Xã Côn Minh, nơi có nghề sản xuất miến dong của huyện Na Rì (Bắc Kạn), thời điểm này hoạt động sản xuất diễn ra rất nhộn nhịp, các nhà máy hoạt động hết công suất. Các cơ sở lớn và có tiềm lực tài chính như: Tài Hoan, Huấn Liên, Chính Tuyển… đều đang tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị, đẩy mạnh sản xuất để phục vụ thị trường tết Nguyên đán năm 2021 đang đến gần.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Hiện nay nhiều cơ sở nhỏ đã đóng cửa, do không cạnh tranh được với những đơn vị có tiềm lực, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Từ nghiền bột tới tráng bánh, thái miến đều thực hiện bằng máy móc, do vậy hiệu quả cao hơn rất nhiều. Có đơn vị sản xuất miến dong cũng đã đầu tư cả máy sấy miến, nên không phải phụ thuộc vào thời tiết như trước đây phơi ngoài trời.Do lượng củ dong riềng không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất để cung ứng sản phẩm ra thị trường nên các cơ sở này đã phải thu mua ở một số địa phương khác trong tỉnh Bắc Kạn, cách xa hàng trăm km về như: xã Cao Sơn, Mỹ Thanh (Bạch Thông), xã Xuân La (Pác Nặm)…
Ông Nông Văn Danh, người trồng dong riềng ở xã Côn Minh, chia sẻ, với giá giao là 2.200 đ/kg thì bà con có lãi nên rất phấn khởi. Nhưng năm nay, hầu hết bà con trồng hơi ít, trong khi nhu cầu của các xưởng thì nhiều.
Còn tại huyện Ba Bể, niên vụ năm nay diện tích trồng dong riềng chỉ đạt 141ha, giảm 50ha so với năm 2019. Trồng nhiều nhất là xã Phúc Lộc, với khoảng 60ha; xã Mỹ Phương, là nơi trồng dong riềng nhiều trong những năm qua thì năm nay chỉ trồng 5,6ha…
Vì lý do đó, những cơ sở sản xuất miến dong lớn của huyện Ba Bể như Miến dong Nhất Thiện cũng đã phải đi tận huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng để thu mua thêm củ dong riềng để bảo đảm duy trì sản xuất.