Nha Trang - Khánh Hòa: Nhiều vấn đề được đặt ra với công tác quản lý (1)

29/02/2020 12:00

Khánh Hòa là một tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển du lịch biển với khoảng 300 km bờ biển và hơn 200 hòn đảo lớn nhỏ. Đặc biệt, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa còn được xác định là đô thị du lịch quốc gia. Theo định hướng của quy hoạch chung, Nha Trang sẽ phát triển về phía Tây và phía Bắc.

Những công trình phát triển đô thị ở Nha Trang

Những năm gần đây, tuy gặp nhiều khó khăn, phải tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lụt, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của Nha Trang vẫn tiếp tục phát triển. Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Thành phố diễn ra nhanh chóng, diện mạo và hệ thống hạ tầng đô thị của Thành phố đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển khá toàn diện. Nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị mới đã góp phần làm đẹp thêm cho hình ảnh đô thị du lịch biển văn minh, thân thiện.

Tuy nhiên một số các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu chức năng vẫn còn nhiều bất cập bởi tốc độ đô thị hóa của TP Nha Trang đang diễn ra nhanh chóng, nên công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng theo đó mà gây ra nhiều hệ lụy. 

Các cơ sở khai thác đá tràn lan làm nham nhở các ngọn núi ở Khánh Hòa.

3Xe bồn chở bê tông mang nhãn hiệu Khánh Vĩnh thường xuyên gây ảnh hưởng TT AT GT.

Nếu khảo sát một vòng quanh thành phố Nha Trang, ai cũng có thể thấy rất nhiều ngọn núi nơi đây đang bị tàn phá nham nhở, tuy nhiên rất khó để nhận biết những nơi này đã và đang thực hiện dự án gì bởi lẽ thông tin quy hoạch về các dự án được duyệt hầu như không có. 

Theo quan sát của phóng viên thì ngay trên trục đường Nguyễn Tất Thành, đoạn đi qua địa phận xã Phước Đồng, cứ vài một đoạn lại mọc lên khoảng vài ba mái nhà cao thấp nằm áp lưng vào dãy núi còn hằn nguyên vết của máy xúc, máy đào và không tìm thấy bất cứ thông tin của dự án nào được công báo. 

Các Phương tiện vận tải đất đá từ núi Chín Khúc luôn choán hết đường dân sinh.

Vì thế nên việc xác định những hiện trạng nêu trên có phải là dự án hay không? Nếu là dự án thì thuộc loại dự án gì? Ai là chủ đầu tư? Thời hiệu của dự án thế nào? là rất khó khăn và đương nhiên khó có thể giám sát được việc thực thi của nó. 

Điều đáng nói ở đây là một số các dự án mà phóng viên tìm hiểu hiện vẫn chỉ nằm trên giấy, không có dấu hiệu của việc thi công xây dựng dự án nhưng các dự án này đều được UBND tỉnh Khánh Hòa ưu ái giao đất với thời hạn lâu dài (từ 40 đến 50 năm); không bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư khi không đảm bảo thời gian hoàn thành xây dựng dự án và thậm chí cũng được cho phép khai thác tận thu khoáng sản đất, đá làm VLXD nhưng không hề có Giấy phép khai thác khoáng sản (?).

Một dự án không bảng thông tin quy hoạch, xẻ núi và chỉ xây vỏn vẹn vài căn nhà không đồng bộ trên đường Nguyễn Tất Thành.
 

Các văn bản, hồ sơ dự án đầu tư xây dựng mà phóng viên thu thập được trong quá trình tác nghiệp cho thấy các dự án tại TP Nha Trang đa phần các chủ đầu tư sau khi được cấp Chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng đều được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hướng dẫn nộp Bản xác nhận đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản VLXD thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình, trình lên UBND tỉnh để thực hiện hoạt động khai thác tận thu khoáng sản trước khi thi công xây dựng dự án mà không cần phải có giấy phép khai thác khoáng sản (?). 

Xe bê tông Khánh Vĩnh làm ảnh hưởng tới khách du lịch tại nội đô TP Nha Trang.

Câu hỏi được đặt ra là: Trình tự giao đất thực hiện dự án và khảo sát khối lượng đất đá khi hạ cốt nền để thực hiện dự án hay khai thác tận thu khối lượng đất đá được dựa trên quy định nào? Cơ quan Nhà nước nào tham mưu đề xuất việc này? 

Với chức năng quản lý Nhà nước thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã hướng dẫn, thực hiện và quản lý như thế nào mà đến nay nhiều dự án chưa được triển khai thi công ngoài công tác hạ cốt nền và tận thu khai thác đất đá mang ra ngoài?

Bên cạnh đó, công tác tổ chức triển khai Đề án xây dựng “Đô thị văn minh - công dân thân thiện” và Đề án đảm bảo trật tự an toàn xã hội cho các hoạt động du lịch ở Nha Trang vẫn chưa giải quyết nên vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông, tình trang gây ảnh hưởng trật tự mỹ quan đô thị. 

Phóng viên Báo Kinh doanh và Pháp luật xin phản ánh tới bạn đọc một số hình ảnh về khai thác tài nguyên gây ảnh hưởng đến môi trường, giao thông và mỹ quan đô thị.

Thu Trung và Nhóm PVĐT

 

Nguồn KD&PL

Bạn đang đọc bài viết "Nha Trang - Khánh Hòa: Nhiều vấn đề được đặt ra với công tác quản lý (1)" tại chuyên mục VĂN HÓA - THÔNG TIN.

Cảm ơn bạn đã tìm hiểu những thông tin tham khảo về: Tin tức hoạt động nội bộ của Công ty Cổ phần Truyền thông Đời sống và Phát triển và thông tin về sản phẩm dịch vụ do Công ty phối hợp với đối tác, khách hàng giới thiệu trên Website http://propr.vn/ theo ĐKKD 0108933403 của Sở KH & ĐT Hà Nôi và Quy định tại Khoản 3, Điều 20, Nghị định số 72/2013/NĐ - CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ.