Khoán trắng cho Bộ Y tế là sai lầm
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người COVID-19.
Phát biểu ngày 5/3 với báo giới ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ quan ngại trước việc nhiều nước chưa cho thấy “mức độ cam kết chính trị” cần thiết nhằm “ứng phó với mối đe dọa mà tất cả chúng ta đang đối mặt".
Ông Ghebreyesus nhấn mạnh "dịch bệnh này là mối đe dọa đối với mọi quốc gia, cả nước giàu và nước nghèo", đồng thời cảnh báo "thậm chí các nước thu nhập cao cần cảnh giác trước các tình huống bất ngờ". Ông khẳng định: "Đây không phải là một cuộc diễn tập”.
Người đứng đầu WHO cũng đặc biệt lưu ý rằng một số quốc gia dường như chưa thực sự chú trọng đến mối đe dọa của dịch bệnh, với nhiều nước giao phó công tác xử lý khủng hoảng cho Bộ Y tế.
Theo Tổng Giám đốc Ghebreyesus, đây là cách tiếp cận “sai lầm” vì cuộc khủng hoảng đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, mọi tầng lớp dân cư, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận toàn diện với sự tham gia tích cực của toàn bộ máy hành pháp.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. |
Hãy sẵn sàng đối phó với COVID-19
TTXVN cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ phát động một chiến dịch truyền thông xã hội mới kêu gọi đảm bảo mọi người dân đều được an toàn, được hưởng các biện pháp phòng ngừa linh hoạt và được thông tin đầy đủ khi đối mặt với sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong thông báo ngày 5/3, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Chúng tôi biết mọi người đang sợ và điều đó là bình thường và phù hợp... Nỗi sợ đó có thể được kiểm soát và giảm nhẹ khi tất cả đều được thông tin chính xác".
Đây là lý do WHO phát động một chiến dịch truyền thông xã hội có tên "Hãy sẵn sàng đối phó với COVID-19".
Theo đó, nếu ai đó cảm thấy quá sợ hãi, hãy liên hệ với những người xung quanh và tìm hiểu kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong cộng đồng của mình.
Ông Ghebreyesus cho rằng như vậy việc virus SARS-CoV-2 gây chết người như thế nào không còn phụ thuộc vào chính nó mà là cách mọi người phản ứng với virus.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus cũng nhắc lại tầm quan trọng của sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, đồng thời kêu gọi tất cả mọi người bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong cộng đồng của mình.
Ông nhấn mạnh mọi người đều có trách nhiệm giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm bệnh, và trong trường hợp bị mắc bệnh cần giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Các nước nên học Việt Nam, Singapore,...
Trong khi đó, quan chức Chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của WHO, bà Maria van Kerkhove kêu gọi các nước áp dụng tất cả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cơ bản nhưng có hiệu quả mà các nước Trung Quốc, Singapore và Việt Nam đã triển khai.
Các biện pháp đó bao gồm xác định các trường hợp nhiễm bệnh và liên hệ với họ để tiến hành các biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh.
Theo bà Kerkhove, mọi quốc gia đều có thể thực hiện được các biện pháp này.
Trước đó, WHO cảnh báo có quá nhiều quốc gia chưa triển khai tất cả những biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh gây chết người COVID-19 đã làm hơn 97.000 trường hợp nhiễm bệnh và khoảng 3.300 ca tử vong tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới./.