Nhắc tới nhà thơ Quang Dũng, người đọc nhớ ngay đến bài thơ “Tây Tiến” nổi tiếng. Ngoài thi phẩm trên, ông còn có một cuốn hồi ký mang tên “Đoàn binh Tây Tiến”, tái hiện rõ nét hơn những năm tháng “vào sinh ra tử” cùng Trung đoàn Tây Tiến (tiền thân là Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào - Việt).
Tác phẩm này mới đây đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 3 chọn trao giải A. Đây là tác phẩm duy nhất trong 3 tác phẩm đoạt giải A mà tác giả đã qua đời.
Bà Bùi Phương Thảo (áo dài đỏ) - con gái nhà thơ Quang Dũng và đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng nhận giải A sách Quốc gia cho tác phẩm "Đoàn binh Tây Tiến".
Trao đổi với bà Bùi Phương Thảo - con gái của nhà thơ Quang Dũng. Bà Bùi Phương Thảo cũng là người đã đại diện gia đình đến nhận Giải thưởng Sách Quốc gia cho “Đoàn binh Tây Tiến” trong lễ trao giải diễn ra hôm 9/10 tại Hà Nội.
Cảm xúc của bà như thế nào khi tác phẩm “Đoàn binh Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng - bố của bà được trao giải A sách Quốc gia lần thứ 3?
Thật sự, gia đình chúng tôi rất vui sướng và hạnh phúc vì tác phẩm của bố tôi - nhà thơ Quang Dũng nhận được giải A Sách Quốc gia sau 68 năm ra đời. Tôi nghĩ, đây cũng là niềm an ủi lớn đối với vong linh bố tôi khi tác phẩm của ông được đánh giá cao và được nhiều người biết đến.
Cuốn sách được trình bày rất xinh xắn, giản dị, mộc mạc… giống như nội dung bên trong của nó. Lời văn của cha tôi trong cuốn sách này cũng rất mộc mạc, tự nhiên, dí dỏm và hài hước. Có lẽ, chính điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn riêng cho cuốn sách và cũng có thể đó là điểm nhấn tạo nên ấn tượng cho Hội đồng chấm giải thưởng Sách Quốc gia.
Lúc sinh thời, nhà thơ Quang Dũng có chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Đoàn binh Tây Tiến” cho các con nghe?
Đây cuốn hồi ký được bố tôi viết tay sau khi rời xa Trung đoàn Tây Tiến được 5 năm. Bản thân bố tôi cũng muốn in cuốn sách này ngay sau năm 1952 nhưng chắc có nhiều lý do khách quan và chủ quan mà cuốn sách sau đó vẫn chưa được in.
Cuốn sách "Đoàn binh Tây Tiến".
Hoàn cảnh ra đời của cuốn sách đúng như lời đầu tiên trong cuốn sách mà bố tôi đã viết gửi đến độc giả. Đó là cuộc sống rất sinh động của đoàn quân Tây Tiến được miêu tả lại dưới một văn phong rất dí dỏm, hóm hỉnh và gần gũi.
Tôi nghĩ rằng, thời đó, bố tôi viết hồi ký này nhằm muốn lưu lại để kể cho mọi người nghe về cảnh sinh hoạt của đội quân đầu tiên được thành lập sau toàn quốc kháng chiến. Khi được thành lập, đội quân đã đi vào vùng khó khăn nhất của Tây Bắc, họ đã rất nỗ lực để vận động - tuyên truyền đồng bào dân tộc thiểu số sát với biên giới Việt - Lào nghe theo bộ đội và đồng lòng với đoàn quân Tây Tiến.
Tôi mong muốn người đọc, nhất là các bạn trẻ, qua cuốn sách này, có thể cảm nhận được những gian lao của thế hệ cha ông, đã phải trải qua hơn 70 trước để giữ gìn bình yên cho đất nước. Cuốn sách không đơn thuần là tác phẩm văn học mà còn như một “nhân chứng lịch sử”. Nó có một nhiệm vụ rất cao cả, đó là lưu giữ những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc.
Bản gốc tác phẩm này đã được gia đình gìn giữ như thế nào trong suốt những năm qua?
Sau khi cha tôi mất, anh cả trong gia đình là Bùi Quang Vĩnh đã giữ di cảo này. Giữ theo cách bảo quản và giữ gìn cẩn trọng. Trước đó, mấy anh em tôi cũng có ý định xuất bản cuốn sách đúng dịp 30 năm ngày mất của bố tôi (1988-2018) nhưng sau đó ý định này không thành.
Một bức ảnh kỷ niệm của nhà thơ Quang Dũng.
Chúng tôi cũng có bảo với nhau, sau này có điều kiện sẽ xuất bản cuốn sách để giới thiệu cho mọi người biết thêm về một tác phẩm của nhà thơ Quang Dũng. Đây là tác phẩm viết dưới dạng hồi ký bằng văn xuôi vì bản thân bố tôi cũng viết hồi ký rất nhiều.
Sau khi hội ý và trao đổi, gia đình đã đồng ý cho Nhà xuất bản Kim Đồng biên tập lại bản thảo và phát hành cuốn hồi ký này. Cuốn sách rất mỏng mảnh và khiêm tốn, khiêm tốn tới mức khi đặt cạnh những tác phẩm đoạt giải A sách Quốc gia khác đều nhìn thấy rõ một khoảng cách, nhưng thực ra, cuốn sách đúng với tính cách của bố tôi đó là một con người rất mộc mạc, hồn nhiên…
Bà nghĩ gì về Giải thưởng Sách Quốc gia, đặc biệt là việc trân trọng những tác phẩm của những người đã khuất?
Tôi nghĩ, Giải thưởng Sách Quốc gia đã tạo nên nhiều năng lượng sáng tác cho các tác giả. Có thể coi đó là cái đích để các tác giả phấn đấu và tìm ra đề tài sát với thực tế.
Nhất là ở thời điểm này, công nghệ thông tin, báo chí truyền thông bùng nổ rất mạnh mẽ, lấn át luôn cả báo giấy và sách. Sách và báo giấy đã không còn là độc quyền.
Cho nên sự cạnh tranh về nội dung, hình thức… của các tác giả - tác phẩm được nâng lên rất nhiều về tính chuyên môn khi có giải thưởng này. Các cuốn sách, bộ sách được đề cử tham gia dự giải hoặc sách được chọn trao giải đều nhận được sự động viên rất lớn.
Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin.