Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội: Đảm bảo việc phòng, chống lây nhiễm Covid-19 khi kiểm tra nồng độ cồn

25/02/2020 17:54

Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2020, Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội đã tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Đặc biệt là công tác kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ đã được thực hiện nghiêm túc, nhằm ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) từ những “ma men”.

Từ ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã và đang được thực hiện trên toàn quốc với sự ủng hộ rất lớn của người dân.

Thời gian qua, tại Hà Nội, Phòng CSGT Công an TP đã xây dựng nhiều kế hoạch, triển khai nhiều chuyên đề nhằm tuyên truyền, hướng dẫn quy định pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Đồng thời triển khai thực hiện các quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Qua đó đã có tác dụng răn đe và nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông.

Hình ảnh các chiến sỹ CSGT Công an TP Hà Nội kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.

Trong quá trình xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhiều đơn vị thuộc lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội có kết quả xử lý vi phạm khá cao. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vẫn còn một số khó khăn khi xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, như: Người điều khiển phương tiện có hơi men thường gây khó khăn cho lực lượng xử lý; nhiều vụ TNGT khó đo nồng độ cồn; lực lượng CSGT còn mỏng, phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ…

“Để công tác kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm nồng độ cồn, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể; đặc biệt là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn. Có như vậy mới góp phần giảm thiểu TNGT, đảm bảo an ninh trật tự, TTATGT trên địa bàn”, lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội khẳng định.

Trao đổi với PV, Trung tá Lê Tú - Đội trưởng Đội CSGT số 3 - Phòng CSGT Công an TP Hà Nội nhận xét cho rằng: "Sau một thời gian triển khai chuyên đề về xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chúng tôi nhận thấy tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia có chuyển biến rõ rệt. Đa số người dân đã chủ động gọi taxi, xe ôm, hay bố trí người tỉnh táo đưa đón, nếu có kế hoạch uống bia rượu. Đó là một sự thay đổi rất lớn trong thái độ chấp hành, cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và nhận thức của người tham gia giao thông trong xã hội hiện nay”.

PV báo Kinh doanh và Pháp luật trao đổi với Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14.

Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra có diễn biến phức tạp khiến dư luận lo lắng về sự lây lan trong cộng đồng. Trước băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua kiểm tra nồng độ cồn, đã có một số ý kiến đề xuất tạm dừng việc kiểm tra này.

Liên quan đến những băn khoăn về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thông qua kiểm tra nồng độ cồn, Trung tá Hà Văn Tuân - Đội trưởng Đội CSGT số 2 chia sẻ rằng Bộ Y tế đã có ý kiến chính thức nêu rõ việc sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở theo nguyên tắc mỗi người sẽ dùng một một ống thổi riêng, sau khi thay ống thổi mới thì sẽ không còn tồn lưu khí thở của người cũ trong thiết bị nữa. Vì vậy, nếu lực lượng CSGT và người dân cùng thực hiện theo đúng quy trình, thì sẽ không tồn tại nguy cơ bị lây nhiễm Covid-19 từ người này sang người khác.

Để tạo lập bền vững hành vi an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là với nhóm người thường xuyên sử dụng bia rượu, theo Thượng tá Lê Văn Hoan - Đội trưởng Đội CSGT số 4 - rất cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra nồng độ cồn. Song để phòng ngừa sự lây nhiễm Covid-19, các cán bộ chiến sỹ CSGT khi làm nhiệm vụ phải đeo khẩu trang y tế đúng chuẩn. 

Mỗi người dân khi được kiểm tra sẽ dùng một ống thổi riêng đựng trong túi dập mép kín và được loại bỏ đúng quy định sau khi sử dụng. Ngay sau khi thổi xong, cán bộ chiến sỹ CSGT sẽ dùng cồn sát khuẩn để vệ sinh máy rồi mới lắp ống mới cho người tiếp theo…Thượng tá Lê Văn Hoan cũng lưu ý rằng trước khi thổi, người dân được quyền kiểm tra ống mới chưa bóc ra khỏi túi nylon. Điều này là để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ; bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo.

Theo Trung tá Đỗ Trọng Tuân - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, để phòng ngừa sự lây nhiễm Covid-19 từ người này sang người khác, các cán bộ, chiến sỹ thuộc Đội CSGT số 14 và lực lượng CSGT CATP Hà Nội nói chung đều đã trang bị cồn y tế, khẩu trang và gay tay sử dụng trong quá trình tuần tra, xử lý vi phạm. 

Khi tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông, lãnh đạo Đội quán triệt tới tất cả các cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ kiểm tra phải nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn, khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh. Tại đây, mỗi cán bộ CSGT đều sử dụng phương tiện kiểm tra nồng độ cồn trong khí thở sử dụng một ống thổi riêng, chưa qua sử dụng, đã được tiệt trùng và đeo khẩu trang phòng tránh bệnh. Ngoài ra, Đội cũng bố trí để đảm bảo thiết bị kiểm tra nồng độ cồn được cầm và sử dụng bởi riêng một CSGT trong mỗi ca làm việc (để tránh lây chéo).

Ngừng thổi nồng độ cồn, cũng chính là ngừng ngăn chặn và xử lý các vụ tai nạn được báo trước do “ma men” gây ra, Thiếu tá Đặng Hồng Giang - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho biết. Do đó, cần thấy rằng việc tuyên truyền đến người tham gia giao thông đã bước đầu hiệu quả, người uống bia rượu đã hạn chế điều khiển phương tiện, giao thông thành phố thời gian qua đã được cải thiện rõ rệt. 

Thiếu tá Giang khẳng định về lâu dài, lực lượng CSGT xác định xử lý người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện là nhiệm vụ trường kỳ. Đây là điều kiện quan trọng để tình hình an toàn giao thông đi vào nề nếp, triệt để.

Đánh giá ý thức “thượng tôn pháp luật” của người tham gia giao thông đã chuyển biến tích cực sau hàng loạt chuyên đề về nồng độ cồn, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông TP cho rằng đó là nhờ sự đồng thuận rất lớn của cả người dân và nỗ lực của lực lượng CSGT. Trong thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết, mạnh tay kết hợp với tuyên truyền, vận động tích cực để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, từ đó phòng chống hiệu quả vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

 

Văn Bảo
Nguồn KD&PL

Bạn đang đọc bài viết "Cảnh sát giao thông - Công an TP Hà Nội: Đảm bảo việc phòng, chống lây nhiễm Covid-19 khi kiểm tra nồng độ cồn" tại chuyên mục Giới thiệu Doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.