Đây là xe chuyên dụng có hệ thống thiết bị khử khuẩn tốt, kỹ thuật số hiện đại, đọc phim tự động và có khả năng phát hiện bệnh phổi và những vấn đề liên quan đường hô hấp ở mức cao, rất thuận tiện giúp các nhân viên y tế xử lý các vấn đề phát sinh tại chỗ, từ đó phát hiện những tổn thương sớm để có phương án điều trị hiệu quả nhất cho người dân.
Đích thân PGS.TS. BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương (đồng thời là Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao Quốc gia Việt Nam) đã trực tiếp về xã Sơn Lôi trao những món quà tình nghĩa này. Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Trung ương còn hỗ trợ cho người dân xã Sơn Lôi xe cứu thương, nhiều áp phích hướng dẫn người dân thực hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do COVID-19 gây ra cùng nhiều, vật tư y tế như khẩu trang hô hấp, khẩu trang y tế, bảo hộ y tế, thuốc sát khuẩn...
Đây không chỉ là những hành động thiết thực nhằm chung tay, góp sức cùng tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Bình Xuyên nói riêng phòng chống, ngăn chặn COVID-19 lây lan rộng mà còn là thể hiện khát vọng của PGS Nguyễn Viết Nhung và các bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương mong muốn từ cuộc chiến chống dịch COVID-19, mọi người chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng chống bệnh lao. Bởi theo ông, hiện nay, số người tử vong do mắc bệnh lao còn cao hơn nhiều số người tử vong do tai nạn giao thông. Bệnh lao là bệnh lây, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng chống lao cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Tiến sĩ Tereza Kasaeva - Giám đốc Chương trình chống Lao Toàn cầu thăm và làm việc với Chương trình Chống lao quốc gia
Đối với COVID-19, mới có 16 ca bệnh, chúng ta đã phải đóng cửa các trường học và gây ra sự xáo trộn rất lớn trong xã hội, cả về tích cực (như mỗi người dân có thêm ý thức về phòng chống bệnh truyền nhiễm) và tiêu cực (như sự khủng hoảng về khẩu trang và nước rửa tay…). Còn bệnh lao có đến 170 nghìn người mắc và đến 13 nghìn người tử vong do lao, bao gồm cả lao HIV trong một năm, không chỉ xảy ra ở một vài nơi như TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thanh Hóa hay Vĩnh Phúc mà trong tất cả các ngóc ngách của mọi gia đình (gia đình lớn) trên cả nước.
Bác sĩ Nhung nhấn mạnh, bệnh lao đã kéo dài gần 140 năm kể từ khi phát hiện ra nguyên nhân là do vi khuẩn. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao thì tử vong ngay mà bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Bệnh khi dẫn đến tử vong thì đã lây sang không biết bao nhiêu người khác.
Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi.
Thực ra, trước đây, người ta đã từng nói đến bệnh lao nhưng là nói đến theo hướng “bó tay.com”. Là vì đây được coi là một trong những bệnh “tứ chứng nan y”, rất hiếm thuốc chữa. Ai bị bệnh lao thường được coi như sẽ cầm chắc cái chết trong tay. Đằng nào cũng chết nên người ta phải giấu. Vì thế nên lao để lại nhiều hậu quả rất thương tâm. Gia đình có người bị lao thì con cái rất khó lấy chồng, không ai dám đến. Chính sự kỳ thị mặc cảm ấy đã làm cho bệnh lao trường tồn gần 1,5 thế kỷ qua.
Ngay đầu và trong thời gian dài, bệnh lao chỉ được phát hiện bằng phương pháp soi đờm trực tiếp trên kính hiển vi. Tuy nhiên, kính hiển vi chỉ có thể phát hiện bệnh khi có trên 5.000 vi khuẩn lao trong 1 ml, nghĩa là khi đã quá muộn đối với nhiều trường hợp mắc lao vì độ nhạy của kỹ thuật này chỉ đạt từ khoảng 40%. Vì vậy, chúng ta bỏ sót rất nhiều người bệnh.
