Theo Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam Bộ, ngay sau Tết Nguyên đán và nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát, giá gà lông trắng (gà công nghiệp) tại khu vực Đông Nam Bộ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, chỉ đạt khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg. Tính ra mỗi kg gà xuất bán, người chăn nuôi lỗ khoảng 10.000 - 15.000 đồng tuỳ mô hình chăn nuôi.
Với khoảng 450.000 con gà công nghiệp bán ra thị trường mỗi ngày, người chăn nuôi tại các tỉnh Đông Nam Bộ lỗ 12-16 tỉ đồng/ngày vì giá bán quá rẻ.
Giá gà công nghiệp chỉ ở mức 9.000-12.000đ/kg, người chăn nuôi đang lỗ từ 10.000-15.000đ mỗi kg xuất bán.
Ông Trịnh Bá Phương ở xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, từ khi đàn lợn của gia đình bị thiệt hại bởi dịch tả lợn châu Phi, gia đình ông đã chuyển qua nuôi vịt trắng và đến nay đã xuất bán 3 lứa vịt, nhưng lứa nào cũng lỗ vì giá bán chỉ đạt bình quân hơn 22.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất đã hơn 33.000 đồng/kg. Với 6.000 con vịt đã bán ra, ông Phương bị lỗ hơn 60 triệu đồng.
Tương tự, gia đình ông Út Hồng ở Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2019 gia đình ông nuôi được 15.000 con gà ta thả vườn, với hy vọng bán vào dịp Tết và Rằm tháng giêng, lấy tiền trang trải ăn học cho con. Thế nhưng, từ sau Tết giá gà bất ngờ giảm mạnh, bán cả đàn gà gia đình ông lỗ hơn 300 triệu đồng.
“Giá thành nuôi đã 45.000 đồng/kg rồi, nhưng bán chỉ được 40.000 đồng. Cứ bán 1.000 con gà tôi lỗ từ 20 - 30 triệu đồng”, ông Út Hồng buồn rầu chia sẻ.
Không riêng gì hộ chăn nuôi nhà ông Út Hồng, hàng chục hộ chăn nuôi gà ta thả vườn tại Bàu Tre (Long Thành – Đồng Nai) cũng trong tình cảnh không có đầu ra, khi giá gà ta đã giảm xuống 40.000 đồng nhưng thương lái vẫn lắc đầu không mua.
Tuy nhiên, theo ông Út Hồng, những người nuôi gà ta thả vườn như ông còn đỡ. Những hộ nuôi gà công nghiệp mức lỗ còn thê thảm hơn. Gà lông trắng hiện giờ chỉ bán được với giá 11.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi đã lên đến 23.000 đồng/kg, có nơi còn cao hơn.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh này đã lên tới hơn 30 triệu con - cao nhất từ trước tới nay, trong đó có khoảng 28 triệu con là gà, vịt. Sở dĩ giá gia cầm giảm mạnh là do nguồn cung tăng cao, trong khi dịch Covid-19 kéo dài khiến các trường học, bếp ăn tập thể ngừng hoạt động; các nhà máy, khu công nghiệp cũng hoạt động cầm chừng dẫn tới nhu cầu tiêu thụ gà, vịt giảm mạnh.
Đáng chú ý là mặc dù giá gà, vịt, ngan trong nước đều đang giảm sâu, người chăn nuôi tiêu thụ khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19 thì lượng thịt gia cầm và các sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu về trong hơn 3 tháng đầu năm đã lên tới hơn 78.376 tấn, tăng 150% so với cùng kì năm 2019,
Theo Cục Thú y, lượng thịt gia cầm nhập chủ yếu từ các nước Hoa Kì 65,09%, Hàn Quốc 14,07%, Brazil 9,90%, Ba Lan 3,56%, Hà Lan 4,44%, Liên bang Nga rất ít, chỉ khoảng 0,35%... Năm 2019, tổng sản lượng thịt gia cầm nhập khẩu về Việt Nam là hơn 144.330 tấn, cũng tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2018.
"Năm 2019, khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, chúng tôi được ngành nông nghiệp khuyến khích tăng đàn để bù vào lượng thịt heo thiếu hụt do dịch bệnh. Khi gia cầm tăng đàn, các cơ quan chức năng bỏ mặc cho giá gia cầm ở dưới giá thành rồi tiếp tục mở cửa cho gà nhập khẩu tràn về. Đáng ra, lúc này Nhà nước cần tăng cường nhập khẩu thịt heo và kêu gọi người dân tăng ăn gia cầm để hạ giá thịt heo. Nếu nhập khẩu thịt gà tiếp tục tăng thế này thì người chăn nuôi gia cầm không chết mới lạ?". Đại diện Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Đông Nam Bộ đặt vấn đề.
Theo Enternews