Tiếng trống - hồn của làng
Làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là một trong những làng nghề nổi tiếng cả nước bởi truyền thống làm trống có từ hàng nghìn năm nay. Cứ mỗi dịp hội làng, cũng là ngày giỗ tổ nghề 17-4 âm lịch hằng năm, những đứa trẻ chúng tôi luôn háo hức cùng gia đình, dòng họ dâng lễ ngoài đình lên các bậc khai thành.
Từ năm lên bảy, tôi đã được nghe kể về ông tổ nghề trống Đọi Tam của làng, đó là hai cụ Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Vào năm 986, Vua Lê Đại Hành về làng tôi làm lễ Tịch điền. Để cổ vũ vua cày ruộng làm lễ, hai cụ khi ấy đã nghĩ ra cách làm một chiếc trống to để đánh, tiếng trống vang rền cả cánh đồng. Cũng bởi thế mà về sau dân làng tôn hai cụ là “Trạng Sấm” và đời nối đời thờ bái trang trọng tại đình làng.
Lăng mộ thờ ông tổ làng trống Đọi Tam nằm ở chân núi đá Đọi Sơn. (Ảnh minh họa nguồn Internet)
Những đứa trẻ ở làng Đọi Tam chúng tôi lớn lên cùng tiếng trống, được nghe tiếng trống từ thuở còn trong bụng mẹ, ăn cùng trống, chơi cùng trống, ngủ cùng trống. Khi trưởng thành, có cơ hội đi đây đi đó, người dựng vợ người gả chồng thì tiếng trống, hình ảnh về trống cũng vẫn còn theo. Con trai nối nghiệp của cha tiếp tục phát triển nghề làm trống.
Con gái theo tục lệ của làng không được truyền nghề thì khi đó tiếng trống lại như tiếng lòng, tiếng gọi của quê hương vừa nhắc nhớ vừa giục giã mỗi người hướng về. Tục xưa là thế, ngày nay cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nếp nghĩ của con người cũng theo đó mà cởi mở hơn. Không phân biệt trai, gái, dâu, rể, cứ là người Đọi Tam, có tình yêu và đam mê với nghề trống, muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của cha ông thì đều có cơ hội được học, được truyền dạy nghề.
Thời cụ tôi, ông tôi, công việc làm trống gắn bó với người làng Đọi Tam chỉ như một nghề phụ, được người dân tận dụng lúc nông nhàn nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khi ấy, những người thợ trống lành nghề của làng vẫn thường rong ruổi khắp các làng trên xóm dưới để làm trống hoặc sửa trống cho các làng khác. Đến thời bố tôi tới nay, sự phát triển và mở rộng của làng nghề làm trống Đọi Tam đã tiến thêm một bước, bắt kịp đà phát triển của xã hội.
Bên cạnh việc làm trống, người làng Đọi Tam đã biết vận dụng sáng tạo kỹ thuật làm trống truyền thống của cổ nhân để ứng dụng vào mở rộng sản xuất nhiều mặt hàng khác nhau, phục vụ nhu cầu thiết yếu của thị trường và phát triển kinh tế của địa phương, như làm bồn tắm, bồn ngâm chân, làm thùng chứa gạo, vỏ thùng rượu,...
Cứ thế trống gắn bó với người dân làng tôi trải qua những thăng trầm của lịch sử, chứng kiến lớp lớp người trưởng thành từ làng. Với tôi, hình ảnh chiếc trống Đọi Tam đã gắn liền với tuổi thơ bên gia đình. Thuở ấy, nghề làm trống còn cực lắm. Tất cả các công đoạn để tạo ra một chiếc trống Đọi (làm da, làm tang, vào tang, bưng trống) đều dùng đến sức lực của người thợ mà chưa có bất kỳ máy móc nào hỗ trợ như hiện nay.
Tôi còn nhớ như in những ngày nắng, hình ảnh của ông và bố tôi lưng trần, mồ hôi túa ra như tắm suốt 2 tiếng đồng hồ để làm sạch và căng xong một tấm da trâu vào khung phơi. Nhờ trời được nắng thì may nhưng hễ vào hôm ít nắng thì bố tôi phải đốt củi sấy rất lâu.
Đôi mắt người thợ đỏ hoe, cay sè vì phải canh lửa. Lại có những hôm, bố bưng trống, thoạt nhìn từ ngoài tưởng như đang nhảy múa trên bề mặt tấm da trâu đang căng nhưng thật ra đó là kỹ thuật của người thợ để căn chỉnh tạo ra âm thanh đạt yêu cầu. Công đoạn này đòi hỏi kỹ thuật cao nhất của người thợ, quyết định đến tiếng trống khi đánh ra đanh giòn hay vang rền, trầm ấm...
Quá trình này không thể dùng máy móc hay công cụ phụ trợ nào hỗ trợ, cũng không thể gấp gáp, tiết kiệm thời gian và sức lực để kéo diãn cho nhanh mặt trống. Làm như vậy không những không tạo ra được chất lượng âm thanh của trống như ý muốn mà còn có thể làm rách mặt trống trong quá trình bưng. Bởi thế, mỗi chiếc trống được làm ra là cả tâm huyết và kỹ thuật điêu luyện của những nghệ nhân - nghệ sĩ làng Đọi Tam.
Dù vất vả nhưng những người thợ như ông tôi, bố tôi vẫn luôn đầy nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm với nghề. Họ tỉ mỉ, trau chuốt trong từng công đoạn làm trống. Đời này truyền dạy cho đời sau các kỹ thuật và bí kíp của làng nghề. Thế hệ cha ông tôi thuở trước, con trai trong làng chỉ lên 10 là đã biết làm trống rồi. Có lẽ do tiếng trống đã hằn sâu vào tiềm thức mỗi người dân làng Đọi Tam từ tấm bé mà những người thợ nơi đây đều có khả năng thẩm âm tuyệt vời. Chỉ cần nghe tiếng trống một người thợ mới có thể đoán biết được có phải trống Đọi Tam hay không. Với người thợ lâu năm còn có thể nhận biết được công đoạn làm trống nào có vấn đề chỉ bằng việc nghe tiếng trống.
