Bánh mì xíu mại
Bánh mì xíu mại đơn giản là một chén nước dùng trong veo với một ít váng mỡ cho cảm giác béo ngậy, vài cọng hành xanh bắt mắt. Trong không khí se lạnh của tiết trời Đà Lạt, thử qua một chén xíu mại sẽ làm bạn khó quên.
Hầu hết xíu mại Đà Lạt được làm từ thịt quết khéo nên có độ dẻo dai vừa đủ, nêm nếm cũng vừa phải nên hương vị nhẹ nhàng. Nước xíu mại là nước dùng ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một chút hành lá cắt nhuyễn, khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị.
Khi dùng xíu mại với bánh mì, thường người ta sẽ cho thêm một chút sa tế để tạo màu và vị cay cay. Thực khách có thể dùng kèm thêm chút giá, ngò hay tép mỡ phi giòn, bỏ vào chén khi còn nóng cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất thơm.
Nem nướng Đà Lạt
Một trong số những món ăn khi đến Đà Lạt nhất định phải thử, và nếu đã thử thì nhất định sẽ tìm đến lần thứ hai, đó là nem nướng. Thông thường, nghe đến nem, người ta nghĩ đến thịt chua, nhưng, với nem Đà Lạt thì không!
Nem nướng Đà Lạt được làm từ loại thịt heo chọn lọc kỹ, xay nhuyễn, nêm nếm gia vị cùng hành tỏi, buộc người làm phải đi qua một công đoạn là quết bằng tay để tạo độ dai cho món ăn.
Ăn kèm với món nem nướng Đà Lạt gồm bánh tráng chiên giòn, củ quả ngâm chua và nước chấm. Củ quả ngâm chua gồm cà rốt, củ cải trắng, hành tím và dưa leo ngâm dầu giấm, tạo độ chua ngọt nhất định cho món ăn, khiến thực khách không cảm thấy nhàm chán hay ớn ngấy.
Đây chính là những thứ tạo nên sự khác biệt cho nem nướng Đà Lạt với những nơi khác.
Bánh tráng nướng (“Pizza Việt Nam”)
Bánh tráng nướng ở Đà Lạt thơm ngon, hấp dẫn lại có hình thức giống pizza nên được du khách nước ngoài ví như bánh “pizza của người Việt” vậy.
Sở dĩ những chiếc bánh tráng nướng được coi là “pizza” của Việt Nam bởi hình thức và các nguyên liệu phủ lên bánh khá giống những chiếc pizza đến từ nước Ý xa xôi. Còn nét khác biệt rõ rệt nhất chính là phần đế bánh. Chiếc “pizza Việt” có phần đế chính là những chiếc bánh tráng giản dị, mỏng tang. Bánh được đặt lên những vỉ than hồng, đỏ rực rồi quết trứng, rắc các nguyên liệu lên. Đó có thể là ruốc, pate, phô mai, pho mát, thậm chí là bơ, hành, thịt các loại… nói chung tất cả các nguyên liệu mà thực khách yêu cầu.
Bánh tráng nướng không thể tìm thấy trong các nhà hàng sang trọng, chỉ khi dạo bước quanh Hồ Xuân Hương, hay chịu khó thăm thú các chợ đêm Đà Lạt, hẻm nhỏ mới có thể tìm ăn bánh tráng nướng Đà Lạt. Món bánh tráng nướng này cũng chỉ thường được bán sau 3 giờ chiều, khi ấy Đà Lạt lạnh, ẩm thực Đà Lạt cũng mới trở nên hấp dẫn nhất.
Hồng giòn Đà Lạt
Trước kia, hồng chỉ thường được để chín, làm mứt hoặc sấy khô nhưng đến những năm gần đây, hồng giòn mới thật đưa thương hiệu hồng Đà Lạt vang xa. Thay vì để quả mọng đỏ, người ta thu hoạch hồng già sớm hơn một chút. Dù là hồng đầu bằng hay hồng trứng lốc đều được lựa kỹ càng, chọn riêng những quả lành lặn. Sau đó, hồng được đem ủ giòn.
Hồng giòn – đặc sản Lâm Đồng – ăn lâu chán, cứ miếng ra miếng vào cả ngày mà dễ thành nghiện. Vừa ngon lại có tác dụng chữa bệnh trong đông y nên hồng giòn được du khách ưa thích vừa mua làm quà, vừa để ăn vặt khi thăm thú thành phố ngàn hoa.
Bạn có thể đặt mua hồng giòn, hồng sấy, hồng treo và một số đặc sản khác của Đà Lạt như dâu tây, atiso, cafe nguyên chất Arabica Cầu Đất, … tại Airdalat.com với sản phẩm sạch, uy tín, đảm bảo chất lượng tốt nhất, freeship nội thành Đà Lạt.
Dâu tây Đà Lạt
Dâu tây là món quà đặc sản của Đà Lạt sản xuất ra bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Loại quả này có hình dáng đẹp, lại chứa nhiều chất bổ hơn cả cà chua, quả kiwi, hay hoa lơ xanh nên được các chị em rất ưa thích.
Ghé qua Đà Lạt, vào vườn tự tay chọn dâu thì khó mà kiềm lòng không cầm mấy quả mọng đỏ cứ thế cắn để nghe vị chua chua ngọt ngọt, thơm thơm lan tỏa và thú vị khi thấy hạt dâu lạo xạo rất thực trong khoang miệng. Ngoài ra, mứt dâu tây nước, dâu tây sấy, mứt dâu tây khô, dâu tây sữa… chế biến sẵn cũng là sự lựa chọn quà tặng hoàn hảo sau chuyến đi về núi.