Suy nghĩ từ vụ phá sản Wefit

16/05/2020 23:18

Công ty cổ phần công nghệ Onaclover (chủ sở hữu ứng dụng Wefit) đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vào cuối tháng 9 với lý do đã cạn vốn hoạt động. Vụ này tạo ra các hệ luỵ pháp lý như thế nào:

Quyền lợi của những người đã mua sẽ được giải quyết như thế nào?

Nhìn từ qui định của pháp luật phá sản Việt Nam, khách hàng của Wefit trong trường hợp này sẽ là chủ nợ không có bảo đảm của hãng này. Và trong thứ tự ưu tiên thanh toán, họ sẽ được xếp sau các chủ nợ có bảo đảm. Nhưng đó chỉ là cách nói mang tính “sách vở” thôi. Cần phải thấy với một số lượng khách hàng đồ sộ nhưng giá trị không cao (vài triệu đồng) tạo ra những khó khăn cho Toà án trong việc triệu tập Hội nghị chủ nợ. Và quan trọng là sẽ có rất ít khách hàng chỉ vài vài triệu đồng mà họ sẽ sẵn lòng tham gia vào một vụ phá sản với qui trình phức tạp vào kéo dài. Nói ngắn gọn là khả năng lớn họ sẽ bỏ khoản tiền này.

Tác động đến thương mại điện tử

Rõ ràng, đây là một ví dụ rất tệ về thương mại điện tử nói chung và mô hình kinh tế chia sẻ nói riêng. Sự sụp đổ của Wefit đã tác động tiêu cực đến cách nhìn nhận của người tiêu dùng về lĩnh vực này.

Một vài nhận xét

Tôi không có đủ thông tin để đánh giá liệu rằng có sự trục lợi của Wefit, mà chính xác hơn là từ những người sáng lập ứng dụng này (theo cách tương tự như WeWork) hay không. Nhưng rõ ràng, dưới tác động của Covid, việc các hãng có tiềm năng bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán là không hiếm. Nhìn từ góc độ của một người tư vấn M&A, tôi cho rằng đây là giai đoạn thú vị, nếu bạn có cách tiếp cận hợp lý. Cần phải thấy rằng bản chất của phá sản không bao giờ là chuyện “phanh thây” con nợ. Nó là quá trình đánh giá PHƯƠNG ÁN TỐI ƯU NHẤT trong việc thu hồi khoản nợ.

Phương án thanh lý doanh nghiệp luôn là phương án dễ nhất để tiến hành một vụ phá sản. Nhưng các thống kê về phá sản cho thấy, các chủ nợ thường chỉ nhận được khoảng dưới 10% cho khoản nợ của mình. Tại sao lại lựa chọn phương án này?

Phương án phục hồi thông thường là phương án thú vị và mang lại khả năng trả nợ cao. Luật sư và đội tài chính cần phải đánh giá việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là bởi sự thiếu hụt tạm thời dòng vốn hay bản chất là doanh nghiệp này đã “chết thật sự”. Nếu nó là quá trình thiếu hụt vốn tạm thời, thì chúc mừng, bạn đang có một cơ hội lớn. Hội nghị chủ nợ chính là cơ hội để bạn có thể take over con nợ với giá không thể bèo hơn. Cho nên, thủ tục phục hồi là đảo nợ, thay đổi chủ sở hữu, thay bộ máy quản trị, là tái cấu trúc. Chưa thấy được những điểm này, phá sản chỉ là một chuỗi của những trình tự và giấy tờ một cách buồn chán.

Theo DĐDN

Nguồn Link bài gốc https://enternews.vn/suy-nghi-tu-vu-pha-san-wefit-173270.html

Bạn đang đọc bài viết "Suy nghĩ từ vụ phá sản Wefit" tại chuyên mục SẢN PHẨM - DỊCH VỤ.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.