Lưu giữ giá trị văn hóa
Trống không chỉ là một sản phẩm của nghề thủ công truyền thống mà còn là một biểu tượng văn hóa của làng. Nếu như nghề làm trống gắn liền với tục “cha truyền con nối” thì văn hóa chơi trống, trình diễn trống Đọi của đội trống nữ ở làng lại là phát kiến độc nhất vô nhị chỉ ở làng Đọi Tam mới có.
Xuất phát từ sự am hiểu về trống, cộng thêm được tiếp xúc và làm ra những chiếc trống từ bé mà tình yêu với trống Đọi ngày một lớn dần, luôn chảy trong huyết quản mỗi người con nơi đây. Họ không những lưu giữ và phát triển nghề truyền thống mà còn xây dựng và duy trì được một đội biểu diễn trống nữ rất độc đáo và chuyên nghiệp.
Người thợ ghép tang trống. (Ảnh minh họa nguồn Internet)
Đội trống nữ của làng Đọi Tam được thành lập đầu năm 2004, bắt đầu từ một ý tưởng của vị trưởng thôn đầy nhiệt huyết - ông Đinh Văn Lương. Mục đích ban đầu là có được một đội hình chuyên nghiệp, tập trung, chuyên trách trình diễn phục vụ các lễ hội trong làng và khu vực lân cận. Một đội trống nữ đã hình thành và duy trì cho đến tận hôm nay với quy mô trên dưới 60 thành viên.
Khi mới thành lập, đội cũng có nam giới, song do tính chất biểu diễn mà dần dần chỉ còn phụ nữ tham gia. Sự xuất hiện của đội trống nữ giống như một luồng gió mới thổi vào làng Đọi. Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa mà còn là bến đỗ tinh thần cổ vũ, động viên, khích lệ không nhỏ đối với các chị em trong làng. Dì tôi cũng là một thành viên của đội trống nữ. Với dì, được tham gia tập luyện và đi biểu diễn cùng đội trống là một niềm vui và tự hào bởi đội giống như ngôi nhà thứ hai của chị em phụ nữ, vừa san sẻ buồn vui trong công việc vừa động viên nhau làm phong phú thêm cho cuộc sống của chính mình bằng nghệ thuật sau những mùa làm nông bận rộn.
Có lẽ là một cái duyên tiền định, song nếu được lý giải về sự tồn tại của một đội trống nữ biểu diễn thuần thục, truyền cảm trên chính những sản phẩm trống do thế hệ ông, cha, chồng, con trai mình tạo ra thì tôi nghĩ hẳn là sự kết hợp tuyệt vời. Đó chính là dấu ấn của văn hóa Á Đông, ưa thích cái hài hòa, cân bằng giữa âm và dương, giữa cương và nhu. Chiếc trống Đọi - một biểu tượng tinh thần cho sức mạnh và ý chí của người đàn ông hòa cùng với sự uyển chuyển, nhẹ nhàng trong biểu diễn của người phụ nữ để tạo ra nghệ thuật trình diễn trống đặc sắc ở làng Đọi Tam.
Trống không chỉ là sản phẩm gắn liền với nghề thủ công truyền thống mà còn gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần không của riêng người làng Đọi Tam tự hàng nghìn năm về trước, khi nó được ông tổ nghề làm ra. Trống nghĩa quân ra trận hào hùng, oai nghiêm. Trống hội làng rộn ràng, náo nức. Trống trường giục giã bước chân và ý chí các thế hệ trẻ tiếp bước cha ông.
Những đứa trẻ làng Đọi Tam thân thuộc với trống từ khi còn bé. (Ảnh minh họa nguồn Internet)
Nói vậy mới thấy, chúng ta lớn lên cùng tiếng trống hay chính là tiếng gọi, tiếng lòng của quê hương, đất nước, bên cạnh tiếng hát ru của bà, của mẹ. Để rồi mai này trưởng thành, mỗi lần nghe thấy tiếng trống đâu đây lại bồi hồi nhớ về tuổi thơ, khi cùng chúng bạn chen nhau xem hội làng, khi quần áo mới mẹ dắt tay đến trường những ngày đầu thu. Tiếng trống đã nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ và đi vào thơ ca, nhạc họa.
Dấu ấn của tôi về hình ảnh chiếc trống, tiếng trống còn mãnh liệt hơn thế. Bởi trống là quê hương, nhắc đến trống là nhắc đến làng Đọi Tam với những người dân nông thôn vùng chiêm trũng. Trong khó khăn vất vả người làng tôi đã gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống. Không chỉ vậy, họ còn luôn đau đáu với việc bảo tồn văn hóa làng nghề và không ngại dấn thân thử nghiệm với những mô hình kinh doanh mới như thương mại hóa các sản phẩm từ kỹ thuật làm trống.
Thế hệ trẻ của làng Đọi Tam hôm nay đã biết vận dụng những tri thức học được từ giảng đường đại học trở về phục vụ quê hương. Nghề làm trống nói riêng và làng nghề thủ công Đọi Tam nói chung ngày nay đã phát triển cơ khí hóa mạnh mẽ. Mong muốn chung của làng chính là có được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước để phát triển Đọi Tam trở thành một làng nghề du lịch văn hóa. Có như vậy mới tạo đủ thế và lực để phát triển bền vững làng nghề, lưu truyền nét đẹp văn hóa của quê hương.