Giá cà phê trong nước
Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 33.900 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 34.400 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 34.500 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 34.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp).
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 34.300 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 34.400 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 34.300 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê trong nước tăng 500 - 700 đồng/kg.
Ảnh minh họa nguồn internet
Giá cà phê thế giới
Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch sáng nay (giờ Việt Nam), giá cà phê Robusta tại London tăng 32 USD/tấn (2,3%) giao tháng 11/2020 giao dịch ở mức 1.426 USD/tấn, giao tháng 3/2021 tăng 30 USD ở mức 1.449 USD/tấn. Trong khi đó, tại sàn New York ở Mỹ, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tăng 6,4 cent/lb (5,86%) ở mức 115,65 cent/lb, giao tháng 3/2021 tăng 6,55 cent/lb (8,84%) lên mức 118,75 cent/lb.
Hiện nay, bão Iota đang gây thiệt hại nặng nề cho các nước sản xuất Arabica lớn ở châu Mỹ, khiến giao dịch trên sàn New York biến động mạnh. Đồng USD suy yếu cùng tín hiệu phục hồi lạc quan từ các nền kinh tế lớn đã thúc đẩy giá cà phê tăng mạnh mẽ.
Trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (riêng cà phê Robusta, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng hàng năm đạt khoảng 11,6 -11,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD). Riêng cà phê rang xay, hòa tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, khi nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn không hề giảm mà ngày càng tăng.
Việt Nam cũng không ngoại lệ, xu hướng tiêu dùng cà phê trong nước cũng tăng mạnh. Đối với xuất khẩu, cà phê rang xay, hoà tan cũng đang được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng nên kim ngạch xuất khẩu cũng tăng theo, chiếm 12% trong tổng lượng xuất khẩu cả phê cả nước.
Theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài, tiêu thụ cà phê hòa tan trên thế giới tăng trưởng mạnh trong những năm qua cũng như trong thời gian tới. Số liệu gần đây cho thấy, cà phê hòa tan chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam đang có cơ hội sẽ trở thành quốc gia sản xuất cà phê hòa tan hàng đầu thế giới do sở hữu nguồn cà phê Robusta dồi dào, là nguyên liệu chính để chế biến cà phê hòa tan.
Dự kiến năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng hơn 2 tỷ USD.