Mặt khác, để biết vi khuẩn lao có kháng thuốc hay không, phải nuôi cấy và làm kháng sinh đồ với thời gian kéo dài từ 2 đến 3 tháng, không đáp ứng được cho các thầy thuốc chỉ định điều trị phác đồ thích hợp. Đến nay, mọi sự đổi thay, nâng trình độ và điều kiện chẩn đoán và điều trị bệnh lao lên một bước mang tính đột phá. Kỹ thuật Xpert đã có thể phát hiện vi khuẩn lao và xác định lao kháng thuốc chỉ trong 2 giờ đồng hồ với độ nhạy lên đến 90%. Các thuốc chống lao cũng đã mang lại những phác đồ mới, rút ngắn thời gian điều trị hơn và hiệu quả cao hơn, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Để có thể phát hiện được nhiều số người mắc lao, Chương trình đang áp dụng chiến lược 2X, tức là X quang để sàng lọc phát hiện những trường hợp nghi lao và Xpert để xác định vi khuẩn lao một cách chủ động. Các xe X quang di động có thể đi tới các miền xa, vùng nông thôn, miền núi để bà con có thể tiếp cận với công nghệ mới. Các điểm đặt máy Xpert cũng trải khắp cả nước với trên 200 điểm từ trung ương đến huyện với cơ chế vận chuyển mẫu xét nghiệm sẽ làm tăng tiếp cận của mọi người dân đến với chương trình Quốc gia. Sau khi được chẩn đoán sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao, bất kể thể lao nào, kể cả lao đa kháng và lao siêu kháng.
Nói về con số tử vong do lao, ông Nhung giải thích, chủ yếu, những người tử vong là do chưa được phát hiện và điều trị. Hiện nay, Chương trình điều trị cho cả nước hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, và tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ là hơn 3.000 người bệnh mà thôi. Vậy làm thế nào để mọi người khi mắc bệnh đều được phát hiện và điều trị để xóa đi nguồn lây chính là chìa khóa để chấm dứt bệnh lao? Để làm việc đó, phải có sự vào cuộc của các cấp các ngành và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân, không kỳ thị mặc cảm mà chủ động tham gia phát hiện bệnh khi có triệu chứng.
Chúng ta đã có Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, được chính thức thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, điều phối các bộ, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống bệnh lao nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Chúng ta đã có Chương trình Chống lao quốc gia, với mạng lưới rộng khắp trên toàn quốc mà nòng cốt là Bệnh viện Phổi Trung ương, có Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB).
Tất cả những điều kiện nói trên có thể cung cấp các dịch vụ phòng chống lao miễn phí mà người bệnh có thể dễ dàng tiếp cận. Ông Nhung ví đó như một bàn tay, bàn tay còn lại là người dân, là cộng đồng, là những con người cụ thể sử dụng những dịch vụ ấy. Hai bàn tay này phải gặp nhau mới tạo nên tiếng vỗ và khi ấy thì hiệu quả phòng chống bệnh lao mới đạt cao nhất. Tuy nhiên, đến giờ phút này, giữa hai bàn tay vẫn còn khoảng trống rất lớn.
Theo ước tính mới nhất của ngành y tế, trong khoảng 160-170 nghìn người mắc lao mới/năm, hiện chúng ta mới phát hiện được khoảng 100 nghìn người. Số còn lại 70 nghìn người chưa được phát hiện. Nếu tính một cách đầy đủ, còn có khoảng 20 nghìn người mắc lao tuy đã được phát hiện và đang được chữa chạy ở đâu đó nhưng không báo cáo về Chương trình. Vậy tổng cộng số người mắc lao mới chưa được phát hiện hàng năm là 50 nghìn ca (chính từ số này mà hiện vẫn còn gây ra 13 nghìn người mắc lao tử vong /năm).
Theo ông Nhung, nếu tìm cách hạ xuống chỉ còn 10 nghìn mắc lao mới/năm mà chưa được phát hiện thôi thì chúng ta sẽ thanh toán sớm được căn bệnh này. Muốn vậy, một mặt chúng ta phải có một đội ngũ bác sĩ niềm nở, giỏi giang, tận tình, một mặt xã hội không nên kỳ thị người mắc bệnh lao. Như đã nói ở trên, bệnh lao không di truyền, không lây nhiễm và hoàn toàn có thể chữa khỏi khi được phát hiện sớm và sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị. Do vậy, theo ông Nhung, phải coi các bệnh nhân mắc lao như là những chiến binh đi đầu trong cuộc chiến loại trừ bệnh lao. Chúng ta là hậu phương, thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến”. Họ chiến thắng thì cả cộng đồng này chiến thắng.
Trong cuộc chiến này, một lực lượng vô cùng quan trọng là người phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình Phòng chống lao Quốc gia Việt Nam đặt ra chỉ tiêu là làm sao để ít nhất có 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Được như vậy thì chúng ta đã thành công lắm rồi, theo ông Nhung. Hội Phổi Việt Nam vừa thành lập Chi hội Phụ nữ và, đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam trong toàn quốc.
“Phải biến cái họa COVID-19 thành cơ hội thúc đẩy tiến trình thanh toán bệnh lao trên đất nước ta. Đó không chỉ là khẩu hiệu mà phải là hành động, của không chỉ những y, bác sĩ mà của mỗi người dân trong toàn xã hội, ngay từ bây giờ. Đây là hành động thiết thực để chào mừng các thầy thuốc chúng tôi nhân ngày 27/2 đang về…”, ông Nhung tâm sự.