Dự kiến điều chỉnh
Theo đó, Bộ KH&ĐT và Chính phủ dự kiến tăng trưởng theo 2 kịch bản. Kịch bản 1: Nếu thời gian Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ cuối tháng 4/2020 và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam trong quý III/2020, thì GDP năm 2020 tăng khoảng 4,4 - 5,2% (thấp hơn mục tiêu 1,6 - 2,4 điểm phần trăm). Kịch bản 2: Nếu thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam trong quý IV/2020, thì GDP cả năm 2020 tăng khoảng 3,6 - 4,4% (thấp hơn 2,4 - 3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu).
Từ 2 kịch bản trên, đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP tăng 4,5%, nếu tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi thì phấn đấu tăng GDP 5,4%. Đó là so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra từ cuối năm trước. Nếu so với tốc độ tăng của năm trước (7,02%), thì kịch bản 1 giảm 1,82 - 2,62 điểm phần trăm; kịch bản 2 giảm 2,62 - 3,42 điểm phần trăm và tốc độ tăng theo đề xuất điều chỉnh giảm 1,62 - 2,52 điểm phần trăm.
Nếu xét theo nhóm ngành, so với tốc độ tăng của năm trước, nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản theo kịch bản 1 cao hơn 0,49 - 0,79 điểm phần trăm, theo kịch bản 2 cao hơn 0,09 -0,49 điểm phần trăm; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng theo kịch bản 1 thấp hơn 1,0 - 2,2 điểm phần trăm, theo kịch bản 2 thấp hơn 2,2 - 3,1 điểm phần trăm; nhóm ngành dịch vụ theo kịch bản 1 thấp hơn 3,7 - 4,5 điểm phần trăm, theo kịch bản 2 thấp hơn 4,5 - 5,5 điểm phần trăm.
Theo xu thế chung của thế giới
Có thể thấy, tốc độ tăng của năm 2020 thấp hơn mục tiêu và thấp hơn năm trước là xu hướng chung của khu vực và thế giới, nhiều nước hiện được dự đoán là tăng trưởng âm hoặc thấp hơn nhiều.
Nếu dự kiến như trên đạt được, thì theo kịch bản 1 (tăng 4,4 - 5,2%) tăng trưởng GDP cả năm 2020 tăng thấp nhất tính từ năm 2000 đến nay (năm 1999 tăng 4,77%), thấp hơn năm 2009 (tăng 5,32%) là năm Việt Nam bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Còn theo kịch bản 2 (tăng 3,6 - 4,4%) sẽ tăng thấp nhất tính từ năm 1987 (là năm giữa của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội bắt nguồn từ cuối những năm 70, kéo dài trong thập kỷ 80 của thế kỷ trước). Còn theo mức phấn đấu tích cực (4,5 -5,4%), thì sẽ thấp nhất từ năm 2013 (tăng 5,42%).
Mặc dù tăng trưởng có thấp xuống so với năm trước và thấp so với mục tiêu ban đầu, nhưng các kịch bản dự kiến trên đều có thể được coi là hợp lý. Nếu đạt được mức phấn đấu tích cực (4,5 - 5,4%), thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm thời kỳ 2016 - 2020 đạt 6,32 - 6,50%, so với mục tiêu 6,5 - 7,0% của kế hoạch 5 năm; thời kỳ 2011 - 2020 đạt 6,19 - 6,90%, so với mục tiêu của chiến lược 10 năm là 7,0 - 8,0%. Tuy thấp nhưng là do tác động của yếu tố khách quan và nằm trong xu thế chung của thế giới.
Tính hợp lý của dự kiến điều chỉnh được xét về nhiều mặt. Một mặt là xét theo nhóm ngành kinh tế (tức là xét về cơ cấu ngành), thì nhóm ngành công nghiệp - xây dựng, là nhóm ngành kinh tế thực lớn nhất được dự kiến tăng cao nhất. Việc tăng cao nhất của nhóm ngành này có ý nghĩa về hai phía. Ở phía đầu vào, sẽ ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn, trên cơ sở giảm tính gia công, lắp ráp, đẩy nhanh việc phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ở phía đầu ra sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam mở mặt trận thứ hai sớm, khi chuỗi sản xuất - cung ứng- phân phối ở nhiều nước bị đứt gãy do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sau đó là đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nhóm ngành dịch vụ lại dự kiến tăng trưởng quá thấp, nhất là kịch bản 2, còn tăng thấp hơn cả nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản. Trong nhóm ngành dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và xuất/nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sẽ cao lên nhờ lương khởi điểm tăng, nhờ tác động của gói hỗ trợ xã hội khá lớn, nhờ sớm bước vào mặt trận thứ hai. Theo dự kiến, xuất khẩu tuy tăng trưởng thấp hơn mục tiêu và thấp hơn tốc độ tăng của năm trước (4% so với 7% và 8,4%), nhưng vẫn là tăng trưởng dương so với tốc độ tăng trưởng âm của nhiều nền kinh tế lớn.
Mặt khác là xét các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế. Việc thực hiện vốn đầu tư công còn lại của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 ở mức khá cao (hiện còn 700 nghìn tỷ đồng). Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại, khi có sự chuyển dịch các nhà máy, công ty từ Trung Quốc của nhiều nước sang Việt Nam.
Vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước sẽ phục hồi tăng trưởng khi các DN khởi nghiệp và quay trở lại hoạt động tăng, số phá sản và tạm dừng kinh doanh giảm, khi gói tín dụng hỗ trợ (lên đến gần 300 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ tài khóa (lên đến 180 nghìn tỷ đồng) được thực hiện. Xuất khẩu tuy tăng thấp hơn mục tiêu và năm trước, nhưng vẫn tăng và ngược chiều (hoặc cao hơn) nhập khẩu, có khả năng xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp; mà xuất siêu thì có tác dụng khuyến khích tăng cung nhiều hơn là tăng cầu.
Mặt khác nữa, tăng trưởng năm 2020 dù thấp so với các năm trước đó nhưng không gây áp lực mà còn tạo tiền đề để đề ra mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030 vì số gốc so sánh là năm 2020 đã thấp xuống.
Theo KTĐT