Những đối tượng có hợp đồng lao động sẽ được hỗ trợ thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương
Tất cả vì cuộc sống người dân
Người nằm trong diện hỗ trợ bao gồm: người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động; hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc triển khai gói an sinh xã hội ở thời điểm này là cấp bách và chưa từng có trong tiền lệ do tổng số tiền hỗ trợ rất lớn và số lượng người nhận được hỗ trợ rất nhiều.
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, đang phải dồn lực cho công tác kiểm soát dịch bệnh cũng như ổn định nền kinh tế, việc tung ra gói hỗ trợ trị giá lên tới 62.000 tỷ đồng dành cho người dân khó khăn do dịch Covid-19 thể hiện nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo thống kê ban đầu của Bộ LĐ-TB&XH, riêng trong quý I-2020 có khoảng 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp. Đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất khó khăn vì phải nghỉ việc bởi dịch Covid-19. Đánh giá dựa trên khảo sát và kiểm tra thực tiễn cho thấy, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài như hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5-2020 sẽ khoảng 2,5 triệu người. Nếu dịch bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ khoảng 3,5 - 4 triệu người.
Thấu hiểu những khó khăn của người dân khi trải qua đại dịch, Chính phủ đã chủ động và sớm chỉ đạo việc phải xây dựng các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Sau khi Chính phủ báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, ngay ngày hôm sau Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp khẩn trương ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện thủ tục và cách thức triển khai gói hỗ trợ này.
Người yếu thế được hỗ trợ đầu tiên
Bên cạnh yêu cầu phải triển khai đúng đối tượng, công khai, minh bạch lãnh đạo Đảng, Nhà nước yêu cầu các cơ quan thực thi phải triển chính sách này một cách nhanh nhất đến tay người thụ hưởng, không được để xảy ra tình trạng chính sách chạy “lòng vòng”, không được để độ trễ thực hiện. Theo đó, các đối tượng như người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo sẽ được thụ hưởng chính sách trong tháng 4.
Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương. Thời điểm nào có hồ sơ, thì sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết. Đặc biệt với sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, các đoàn thể và nhân dân, việc phân bổ sẽ đến với người dân một cách công khai, minh bạch và thuận lợi nhất.
Đối với doanh nghiệp được vay ưu đãi để trả lương cho người lao động, doanh nghiệp chỉ được vay khi đã trả 50% mức lương cho người lao động. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách, cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra toàn bộ sẽ chuyển thẳng tiền lương cho người lao động. Do vậy, doanh nghiệp khó có thể trục lợi. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, gói hỗ trợ an sinh xã hội đã thể hiện vai trò “bà đỡ” của Chính phủ, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, 6/7 nhóm đối tượng nhận hỗ trợ được nêu trong Nghị quyết số 42/NQ-CP tương đối rõ và việc triển khai sẽ thuận lợi hơn sau khi có Quyết định về thực hiện các biện pháp hỗ trợ cụ thể do Thủ tướng ban hành. Điều khó nhất là việc xác định cũng như triển khai hỗ trợ tới nhóm đối tượng cuối cùng trong Nghị quyết 42/NQ-CP.
Đây là những lao động không có hợp đồng lao động (thường được gọi là lao động tự do). Để khắc phục được những khó khăn đó, ngày 15-4, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về quy trình, quy chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai đối với từng đối tượng, thành phần được hỗ trợ.
Trong đó, đối tượng lao động tự do được dự kiến tập trung ở 7 nhóm gồm: Những người bán hàng rong quà vặt, những người làm xe ôm, những người thu rác, bốc vác, bán vé số, những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, chăm sóc sức khỏe… Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện gói hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.
Theo ANTĐ