Con số do Sở Du lịch Hà Nội công bố cho thấy tín hiệu tốt trong việc phục hồi khách du lịch dịp cuối năm và chương trình kích cầu du lịch dần phát huy tính hiệu quả. Ngành Du lịch Thủ đô đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, tung ra nhiều giải pháp để thu hút khách, lấy lại đà tăng trưởng như trước.
Kích cầu du lịch nội địa
Hoa dã quỳ nở rực rỡ tại Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Trong tháng 11, tại Hà Nội, nhiều hoạt động kích cầu du lịch, thương mại (Hội chợ du lịch quốc tế VITM), sự kiện văn hóa, thể thao (chương trình “Khởi động cùng SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11”), Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, Lễ hội hoa dã quỳ cùng trải nghiệm khinh khí cầu tại Vườn Quốc gia Ba Vì… đã diễn ra. Đây là những động thái tích cực hưởng ứng chương trình kích cầu của ngành du lịch và của thành phố Hà Nội phát động nên đã thu hút một lượng nhất định khách du lịch đến Thủ đô. Tháng 12 này, hàng loạt các sự kiện sẽ tiếp nối như: Kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại Hà Nội, chương trình Chào năm mới 2021… Trong đó, một trong những điểm nhấn sẽ là Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, được chuẩn bị công phu, đậm sắc màu văn hóa truyền thống đang được nhiều người chờ đợi.
Trong thời điểm ngành Du lịch bị lao đao do dịch COVID-19, những sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao được tổ chức tại Hà Nội sẽ góp phần khởi động lại thị trường du lịch. Hình ảnh du lịch Hà Nội được quảng bá với thông điệp là điểm đến an toàn, hấp dẫn, chất lượng. Hiện tại, thị trường khách được ngành Du lịch Hà Nội cũng như cả nước hướng tới là khách nội địa, bởi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát, nhu cầu tham quan của đối tượng khách này vẫn cao, hơn nữa dịch vụ du lịch trong nước đang giảm giá mạnh.
Một số chương trình du lịch mang đặc trưng riêng của Hà Nội tiếp tục được các đơn vị, điểm đến quảng bá, làm mới sản phẩm. Sản phẩm trải nghiệm tour du lịch đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò đang vận hành, có tín hiệu tốt trong hấp dẫn du khách. Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng trong tháng 11 và đầu tháng 12, Ban Tổ chức vẫn tổ chức đón được 4 - 5 đoàn khách, mỗi đoàn có từ 20 đến 50 người tham gia trải nghiệm. Tour đêm Hoàng Thành Thăng Long, các chương trình du lịch trong nội thành Hà Nội như: "Hà Nội 36 phố phường", "Thăng Long tứ trấn" hoặc kết nối từ trung tâm Hoàn Kiếm đến các làng nghề gốm sứ Bát Tràng, lụa Hà Đông, làng cổ Đường Lâm, sơn mài Hạ Thái... nhận được sự quan tâm của nhiều du khách.
Du khách tạo dáng với hoa dã quỳ tại Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Cùng với đó, các công ty lữ hành Hà Nội xây dựng nhiều tour tuyến kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân Thủ đô. Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours xây dựng bốn dòng sản phẩm độc đáo gồm: Chùm tour “Du lịch chậm” dành riêng cho người trung niên, cao tuổi; chùm tour đặc biệt “Tôi yêu đất nước tôi – Chinh phục Cực Tây Tổ quốc”; chùm tour “Cùng nhau đi trọn Giang Sơn” và bộ sản phẩm khai thác hệ sinh thái Flamingo.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cho biết: Du lịch trong nước lúc này là cứu cánh cho ngành Du lịch và các công ty lữ hành. Giảm giá không còn là yếu tố hấp dẫn hàng đầu, mà quan trọng hơn là sản phẩm mới, có tính chất cá biệt hóa cao, đem lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho khách hàng.
Công ty Du lịch Vietravel Hà Nội lên kế hoạch và xây dựng các sản phẩm tour du lịch với nhiều chủ đề khác biệt và độc đáo như: Tour liên tuyến Đông - Tây Bắc mùa hoa; tour khám phá cung đường biển đẹp nhất Việt Nam; hành trình đến Tây Nguyên đại ngàn; tour tâm linh Côn Đảo bay thẳng từ Hà Nội. Với thông điệp “Miền Trung yên bình ngày trở lại” Vietravel đã làm mới bộ sản phẩm du lịch miền Trung đi qua các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quy Nhơn đến Phú Yên. Khi các bộ sản phẩm này được tung ra, nhiều du khách đã hào hứng đón nhận.
Chuẩn bị các điều kiện kết nối lại thị trường du lịch quốc tế
Dịch vụ dù lượn khinh khí cầu được đưa vào khai thác tại Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN
Tháng 11/2020, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 21 nghìn lượt khách, tăng 5% so với tháng 10 nhưng cơ bản vẫn là khách ngoại giao, khách công vụ, nhà đầu tư, công dân Việt Nam về nước. Hiện tại, các doanh nghiệp lữ hành vẫn cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch cũng như những thay đổi về chính sách ở mỗi quốc gia. Các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng, trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường du lịch quốc tế sẽ sớm khôi phục. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng chuẩn bị tâm thế để kết nối trở lại với thị trường du lịch quốc tế, khi Việt Nam cho phép đón khách du lịch.
Chia sẻ về việc này, đại diện Công ty Cổ phần Du lịch Flamingo Redtours cho biết, ngoài phục vụ khách nội địa, công ty vẫn chuẩn bị các sản phẩm để sẵn sàng đón khách quốc tế vào Việt Nam hay khách Việt Nam ra nước ngoài, khi được Chính phủ cho phép. Các sản phẩm hút khách trước đây là tour châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, tour truyền thống Thái Lan, Singapore... luôn có sẵn để phục vụ nhu cầu của du khách ngay khi thị trường mở cửa trở lại.
Cũng theo đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO), Hàn Quốc là thị trường quan trọng thứ hai đối với du lịch Việt Nam. Ngược lại, lượng khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc từ trước năm 2020 đều có mức tăng trưởng cao. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra, Hội chợ du lịch hội thảo, hội nghị lớn nhất tại Hàn Quốc “Korea Mice Expo 2020” mới được KTO tổ chức trực tuyến với nhiều hoạt động như: Giới thiệu du lịch hội nghị, hội thảo tại Hàn Quốc; kết nối giao thương giữa các đơn vị du lịch Hàn Quốc với các công ty du lịch lớn tại Việt Nam nhằm chuẩn bị cho sự kết nối lại hoạt động du lịch giữa hai quốc gia. Chương trình “Đêm Hàn Quốc – Korea Night 2020” cũng giới thiệu không gian du lịch hội nghị, hội thảo nổi bật tại Hàn Quốc; các điểm du lịch mới của Hàn Quốc và các hoạt động quảng bá, xúc tiến của KTO trong giai đoạn khôi phục thị trường du lịch. Ông Park Jong Sun, Trưởng đại diện Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Trong thời gian sắp tới, KTO sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá tại Việt Nam để xúc tiến lại thị trường và đồng hành với công ty du lịch tại Việt Nam sau khi du lịch quốc tế mở cửa.
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn do dịch COVID-19, nhưng ngành du lịch Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung luôn nỗ lực vượt qua, tìm cho mình những hướng đi mới để thích ứng. Bởi họ luôn tin rằng, trong mọi khó khăn luôn mở ra những cơ hội mới và họ nhanh chóng nắm bắt những cơ hội ấy, từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại.