Ông đã để lại tấm gương sáng cho nhiều thế hệ học trò và được tôn xưng là “Vạn thế sư biểu” – Người thầy của muôn đời. Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục thế giới (UNESCO) đã có khuyến nghị tổ chức những hoạt động trong năm 2020 để kỷ niệm 650 năm mất của ông.
Người thầy của muôn đời
Thầy giáo Chu Văn An sinh năm 1292 ở thôn Văn nay thuộc xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông có tên tự Linh Triệt, tên hiệu Tiều Ẩn. Thủa nhỏ, ông ham thích đọc sách và tự học.
Khi trưởng thành, Chu Văn An mở trường dạy học tại quê nhà. Dưới triều vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), Chu Văn An được cử giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám - đứng đầu trường học cấp quốc gia đầu tiên dạy cho con em hoàng thân quốc thích. Chu Văn An đã trực tiếp giảng dạy cho hai vị vua khi còn là thái tử là Trần Vượng - sau là vua Trần Hiến Tông và Trần Hạo - sau là vua Trần Dụ Tông.
Đời sau, sử thần Ngô Sĩ Liên chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: Chu Văn An “tính cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc”, “học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa”. Học trò của ông có nhiều người giỏi và có công giúp nước.
Học sinh của thầy Chu dù đỗ đạt cao nhưng vẫn giữ lễ, nghĩa và tình cảm thầy trò sâu đậm. Dân gian còn kể lại chuyện các ông Phạm Sư Mạnh, Lê Quát dù làm quan cao trong triều nhưng khi về thăm thầy Chu vẫn xuống ngựa từ đầu làng và đi chân đất tới nhà thầy.
Thầy Chu Văn An đạo cao đức trọng, làm “cảm động cả trời đất”, đã đi vào truyền thuyết. Câu chuyện “Sự tích Đầm Mực” kể về người học trò từ dưới thủy cung cảm phục đạo và đức của thầy Chu mà hóa thân thành người bình thường đến trường Huỳnh Cung của thầy theo học.
Người “học trò thủy thần” cũng vì nể trọng thầy Chu mà đã trái lệnh trời, làm mưa cứu dân khỏi hạn hán.
Theo truyền thuyết, cái nghiên mực người học trò tung lên trời để làm mưa rơi xuống biến thành đầm lớn. Nước trong đầm có màu đen như mực nên nhân dân gọi tên đầm nôm na là “đầm mực”. Đây là khu đầm linh thiêng - Linh Đàm. Tên đó còn giữ đến ngày nay.
Cây bút thì rơi xuống làng Tả Thanh Oai cách đó không xa nên làng đó có nhiều người học giỏi. Làng Tả Thanh Oai là quê của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm và sinh ra cả một “Ngô gia văn phái” nổi tiếng.
Dưới thời vua Trần Dụ Tông, trước những cảnh bất bình, thầy Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” đề nghị nhà vua chém bảy tên nịnh thần lộng quyền. Sớ dâng lên, không được trả lời, thầy Chu từ quan về núi Chí Linh tiêu dao với phong cảnh, trồng cây thuốc và tiếp tục dạy học. Tư đồ Trần Nguyên Đán, người cùng thời, đã coi ông là bậc “Thượng tường sơn đẩu” - ví ông như núi Thái Sơn, như sao Bắc Đẩu.
Năm 1370, thầy giáo Chu Văn An qua đời, được truy phong tước Văn Trinh công. Ông được phối thờ ở Văn Miếu cùng với các bậc tiên Nho. Hậu thế tôn vinh ông là “Người thầy của muôn đời”. Tên của ông đã được đặt cho nhiều đường phố, nhiều trường học trong cả nước.
Tượng thầy Chu Văn An ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Ảnh minh họa nguồn internet
Nhiều hoạt động tôn vinh và tưởng niệm
Tháng 12-2019, Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục thế giới (UNESCO) đã có khuyến nghị tổ chức những hoạt động trong năm 2020 để kỷ niệm 650 năm mất của Chu Văn An (1370 - 2020) để ghi nhận và tưởng nhớ những đóng góp của một danh nhân trên các lĩnh vực văn hóa và giáo dục.
Thực hiện khuyến nghị của UNESCO, trong dịp tôn vinh các nhà giáo Việt Nam năm nay, các hoạt động tưởng niệm Chu Văn An đã diễn ra tại quê hương ông - xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội) và ở Văn Miếu - Quốc Từ Giám - là trường học cấp quốc gia nơi ông đảm nhiệm chức vụ cao nhất - Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức cuộc thi “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An” và trao các giải thưởng sáng tạo độc đáo cho các em học sinh Hà Nội và các trường được mang tên Chu Văn An trong cả nước.
Cuộc thi đã mở rộng sự hiểu biết và tình cảm với thầy giáo Chu Văn An, cũng là dịp để thể hiện lòng tri ân của các thế hệ sau đối với người thầy giáo ưu tú của nền giáo dục nước nhà.
Cũng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trưng bày chuyên đề “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu” được khai mạc ngày 18-11 và kéo dài đến hết năm. Trưng bày có hai chủ đề: “Túc thanh cao” - giới thiệu về con người, nhân cách, sự nghiệp giáo dục của danh nhân Chu Văn An và “Gương thầy sáng mãi” - tôn vinh và học hỏi tinh thần của thầy giáo Chu Văn An.
Với cách trưng bày hiện đại, những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ được chuyển tải trong không gian mở, đăng đối tại nhà tiền đường nhà Thái học như một cuộn tranh nhiều trường đoạn, dẫn dắt người xem ngược thời gian để hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của Thầy giáo Chu Văn An, hiểu hơn về phẩm cách một “Kẻ sĩ Thăng Long” xưa có thể làm gương cho đời nay.
Ảnh minh họa nguồn internet