Các giám tuyển trao đổi hướng dẫn nghệ sĩ trẻ. Ảnh: VCCA.
Chương trình được khởi động chưa lâu, từ đầu năm 2019 nhưng thành quả nghệ thuật qua triển lãm “Ươm” và “Toả 3” đã khiến công chúng phải bất ngờ.
Bản thân các nghệ sĩ trẻ tham gia không chỉ được đào sâu mà còn được trải nghiệm về những hình thức sáng tác mà bản thân chưa từng thực hiện.
Cảm hứng cho nghệ sĩ trẻ
Sau gần 1 năm tham gia chương trình, triển lãm “Ươm” của các nghệ sĩ Đoàn Văn Tới, Hà Thúy Hằng và Châu Lê Hoàng Gia được diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA). Đây là 3 gương mặt trẻ tuổi và giàu tiềm năng thuộc thế hệ mới của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Tác phẩm “Cánh đồng” có kích thước lớn nhất trong triển lãm (3 x 12m) của nghệ sĩ Đoàn Văn Tới. Anh cho biết, tác phẩm lấy cảm hứng từ những cánh đồng sau thu hoạch trong ký ức tuổi thơ với không gian rộng mở và sinh động. Chất chứa trong ký ức đẹp đó là nỗi niềm đầy ưu tư của nghệ sĩ khi đối diện với thực tế khung cảnh thôn quê đang dần biến mất trước tác động đô thị hóa.
Tác phẩm đã kết hợp một cách khéo léo giữa sơn dầu với đất, đá, cát, mùn cưa, thuỷ tinh, tro - những hỗn hợp dễ kiếm trong đô thị. Điều nghệ sĩ mong muốn là phần nào đưa thực tại xã hội hiện diện trên mặt toan vẽ.
Trước triển lãm, công chúng biết rất ít về nghệ sĩ trẻ sinh năm 1989 này. Thông qua tác phẩm, sự định hình phong cách sáng tác đĩnh đạc có phần già dặn của Đoàn Văn Tới, đã không chỉ một lần khiến người xem lầm tưởng anh là người đã có tuổi.
Cũng giống vậy, nghệ sĩ Hà Thúy Hằng sinh năm 1989 tốt nghiệp chuyên ngành Âm nhạc học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2014. Với tác phẩm sắp đặt tương tác video/âm thanh lấy cảm hứng từ những rung cảm chậm rãi mà tinh tế trong âm nhạc truyền thống, với tên gọi “Những rung động chậm”.
Sự tài tình của Hà Thúy Hằng thể hiện qua việc tạo ra sự đối thoại, gắn kết cho kênh tiếng và kênh hình - những yếu tố vốn tồn tại độc lập trong tổng thể tác phẩm. Từ đó, khán giả sẽ chủ động tương tác với tác phẩm để có những cảm nhận của riêng mình.
“Sau khi nghe các buổi talk, tôi được truyền cảm hứng từ những nghệ sĩ đi trước. Họ dám làm những thứ họ suy nghĩ, kể cả những thứ tưởng như ngớ ngẩn, điên rồ, hoặc rất mơ hồ. Và tôi cũng nhận thấy nghệ thuật là một thế giới mênh mông không có giới hạn sáng tạo. Điều quan trọng là mình dám đi với những gì mình yêu thích”, Hà Thuý Hằng chia sẻ.
Thông qua các bức tranh “Trên khe cửa”, “Hành lang”, “Căn phòng”, “Ô cửa” sử dụng than, lá cây hay tác phẩm sắp đặt “Chông chênh” làm từ gỗ. Nghệ sĩ Châu Lê Hoàng Gia cho biết, anh cố gắng đào sâu vào ý nghĩa của những chất liệu gần gũi và có liên hệ mật thiết với đời sống cá nhân. Đó là cách để ghi chép lại những suy nghĩ về sự hiện diện của bản thân trong những không gian từng sinh sống.
Suốt quá trình tham gia trải nghiệm, nghệ sĩ Châu Lê Hoàng Gia nghiên cứu và khám phá các chất liệu khác nhau trong thực hành sáng tác nghệ thuật trong đó có video art, điêu khắc, trực họa... Anh cũng chia sẻ mối quan tâm về cách xử lý, biến đổi vật liệu cũng như cách kết hợp các ngôn ngữ - loại hình nghệ thuật khác nhau trong quá trình xây dựng tác phẩm.
Nghệ thuật không giới hạn
Trong triển lãm “Toả 3” diễn ra vào đầu năm 2020, công chúng được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc, từ phút lặng lẽ trước sự đổi thay của cuộc sống, tới sự giằng xé giữa sống và chết. Những suy tư rất đời thường do các nghệ sĩ trẻ đem lại từ hơn 50 tác phẩm, được chọn lựa kỹ càng bởi 2 giám tuyển là Mizuki Endo và nhà nghiên cứu nghệ thuật Đỗ Tường Linh.
Công chúng bất giác thấy nhỏ bé khi đứng trước tác phẩm điêu khắc “Apollo và Tô” cao 5m của nghệ sĩ Nguyễn Đình Phương. Bức tượng làm bằng xốp và đất sét, được đặt ở trung tâm của triển lãm, khiến ai cũng không khỏi suy tư trước những đường nét cắt gọt một cách tinh tế.
Suốt dọc dài triển lãm, người xem không chỉ giới hạn mình trong nghệ thuật của người Việt, mà còn được chiêm ngưỡng tác phẩm của những nghệ sĩ nước ngoài đang sống và làm việc tại Hà Nội. Từ đó, những giao thoa văn hoá, quan niệm sáng tác lẫn phương cách sáng tạo như tổng hoà giúp cho các nghệ sĩ đào sâu hơn những gì đang khám phá.
Từ khi chương trình được khởi động, VCCA đã tổ chức chuỗi các workshop/tham quan xưởng sáng tác và gặp gỡ, trao đổi chuyên đề với các nghệ sĩ đương đại uy tín.
Giám tuyển trong nước cũng như quốc tế, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật dành riêng cho các nghệ sĩ tham gia chương trình. Những tên tuổi nổi tiếng có mặt trong dự án như: Hoạ sĩ - nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quang Đức, PGS.TS. Dân tộc học Nguyễn Văn Huy, nghệ sĩ thị giác Trương Tân, Nguyễn Trần Ưu Đàm, giám tuyển độc lập Đỗ Tường Linh, Giám đốc nghệ thuật VCCA Mizuki Endo, nghệ sĩ Chiharu Shiota và giám tuyển Mami Kataoka (Phó Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Mori, Tokyo – Nhật Bản).
Các hoạt động này phần nào giúp các nghệ sĩ trẻ tiếp cận với những nguồn kiến thức đa dạng, khái quát về lịch sử, nền văn hóa bản địa. Các nghệ sĩ cũng được hướng dẫn xem tổng quan khung cảnh nghệ thuật Việt Nam cũng như thế giới, cùng thảo luận về một số vấn đề, mối quan tâm trong thực hành nghệ thuật đương đại.
“Tôi nghĩ rằng việc thành công ở tầm quốc tế có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Quan trọng hơn thế, mỗi nghệ sĩ sẽ tiếp tục công việc sáng tạo tác phẩm và khám phá quan niệm của mình dựa trên đam mê và nhu cầu. Sự nổi tiếng hay thành công chỉ là hệ quả của những nỗ lực liên tục trong việc theo đuổi nghệ thuật một cách nghiêm túc” – TS. Mizuki Endo - Giám đốc nghệ thuật VCCA.