và chấp hành việc đo thân nhiệt và khai báo y tế khi di chuyển.
Còn tại cánh đồng của xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa thấp thoáng một vài người ra đồng chăm sóc rau và hoa màu. Một người dân cho biết, để kịp tiến độ thời vụ họ vẫn phải ra đồng chăm sóc hoa màu, nhưng công tác đảm bảo sức khỏe y tế cho bản thân vẫn luôn được chú trọng đảm bảo. “Chúng tôi đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và làm xong là về nhà luôn” - một nông dân chia sẻ.
Phải kiểm soát gắt gao
Từ thực tế duy trì tuân thủ cách ly có thể thấy, khi ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, việc kiên trì tuyên truyền, cắm chốt, kiểm tra kết hợp xử lý vi phạm là cần thiết. Minh chứng là, ở địa bàn nào mà lực lượng chức năng làm nghiêm, kịp thời, tuyên truyền sâu rộng thì việc tuân thủ của người dân đều có chuyển biến.
Qua thực tế phân tích dịch tễ học, nhiều chuyên gia nghiên cứu cho biết việc cách ly xã hội là hết sức cần thiết ở thời điểm này và cần phải được tuân thủ. Ông Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) cho biết, trong số các ca bệnh của Hà Nội, có tới 68% không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ, thoáng qua. Do đó, nếu chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng, thì khả năng bỏ sót đến 2/3, chỉ có thể phát hiện được 1/3 số ca mắc.
Các chốt kiểm soát y tế tại các phường, xã, tổ dân phố trên địa bàn thị xã Sơn Tây vẫn hoạt động tương đối hiệu quả.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Nhật Cảm. hiện tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát, nhưng ở giai đoạn này, dịch đã lây lan ra cộng đồng, nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, đặc biệt là cách ly xã hội, thì việc duy trì thành quả là rất khó khăn.
Trao đổi sâu hơn về vấn đề, PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội; Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng) cho biết, hiện nay, tâm lý chủ quan với dịch bệnh trong một bộ phận người dân vẫn còn.
Có tình trạng này là bởi người dân tin tưởng và nhận thấy Hà Nội đang khoanh vùng và xử lý dịch bệnh rất hiệu quả. Đặc biệt là Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung mặc dù số ca nhiễm Covid-19 tương đối song công tác điều trị lại đạt nhiều kết quả khả quan. Nhiều ca bệnh đã được chữa khỏi dù trước khi điều trị có diễn tiến bệnh rất nặng.
Việc kiên trì tuyên truyền, cắm chốt, kiểm tra kết hợp xử lý vi phạm cách ly xã hội là hết sức cần thiết.
Để cách ly xã hội hiệu quả, loại bỏ tâm lý chủ quan trong một bộ phận người dân, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng biện pháp chỉ có một đó là chính quyền cần sát sao và sốc lại tinh thần cảnh giác trước dịch bệnh cho người dân. Nói cách khác, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt, vào cuộc đồng bộ từ trung ương tới địa phương như đã vào cuộc ở giai đoạn đầu cách ly xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền lại để nhân dân hiểu và thấm. Nếu cần có thể áp dụng những biện pháp kiểm soát kỹ đan xem với tuyên truyền, hạn chế đi lại. Việc này công an khu vực và tổ dân phố, thôn, xóm hoàn toàn có thể làm được.
“Ngoài ra còn cần những chế tài xử lý, phải xử phạt nghiêm minh. Bởi chỉ cần một người bị nhiễm Covid-19, khi họ lây chéo cho cộng đồng thì sẽ để lại hậu quả rất lớn. Chỉ một trường hợp bị sẽ phải truy vết, sẽ kéo theo hàng chục, hàng trăm trường hợp liên quan khiến cả Thủ đô tốn thêm nhiều hơn công sức, tiền của. Đặc biệt, những diễn tiến như vậy sẽ gây tâm lý hoang mang cho người dân. Do vậy, để ngăn ngừa thì chúng ta phải kiểm soát gắt gao và xử phạt nghiêm minh” - PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng và có diễn biến phức tạp thì việc các ly xã hội, không được chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh là cần thiết để ngăn chặn hiệu quả việc lây lan ra cộng đồng. “Đứng yên là yêu nước”, bảo vệ chính mình cũng là yêu nước. Thật đơn giản và dễ hiểu. Mỗi người dân tiếp tục thực hiện tốt việc cách ly xã hội, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết sẽ góp phần quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Theo LĐTĐ